Ly hôn xưa và nay

Phụ nữ yêu 14/07/2019 05:00

Theo thống kê, ở Việt Nam cứ 3 cặp kết hôn thì lại có xấp xỉ 1 cặp ly hôn. Ly hôn, hủy hôn ngày nay đã “nhẹ tựa lông hồng”, không còn “nặng tựa Thái Sơn” như xưa nữa.

Điều này khiến người ta đặt câu hỏi, chẳng hiểu vì sao phụ nữ ngày nay dễ dàng từ bỏ hôn nhân như thế, trong khi thời xưa ông bà ta dù chỉ lấy nhau qua mai mối nhưng lại ăn đời, ở kiếp, thậm chí dù chồng có ăn chơi, rượu chè hay năm thê gảy thiếp... người vợ cũng vẫn một mực không thay lòng, đổi dạ.

Thời hiện đại: người phụ nữ độc lập kinh tế, chuyện ly hôn đã dễ dàng

Ngày nay, tâm lý sợ ly hôn ở phụ nữ đã không còn nữa. Họ đã dám bứt phá ra khỏi những cuộc hôn nhân bế tắc. Theo chuyên gia Đinh Đoàn, trình độ tiến hóa về nhận thức và tư duy của phụ nữ ngày càng nhanh hơn, càng ngày họ càng nhận biết được điều gì mang đến hạnh phúc cho mình. Cho nên, ngày nay chủ động chấm dứt hôn nhân không hạnh phúc đa số là phụ nữ.

Chị Nga đồng nghiệp cùng công ty tôi có gần 6 năm chung sống với chồng. Một ngày chị đi công tác về sớm hơn dự kiến thì chứng kiến cảnh anh dẫn “gái lạ” về nhà. Quá sốc và đau khổ, chị một mực đưa đơn ly hôn mặc dù chồng đã hối lỗi và mong nhận được sự tha thứ. Tôi hỏi chị vì sao không cho chồng mình một cơ hội, để các con có mái ấm đủ đầy. Chị thản nhiên trả lời rằng, chị có đủ điều kiện kinh tế để lo cho các con, chị cũng có thừa sự thông minh xinh đẹp và sự nghiệp riêng để tìm hạnh phúc mới. Chị không muốn vùi mình vào một cuộc hôn nhân dối trá và lừa gạt. Đó cũng là lý do tại sao phụ nữ ngày nay không cam chịu.

Ly hôn xưa và nay - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Khác với phụ nữ xưa, ngoài chồng con ra họ không biết bám víu vào đâu cho nên phải cố chịu đựng như là cách đánh thức lòng vị tha vào sự bao dung của người phụ nữ. Với quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ xưa không được học hành đến nơi đến chốn, tới tuổi “cập kê” thì lấy chồng theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Do vậy, dù thế nào họ cũng cố gắng chịu đựng, bám lấy người chồng làm điểm tựa cuộc sống theo kiểu “xuất giá tòng phu". Ly hôn với người phụ nữ xưa bị chê cười là “vặn nài bẻ ống”, là điều nhục nhã cho gia đình dòng tộc.

Nếu người xưa quan niệm “phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” thì phụ nữ ngày nay khó chấp nhận chuyện chịu đựng một anh chồng tệ bạc, kém cỏi, không xứng đáng.

Thời xưa: hôn nhân ràng buộc bởi đạo lý, ly hôn được xem như điều cấm kỵ  

Trong khi hôn nhân thời hiện đại hợp tan phần lớn là vì lý do tình cảm tự nguyện, thì người xưa xem hôn ước như một cam kết thiêng liêng trọng đại, do trời đất và phụ mẫu an bài, phải hết lòng thuận theo. Người xưa quan niệm, hôn sự trước là mệnh trời, sau đó mới đến việc người. Cho nên dù bị ruồng bỏ, hành hạ, hay phải sống trong hoàn cảnh hẫm hiu họ cũng không cho phép mình tự bảo vệ bản thân bằng cách giải thoát ra khỏi cuộc hôn nhân.

Ly hôn xưa và nay - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

“Chuyện người con gái Nam Xương” là ví dụ điển hình, là một áng "thiên cổ kì bút", viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Câu chuyện để lại cho chúng ta nỗi thương cảm, xót xa cho thân phận người phụ nữ xưa.  

Hủy hôn, ly hôn, bản thân sự việc đó chưa đủ phân định tốt xấu, người ta quan tâm nhiều hơn đến nguyên nhân của nó. Hy sinh bản thân mình cho chồng con và cho sự nghiệp nhà chồng là sự chọn lựa, là đạo đức tốt đẹp trong văn hóa truyền thống. Với phụ nữ hiện đại, quan niệm của họ sinh ra là để được yêu thương, chiều chuộng chứ không phải để cam chịu, ngồi khóc nơi xó bếp nhà chồng.

Ly hôn xưa và nay - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Sự khác biệt này chính là nguyên nhân dẫn đến “phong trào” ly hôn ngày càng “rầm rộ” của con người. Tuy nhiên xét cho kỹ thì dù ly hôn có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng hậu quả của nó không khác nhau là mấy. Thân phận người phụ nữ trong bất kỳ cuộc ly hôn nào, khi tình yêu khép lại, hạnh phúc cũng không còn, cũng  mỏng manh, buồn tẻ, những đứa con thơ sống thiếu tình yêu thương. Mong rằng khi người ta nghĩ nhiều hơn đến những đứa trẻ thơ vô tội, đến hạnh phúc niềm vui và tương lai của chúng, người ta sẽ cân nhắc nhiều hơn với quyết định kết hôn và cả ly hôn. 

3 lý do khiến cho việc ngoại tình thường dẫn đến ly hôn

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, vì ngoại tình mà dẫn đến không ít cuộc hôn nhân tan vỡ. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá phổ biến mà các cặp vợ chồng trẻ hiện nay đang phải đối mặt.

TIN MỚI NHẤT