Mong làm đẹp cấp tốc để đón tết, đôi bạn trẻ ở Hà Nội 'nát mặt', viêm nhiễm, mặt đầy dịch mủ

Làm đẹp 22/12/2023 14:35

Hiện nay các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng được đội mác tinh vi hơn với mẫu mã, chai lọ tinh xảo, bắt mắt và được quảng cáo bằng lời lẽ “có cánh” dưới nhiều hình thức.

Theo thông tin từ VTC News, Tuấn Minh (19 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây mặt xuất hiện nhiều nốt mụn khiến chàng trai vô cùng tự ti. Trong một lần lượt mạng xã hội, Minh thấy một loại kem có mẫu mã bắt mắt, được quảng cáo xuất xứ từ nước ngoài với công dụng xóa mụn hiệu quả, thần tốc.

"Loại kem ấy có hàng nghìn lượt bán, và rất nhiều phản hồi điều trị hiệu quả", Minh nói và cho biết đánh đúng mong muốn hết mụn của bản thân nên chàng trai nhanh chóng đặt mua về sử dụng.

Thời gian đầu khi sử dụng, da của Minh đỡ mụn và trắng sáng hơn. Chàng sinh viên 19 tuổi nghĩ đã tìm được chân ái cho làn da của mình. Tuy nhiên khi mụn hết, ngừng sử dụng thuốc một thời toàn bộ da mặt thanh niên trở nên đỏ yếu, mụn viêm bùng phát mất kiểm soát.

Quá bối rối khi làn da tưởng chừng được cứu nay lại “xuống cấp” nhanh chóng, Minh tiếp tục mua sản phẩm đó về bôi thoa với hy vọng cứu lại làn da lần nữa, nhưng tình trạng da không những không cải thiện mà ngày càng tồi tệ với những nốt viêm đầy dịch, mủ.

Cùng gặp phải tình cảnh da viêm nhiễm nặng do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc như Minh, Quỳnh Mai, (23 tuổi) bị mụn dậy thì, được bạn bè giới thiệu dùng serum không rõ nguồn gốc, kết hợp với đi nặn mụn ở một cơ sở làm đẹp.  

Sau một thời gian bôi mỹ phẩm, da của Mai không đẹp lên mà xuất hiện tình trạng các cục viêm tấy bội nhiễm vi khuẩn, đau nhức, các ổ áp xe chảy dịch mủ, tạo thành những lỗ rò trên mặt.

 “Em phải lót khăn dưới gối để các dịch mủ và máu chảy ra không bị thấm vào gối”, cô gái chia sẻ không chỉ đau đớn, cô còn rơi vào stress nghiêm trọng, tự ti không dám bước chân ra đường.

Mong làm đẹp cấp tốc để đón tết, đôi bạn trẻ ở Hà Nội 'nát mặt', viêm nhiễm, mặt đầy dịch mủ - Ảnh 1
Da của 2 bệnh nhân xuất hiện các ổ viêm nhiễm, đầy dịch mủ sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc - Ảnh: VTC News

Bác sĩ Lã Thanh Hà - Trưởng khoa Da liễu Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam cho biết, hai bệnh nhân tìm đến khám trong tình trạng da ở mức đáng báo động, có hiện tượng giãn mạch, đỏ da, nhạy sáng, hàng rào bảo vệ da suy yếu. Ở Mai mặt bắt đầu xuất hiện các vết loét, rất dễ bị nhiễm khuẩn huyết.

Hiện nay các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng được đội mác tinh vi hơn với mẫu mã, chai lọ tinh xảo, bắt mắt và được quảng cáo bằng lời lẽ “có cánh” dưới nhiều hình thức.

Thậm chí nhiều loại mỹ phẩm lấy tên nước ngoài, thuê PR, quảng cáo rầm rộ; xây dựng hệ thống cộng tác viên, mở ra các chuỗi phân phối sản phẩm…, trên các nền tảng xã hội.

"Đánh vào tâm lý người dùng nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, đọc nhiều đánh giá có cánh trên mạng mà dễ dàng tin theo và rút hầu bao mua về những sản phẩm không rõ xuất xứ, cuối cùng nhận lại kết quả mặt không đẹp lên mà viêm nhiễm nặng", bác sĩ Hà cho hay.

Dẫn tin từ báo Pháp luật TP.HCM, theo BS Trần Thiên Tài, phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết chị em phụ nữ rất quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài, hầu như theo tâm lý chung ai cũng muốn mình luôn đẹp hơn trong mắt của người khác. Dù chỉ là một khuyết điểm nhỏ trên cơ thể cũng khiến họ cảm thấy không được hoàn hảo. Vì vậy làm đẹp, giữ gìn nhan sắc là việc làm hiển nhiên hằng ngày của các chị em. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà phụ nữ có những quan tâm đến vấn đề làm đẹp khác nhau.

Mong làm đẹp cấp tốc để đón tết, đôi bạn trẻ ở Hà Nội 'nát mặt', viêm nhiễm, mặt đầy dịch mủ - Ảnh 2
Nhiều tai biến do mỹ phẩm có thể dẫn đến chết người - Ảnh: PLO

Cụ thể như các bạn thiếu nữ ở độ tuổi dậy thì sẽ đặc biệt quan tâm đến tình trạng mụn ở trên da; phụ nữ trung niên sẽ quan tâm đến vấn đề sạm da, lão hóa da. Vì vậy việc sử dụng nhiều loại mỹ phẩm để khắc phục các nhược điểm này luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm phục vụ cho các mục đích chăm sóc da, dưỡng da, làm đẹp và cả dùng để điều trị bệnh. Tùy vào từng loại sản phẩm, mục đích sử dụng, hãng sản xuất mà có những thành phần riêng.

Nhìn chung, một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm có thể kể đến như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol…

Riêng những loại mỹ phẩm “dỏm” không xuất xứ, không nhãn mác thì có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide). Một vấn đề khác cần hiểu rõ hơn là tình trạng dị ứng còn phụ thuộc vào từng người, từng cá thể, thường gọi là “yếu tố cơ địa”, nghĩa là một sản phẩm A dùng cho người này thì không sao nhưng dùng cho người khác thì có thể gây dị ứng mà đây là những phản ứng không thể dự đoán trước được.

Đối với người bệnh, khi thấy da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da… phải ngưng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da dùng mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động, không sử dụng các loại mỹ phẩm khác (phấn trang điểm…), không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng...

Khi được xử trí kịp thời, các triệu chứng sẽ thuyên giảm, nếu trường hợp diễn tiến nặng tăng dần cần đến khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu để có hướng điều trị tối ưu.

Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A, miền Nam cảnh báo nguy cơ COVID-19 trở lại

Thời điểm này các bệnh về cúm đang vào giai đoạn dễ lây lan nhanh. Còn trên thế giới bệnh về đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia, trong đó là các quốc gia ASEAN.

TIN MỚI NHẤT