Phụ huynh lo lắng vì nhiều trẻ đang bị "dịch nôn": Bác sĩ nói gì?

Nuôi dạy con 13/05/2022 08:45

Hiện nay các bệnh viện đang ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị nôn ói có thể kèm đau bụng, tiêu chảy vào khám. Phụ huynh rất lo lắng vì không biết nguyên nhân tại sao?

Nhiều trẻ nôn ói nhập viện

Mới đây 1 bà mẹ có tên Bảo N. – Hà Nội chia sẻ về việc hai con nhiễm "dịch nôn". Theo đó, bé lớn đi chơi cùng cha mẹ về thì kêu mệt, bỏ ăn kèm theo nôn ói. Ban đầu chị N. tưởng con nôn do ngồi xe máy lên phố chơi nhưng sau khi bé lớn bị thì đến bé thứ hai cũng rơi vào tình trạng nôn và khát nước. Càng nôn bé càng đòi uống nước và cứ uống được bao nhiêu lại nôn ra bằng đó.

Đêm, vợ chồng chị N, thức trắng để dọn bãi nôn cho con. Một – hai ngày sau bé lớn ổn định hơn nhưng bé nhỏ vẫn nôn nên vợ chồng chị N. cho con vào Bệnh viện Nhi trung ương khám. Khi chờ khám thì thấy trong viện cũng có tình trạng 10 cháu có tới 8 cháu cúi mặt vào túi nilon để nôn. 

Sau khám, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân nên chuyển bé vào nhập viện để truyền dịch. Vào phòng điều trị, chị N. thấy có rất nhiều trẻ giống con mình đều trong độ tuổi tiểu học, mầm non. Có bé nôn ói nhiều kèm đau bụng ngủ li bì, mệt mỏi nhìn rất thương.

Không riêng chị N. trên diễn đàn các bà mẹ cũng chia sẻ về tình trạng có dịch "nôn"ở trẻ. Bệnh viện Nhi trung ương, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ cũng ghi nhận tình trạng trẻ nôn ói kèm đau bụng vào viện khám đông hơn.

Phụ huynh lo lắng vì nhiều trẻ đang bị 'dịch nôn': Bác sĩ nói gì? - Ảnh 1
Trẻ nhập viện vì nôi ói.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Cườm - Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện ĐK Hùng Vương, Phú Thọ cũng cho biết vừa qua tại khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhi với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết… có những trường hợp cả nhà phải nhập viện.

Nguyên nhân gây nôn ở trẻ

Theo PGS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi trung ương, hiện nay có nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh vì nôn và đau bụng. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. 

Tuỳ theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.

Theo PGS Hà, nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày – ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19. Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. 

PGS Hà cũng cho biết do thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm. Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn  như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày – ruột do nhiễm khuẩn. 

Nôn trớ do viêm dạ dày – ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Các biểu hiện khác như tiêu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ.

Trường hợp nôn, đau bụng do ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC.

Nguyên nhân khác là do chế độ ăn không phù hợp như  ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em. Một số trẻ có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột.

PGS Hà cho biết khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. 

Cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. 

Đối với các loại bệnh do vi khuẩn gây ra như trên, người lớn cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, đảm bảo chất dinh dưỡng, nên ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, để lâu trong tủ lạnh, sử dụng thực phẩm rõ ràng, đúng cách, hạn chế thức ăn đường phố…giữ vệ sinh thân thể vào môi trường xung quanh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như nôn, sốt hay đi ngoài phân lỏng,... bố mẹ cần liên hệ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị

Trẻ chậm nói do tiếp xúc điện tử quá nhiều, bố mẹ nên làm gì?

Nhiều gia đình phát hiện trẻ chậm nói ở thời điểm muộn khiến trẻ bị trễ mất giai đoạn vàng can thiệp. Để khắc phục tình trạng chậm nói ở trẻ, phụ huynh cần tăng cường tương tác tích cực, tạo hứng thú giao tiếp, bật âm ở trẻ và quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho bé.

TIN MỚI NHẤT