5 triệu chứng ở trẻ sốt virus mà bố mẹ cần đưa con đến nhập viện

Tin y tế 07/11/2022 15:54

Khi con sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà nhưng nếu con có các biểu hiện sau thì bố mẹ cần đưa con tới bệnh viện để điều trị.

Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương – Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốt virus là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó.

Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày. Sốt virus có thể đơn thuần và tự khỏi nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng tùy vào từng loại virus và cơ địa của trẻ.

5 triệu chứng ở trẻ sốt virus mà bố mẹ cần đưa con đến nhập viện - Ảnh 1

Bác sĩ BV Nhi Trung ương chăm sóc trẻ bị sốt virus.

Khi nào thì đưa trẻ đến viện khám?

Theo bác sĩ Chương, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Nếu trẻ sốt virus đơn thuần thì bố mẹ chăm sóc con tại nhà: Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C thì cho bé uống hạ sốt,  mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, nước ép trái cây… 

Trẻ em sốt virus cần được đưa ngay đến bệnh viện nếu xảy ra 1 trong các triệu chứng sau:

- Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên đã sử dụng thuốc hạ sốt mà không phản ứng.

- Trẻ mệt mỏi, li bì, ngủ nhiều, bỏ ăn.

- Xuất hiện tình trạng co giật, đau đầu liên tục và tăng dần.

- Tình trạng sốt kéo dài trên 5 ngày đã áp dụng các biện pháp mà không thuyên giảm.

- Trẻ bị nôn khan, buồn nôn nhiều lần trong ngày.

Biến chứng của sốt virus?

Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng; chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…

Phòng sốt virus bằng cách nào?

Để phòng ngừa nhiễm virus, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi…

Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời), thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não nhật bản, bại liệt, rotavirus…).

Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương – Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày khoa Hồi sức Hô hấp tiếp nhận 5-10 trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus kèm theo sốt. Nhiễm virus có sốt thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ấm, đặc biệt là mùa đông xuân.

Nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay – chân – miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…

Hà Nội vượt ngưỡng cảnh báo sốt xuất huyết: 5 nguyên tắc phòng dịch đơn giản, hiệu quả

Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 ở Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng.

TIN MỚI NHẤT