Hà Nội: Nhiều trẻ mắc thủy đậu phải nhập viện, 2 sai lầm cha mẹ dễ mắc khiến bệnh thêm nặng

Tin y tế 06/03/2023 20:24

Trên địa bàn Hà Nội hiện ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu. Khi con bị thủy đậu, nhiều cha mẹ mắc phải sai lầm trong quá trình chăm sóc khiến bệnh thêm nặng, thậm chí gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Hà Nội: Nhiều trẻ mắc thủy đậu phải nhập viện, 2 sai lầm cha mẹ dễ mắc khiến bệnh thêm nặng - Ảnh 1

Chọc nốt phỏng thủy đậu để bôi thuốc là cách làm sai lầm khiến da của trẻ bị viêm nhiễm, nhiễm trùng nặng, để lại sẹo. Ảnh minh họa

Gia tăng trẻ mắc bệnh thủy đậu

Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trong tuần qua, trên địa bàn huyện đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu ở trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc thủy đậu. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện Chương Mỹ đã có 129 ca mắc thủy đậu.

Tại Khoa Nhiệt đới, BV ĐK Hà Đông trong tuần qua cũng tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 10 trường hợp mắc thủy đậu, hầu hết là trẻ em.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, BV ĐK Hà Đông, trẻ mắc thủy đậu có các dấu hiệu chung khi nhập viện là sốt cao, nổi nhiều nốt phỏng ở toàn thân, bỏ bú, ăn uống kém. Các nốt phỏng cũng khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy nên thường xuyên quấy khóc.

Tương tự, tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV Trung ương Quân đội 108, thời gian gần đây cũng liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu.

Các bệnh nhân vào viện với các triệu chứng chung như: sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mụn mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.

Bệnh thủy đậu là gì?

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV Trung ương Quân đội 108, bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra.

Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. 

Đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh.

Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1 - 2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn. Và thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển, lây lan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não.

Nguy hiểm hơn là di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh.

Cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Biện pháp điều trị bệnh hiện nay thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

Do đó, quá trình chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng. Khi con chẳng may mắc thủy đậu, cha mẹ cần đảm bảo cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả…

Đặc biệt, cần vệ sinh sạch sẽ cho con hàng ngày bằng cách vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo…

Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

2 sai lầm khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu khiến bệnh thêm nặng

- Chọc vỡ bọng nước để bệnh nhanh khỏi: Đây là sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải. Khi thấy con bị thủy đậu, thay vì đưa con đi khám thì nhiều cha mẹ nghe theo lời mách bảo của người quen, lấy kim chọc vỡ hết các bọng nước rồi bôi thuốc lá, thuốc tự mua vào cho nhanh khỏi. Kết quả bệnh không đỡ mà các nốt trên da trẻ còn bị nhiễm trùng nặng.

- Kiêng vệ sinh, tắm rửa cho con: Cho rằng trẻ mắc bệnh thủy đậu phải kiêng gió, kiêng nước cho nhanh khỏi nên nhiều cha mẹ không vệ sinh, tắm rửa cho con cả 1 tuần lễ. Cách làm này của cha mẹ khiến da của trẻ bị nhiễm trùng, bội nhiễm, ngứa ngáy, khó chịu, gây tổn thương sâu và để lại sẹo cho bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ bị thủy đậu cần được giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng cách tắm rửa nước ấm trong phòng kín, thay quần áo, vệ sinh mũi họng...

Xúc động nỗ lực cứu sống bé sơ sinh thiếu máu, kháng thể chống lại các kháng nguyên với tia hi vọng mong manh: Con ngày càng hồng hào, tươi tắn

Nỗ lực của cả gia đình, tập thể y bác sĩ mong muốn cứu cháu bé thuộc nhóm máu hiếm, sức khỏe ngày càng suy giảm đã thành công.

TIN MỚI NHẤT