8 điều quan trọng bắt buộc phải làm khi dạy trẻ học nói

Nuôi dạy con 25/01/2020 07:06

Nếu bé đang bắt đầu tập nói và bạn muốn hỗ trợ khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ ở mức tối đa thì đừng bỏ qua 8 điều quan trọng bắt buộc phải làm khi dạy trẻ học nói dưới đây, cùng tìm hiểu ngay để có thêm những hiểu biết cần thiết nhé!

Những cách dạy trẻ học nói hiệu quả

Trò chuyện cùng bé

Khi dạy trẻ học nói, việc gia đình thường xuyên nói chuyện với bé sẽ kích thích khả năng làm quen ngôn ngữ ở trẻ. Đồng thời chúng cũng khiến tư duy và những hoạt động nhận thức của trẻ được phát triển tốt hơn. Ngay cả với người lớn, việc hạn chế giao tiếp và bị cô lập về giao tiếp cũng khiến khả năng nói và tư duy ngôn ngữ giảm đi, vì vậy với những trẻ em nhỏ mới làm quen với ngôn ngữ thì bạn nên dành thời gian để trò chuyện với bé.

Khi nói chuyện cùng bé, hãy nói chậm, rõ ràng với âm thanh vừa phải, nên nói chuyện lúc bé có hứng thú lắng nghe chứ không nên ép trẻ phải trò chuyện. Thêm vào đó, khi giao tiếp nên hạn chế tối đa việc nói ngọng, nói nhịu hay sử dụng quá nhiều tiếng lóng không thông dụng, vì chúng sẽ ảnh hưởng tới việc học nói của bé sau này.

Đặt câu hỏi cho bé

Những bé còn quá nhỏ sẽ không hiểu được câu hỏi của bạn, nhưng việc đặt câu hỏi cho bé giúp kích thích nhận thức, tư duy và làm quen với các cuộc giao tiếp. Khi nói chuyện với bé, bạn nên đặt câu hỏi để tạo sự tương tác giữa bé và mình. Việc này giúp bé biết học nói và hình thành liên kết giao tiếp sớm hơn. Đặc biệt với những bé đang trong thời gian bập bẹ tập nói thì đặt ra những câu hỏi sẽ khuyến khích bé tư duy để sử dụng ngôn ngữ hơn, từ đó giúp bé học được cách nói nhiều từ hiệu quả và nhanh chóng.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi
Nên dành thời gian nói chuyện với trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Không sao chép âm thanh của bé

Nhiều cha mẹ thường thích nhại lại những gì trẻ nói, nhưng việc đó là không nên. Vì khi trẻ mới biết nói những âm thanh phát ra chưa đúng và chưa chuẩn, nếu bạn bắt chước như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy bạn đang thích thú với kiểu nói ấy và sẽ tiếp diễn việc nói như vậy.

Bạn chỉ nên bắt chước những từ bé đã nói đúng và sõi, hoặc bắt chước những nguyên âm, phụ âm, chữ cái ngắn như AAA, BBB, CCC,…để giúp bé làm quen với các âm và các chữ cái. Vậy sẽ giúp bé học những âm tiết nhanh hơn, cũng kích thích khả năng ghi nhớ hiệu quả.

Thể hiện cảm xúc khi giao tiếp

Nếu bạn nói chuyện với trẻ, bé sẽ không chỉ nghe âm thanh bạn phát ra mà chúng còn quan sát các biểu cảm và hành động của bạn. Vì vậy bé sẽ dần hình thành nhận thức về những phản xạ cảm xúc khi giao tiếp. Giả sử khi bé nói sai, bạn cau mày, bé sẽ biết bạn đang khó chịu với chuyện đó, nếu bạn lặp lại nhiều lần bé sẽ biết là không nên làm như thế. Tương tự, khi bé nói đúng bạn thể hiện trạng thái cổ vũ, tán thưởng sẽ khiến bé thấy vui và muốn học hơn.

Đồng thời, bên cạnh giọng nói, biểu cảm là thứ thu hút sự chú ý của bé vào bạn. Nên nếu bạn chỉ nói mà không thể hiện cảm xúc gì hết sẽ khiến cuộc giao tiếp giữa hai người trở nên tẻ nhạt hơn đó. Nên đừng khiến trẻ phải chán mà ngủ gật khi nói chuyện với mình nhé. Hãy khéo léo sử dụng những biểu cảm tinh tế để rèn luyện tư duy cho bé dần dần.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi 0
Hãy thể hiện các cảm xúc khi giao tiếp - Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng bài hát, sách tập nói

Có rất nhiều những bài hát, câu chuyện cho thiếu nhi. Nếu như thời ngày xưa chưa phát triển, các bé chỉ có những đĩa nhạc và chỉ nghe gia đình kể chuyện thì hiện nay, có rất nhiều những loại sách, chuyện, bài hát được ghi âm sẵn để dạy bé làm quen với ngôn ngữ. Bạn có thể chọn những loại sách nói kể chuyện, đọc bảng chữ cái hay hát để bé học hỏi về những âm thanh.

