Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh nhi này được chẩn đoán mắc Covid-19 và phải nhập viện theo dõi do dưới 1 tuổi, nhóm có nguy cơ cao dễ biến chứng.
- Tình hình sức khỏe của các học sinh mắc COVID-19 tại Bà Rịa - Vũng Tàu ra sao?
- Cảnh báo: Ca COVID-19 tăng trở lại, có bệnh nhân phải thở oxy, người dân cần chủ động phòng bệnh
Theo thông tin từ Tri thức - Znews, 3 giờ sáng, Bệnh viện Nhi Hà Nội đón một bé gái mới tròn 6 tháng tuổi trong tình trạng sốt cao, giật mình liên tục. Mẹ bé, chị P.T.A. (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) không giữ nổi bình tĩnh vì quá lo lắng.
"Con sốt từ hôm trước, chảy nước dãi liên tục, quấy khóc không ngừng. Cả ngày, tôi ở bên theo dõi mà không thấy đỡ, đến tối lại thấy con giật mình liên tục. Hai vợ chồng tôi không dám chần chừ thêm, lập tức đưa con vào viện trong đêm", chị A. kể lại.
Kết quả xét nghiệm khiến người mẹ trẻ càng thêm hoang mang, bé mắc Covid-19 và đồng thời tay chân miệng.
Không chỉ chị A., những ngày gần đây, nhiều phụ huynh rơi vào cảnh tương tự. Chị V.T.T. (trú tại Trung Văn, Nam Từ Liêm) đưa con gái 5,5 tháng tuổi nhập viện sau 2 ngày sốt cao liên tục trên 39 độ, không hạ. "Cả nhà tôi đều khỏe mạnh, giữ con kỹ lưỡng, vậy mà không hiểu sao con lại nhiễm bệnh", chị T. thắc mắc.



Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh nhi này được chẩn đoán mắc Covid-19 và phải nhập viện theo dõi do dưới 1 tuổi, nhóm có nguy cơ cao dễ biến chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, khoa Truyền nhiễm, cho biết từ đầu mùa hè đến nay, bệnh viện đã ghi nhận khoảng 150 ca Covid-19 ở trẻ em, trong đó khoảng 40 trẻ phải nhập viện. Phần lớn là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hiện bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng 10 trường hợp, trong đó có những ca đặc biệt nặng.
"Một bệnh nhi phải chuyển điều trị tại khoa cấp cứu, một bệnh nhi bị ung thư đồng nhiễm Covid-19 và hai trường hợp mắc kèm tay chân miệng", bác sĩ Đức thông tin.

Theo thông tin từ báo Lao Động, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giám sát, phòng chống COVID-19, đối với ca bệnh COVID-19 đã được xác định và điều trị nội trú, cần được quản lý điều trị; phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh.
Người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú phải đeo khẩu trang, khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày từ khi có triệu chứng hoặc khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Nên đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10. Khi cần ra ngoài, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.
Người chăm sóc hoặc sống cùng: Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc; thường xuyên rửa tay, vệ sinh bề mặt, giữ thông thoáng nơi ở.

Với trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, cần tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc ra ngoài, hạn chế tiếp xúc; rửa tay thường xuyên, vệ sinh bề mặt tiếp xúc.
Người có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) nên xét nghiệm sớm.
Người bệnh điều trị nội trú: Được cách ly tại khoa cấp cứu hoặc khoa chuyên môn; khi phát hiện ca bệnh tại các khoa lâm sàng, phải chuyển ngay vào buồng cách ly.
Các khu vực như buồng khám, cấp cứu, cách ly cần đảm bảo thông khí và đủ điều kiện cách ly theo quy định.
Người mắc COVID-19 không bắt buộc cách ly nghiêm ngặt như trước, nhưng vẫn cần chủ động phòng bệnh để bảo vệ cộng đồng.