Bị sốt xuất huyết có cần kiêng tắm gội không?

Tin y tế 10/11/2022 15:05

Nhiều người cho rằng khi bị sốt xuất huyết cần phải kiêng tắm rửa, gội đầu để bệnh nhanh khỏi, không diễn biến nặng.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân không nhất thiết phải kiêng tắm gội. Bệnh nhân vẫn có thể tắm bằng nước ấm để tránh tình trạng sốt cao dẫn tới bài tiết mồ hôi nhiều gây viêm da bội nhiễm.

Với những trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu nhiều, khi tắm cần tránh kỳ cọ mạnh để tránh gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Người bị sốt xuất huyết cũng cần lưu ý, khi tắm nên tắm nhanh bằng nước ấm, tắm trong phòng kín gió, không tắm với nước lạnh, không ngâm người trong nước hoặc tắm quá lâu. Nếu gội đầu, nhất là phụ nữ tóc dài, dày, nên sấy khô, tránh để tóc ướt lâu, tóc còn ẩm khi đi ngủ vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh.

Người bị sốt xuất huyết không nhất thiết phải kiêng tắm rửa, gội đầu. Ảnh minh họa

Người bị sốt xuất huyết không nhất thiết phải kiêng tắm rửa, gội đầu. Ảnh minh họa

Sốt xuất huyết thường diễn tiến theo từng giai đoạn với những triệu chứng như sau:

- Giai đoạn sốt: Thường kéo dài từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn…

 

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.

- Giai đoạn nguy kịch: Giai đoạn này thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh, tính từ khi bắt đầu sốt. Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột, đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh.

Cùng với đó người bệnh còn có biểu hiện tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít…

Ở giai đoạn này người bệnh xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết).

- Giai đoạn hồi phục hồi: Thường sau ngày thứ 7 của bệnh. Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. 

Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết 

- Thường xuyên đo thân nhiệt để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. 

- Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. 

- Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. 

- Tránh dùng các loại thuốc như Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt vì những hoạt chất trong các loại thuốc này có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm. Thay vào đó, bạn nên dùng Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. 

- Nên uống nhiều nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, có thể uống nước Oresol để bù điện giải cho cơ thể. 

- Chỉ trong trường hợp bệnh nhân sốt trên 38.5 độ C mới nên dùng thuốc hạ sốt. Mỗi lần uống thuốc cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng.

Bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì và không nên uống thuốc gì?

Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại Hà Nội. Khi chẳng may bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh nên uống thuốc gì và không nên uống thuốc gì?

TIN MỚI NHẤT