Kết hợp với việc đó, bạn vẫn nên dành thời gian trò chuyện với bé để kích thích khả năng giao tiếp thực tế, nếu được hãy hát ru hay đọc chuyện cho bé trước khi đi ngủ. Có thể bé chẳng hiểu câu chuyện hay bài hát mà bạn hát là gì đâu, bé cũng không cảm nhận được giọng hát của bạn hay dở thế nào, mà việc này sẽ giúp bé làm quen với âm thanh, những cung bậc cũng như âm điệu trong việc sử dụng ngôn ngữ, điều này sẽ rất tốt cho bé.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi 1
Có thể dùng sách, bài hát để dạy nói cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Chơi trò chơi ngôn ngữ

Đây là một phương pháp bạn nên làm để hỗ trợ việc học ngôn ngữ ở trẻ, đặc biệt là khi trẻ mới bắt đầu học nói. Có nhiều loại trò chơi ngôn ngữ mà các cặp cha mẹ có thể dùng để dạy bé tập nói tại nhà như:

  • Trò gọi tên đồ vật (quả bóng, cái thìa, cái bát,…)
  • Trò nói tên màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng,…)
  • Trò tập đọc đồng giao
  • Trò chi chi chành chành
  • Trò nói tên bộ phận cơ thể (mát, mũi, miệng,…)
  • Trò gọi tên biểu cảm, cảm xúc (buồn, vui, tức giận, sợ hãi,…)

Những trò chơi này không chỉ giúp bé học từ vựng nhanh hơn, mà còn rèn luyện các loại phản xạ trong giao tiếp, đồng thời kích thích nhận thức của trẻ phát triển nhanh hơn. Với những bé chậm nói, đây là một trong những cách dạy trẻ chậm nói các cha mẹ nên tham khảo. Thêm vào đó, hoạt động này không chỉ giúp bén bé giải trí, mà còn tăng cường sự thân thiết với các thành viên trong gia đình, nên đừng bỏ qua những gợi ý này nhé.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi 2
Nên chơi các trò chơi ngôn ngữ với trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Cho bé tiếp xúc với nhiều người

Khi mới tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là những người lạ bé sẽ hơi rụt rè và sợ hãi, điều này ảnh hưởng tới việc giao tiếp của bé với những người xung quanh. Bạn nên tập cho trẻ tiếp xúc với nhiều người để cải thiện tâm lý, cải thiện khả năng giao tiếp và dần học được cách làm quen với mọi người. Những trẻ em được tiếp xúc với nhiều người hơn sẽ dần cởi mở và hòa đồng hơn, không chỉ trong phạm trù giao tiếp mà còn cả vấn đề phát triển tính cách và các kỹ năng mềm.

Hạn chế để bé xem ti vi, điện thoại

Ti vi và điện thoại cũng là một dạng thiết bị nói, nhưng chúng ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của những bé quá nhỏ, cụ thể từ 0-2 tuổi. Vì tivi và điện thoại là dạng giao tiếp không trực tiếp, bé lắng nghe, và sau đó nói một mình, không có sự tương tác qua lại, như vậy không đem lại hiệu quả tốt nếu thực hiện quá nhiều. Khác với các loại sách nói dạy trẻ phát âm, tivi và điện thoại chứa nhiều nội dung, nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, có thể với những trẻ nhỏ điều đó là “quá nhiều” và trong trường hợp xấu chúng sẽ gây ra những chứng rối loạn ngôn ngữ, vì vậy nên hạn chế cho bé dùng các loại thiết bị điện tử này.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi 4
Hãy đặt câu hỏi khi giao tiếp cùng bé - Ảnh minh họa: Internet

Nhận biết rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Một vấn đề vô cùng quan trọng khi dạy trẻ tập nói và tập giao tiếp đó là để ý xem bé có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ nào không để có thể can thiệp sớm. Những biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ có thể kể đến như:

  • Trẻ biết nói, biết dùng ngôn ngữ chậm hơn so với bình thường quá nhiều.
  • Trẻ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ từ vựng và sắp xếp câu.
  • Thường dùng sai các từ, ghi nhớ nhầm từ, ví dụ như dùng từ này để chỉ vật kia nhiều lần mà không sửa được.
  • Không hiểu những điều người khác nói, hoặc hiểu sai nghĩa vì hiểu sai các từ.
  • Trẻ không thích giao tiếp, không muốn nói chuyện, không muốn lắng nghe.
  • Trẻ không quan tâm tới những cuộc giao tiếp, những nguồn âm thanh nói phát ra xung quanh.
  • Trẻ bị rối loạn các ngôn ngữ, dùng lẫn lộn thứ tiếng này sang thứ tiếng khác, lẫn lộn dấu và ngữ điệu.

Đó là những dấu hiệu cơ bản để nhận biết các chứng rối loạn ngôn ngữ, nếu bé nhà bạn có nhiều biểu hiện đã nêu với tần suất lặp lại cao và thời gian kéo dài lâu hơn bình thường rất nhiều thì hãy cân nhắc đưa trẻ đi kiểm tra về các vấn đề ngôn ngữ, có thể là tham khảo ý kiến các chuyên gia, làm những bài kiểm tra để nắn rõ tình hình, sau đó đưa ra hướng xử trí hợp lý để có cách dạy con tập nói hiệu quả nhất.

8 dieu quan trong bat buoc phai lam khi day tre hoc noi 5
Cần chú ý để nhận ra các vấn đề rối loạn ngôn ngữ ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là 8 điều quan trọng khi dạy trẻ học nói và những dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Hy vọng bài viết này đã đem lại những thông tin hữu ích cho hành trình làm cha mẹ của bạn.

Bé 7 tháng ăn được gì: 5 câu hỏi then chốt cho bữa ăn hiệu quả

Bé 7 tháng ăn được gì? 5 câu hỏi và lời giải đáp các mẹ nên biết để chuẩn bị cho bé những bữa ăn dinh dưỡng hiệu quả được phân tích trong bài viết này, đừng bỏ qua nhé!

TIN MỚI NHẤT