Một trong những nỗi phiền muộn của phụ nữ tuổi 40 khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh là dễ tăng cân và nhiều mỡ bụng. Giảm cân, giảm béo bụng dù khó khăn nhưng vẫn có cách nếu chị em kiên trì.
- Ăn xong nên làm gì và không làm gì để tiêu hóa tốt và tránh tích mỡ bụng
- Cách dùng quả me để giảm cân, giảm mỡ bụng hiệu quả nhất
Bước sang tuổi trung niên, cơ thể chúng ta trải qua nhiều thay đổi đáng kể, cả bên trong lẫn bên ngoài. Một trong những thay đổi thường gặp và gây không ít lo lắng chính là sự tích tụ mỡ thừa ở vùng bụng. Điều này xuất phát từ những thay đổi tự nhiên trong quá trình trao đổi chất, cùng với những thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Vì sao phụ nữ dễ bị béo bụng trong thời kỳ tiền mãn kinh?
40 tuổi là giai đoạn phụ nữ thường bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị tăng cân và béo bụng do nhiều yếu tố, chủ yếu liên quan đến sự thay đổi hormone, quá trình lão hóa và các yếu tố lối sống.
Estrogen giúp điều hòa cách cơ thể lưu trữ mỡ. Khi nồng độ estrogen giảm, mỡ sẽ có xu hướng tích tụ ở vùng bụng thay vì hông và đùi như trước đây. Estrogen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ trao đổi chất. Khi nồng độ giảm, quá trình này cũng chậm lại, khiến cơ thể đốt cháy calo ít hơn. Sự thay đổi hormone có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm giàu đường và chất béo.

Nhiều phụ nữ ngoài 40 cũng có xu hướng ít vận động hơn dẫn đến giảm lượng calo tiêu thụ. Thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiều đồ chế biến sẵn, đường và chất béo không tốt có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt khi nhu cầu calo giảm.
Ngoài ra, áp lực từ công việc, gia đình và cuộc sống có thể gây căng thẳng. Sự căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol, một hormone gây stress, kích thích cơ thể tích trữ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng. Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh sự thèm ăn, dẫn đến ăn nhiều hơn và tăng cân.
4 cách đơn giản giúp đánh tan mỡ bụng ở phụ nữ tiền mãn kinh
Ăn chậm, nhai kỹ
Thói quen ăn chậm, nhai kỹ giúp cơ thể có thời gian để nhận tín hiệu no, từ đó, giảm lượng calo nạp vào. Dư thừa calo là yếu tố hàng đầu gây tích tụ mỡ bụng. Ăn chậm, nhai kỹ không chỉ giúp khống chế lượng calo nạp vào mà còn giúp cải thiện tiêu hóa, giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Uống đủ nước
Uống đủ nước sẽ tăng cường trao đổi chất, chống tích tụ mỡ thừa toàn thân. Nên uống nước lọc, các loại trà không đường, nước ép hoa quả... để bổ sung vitamin và chất chống oxy hóa, giúp kích thích cơ thể phân hủy chất béo nhanh hơn, chống tích tụ mỡ bụng.

Quản lý căng thẳng
Căng thẳng kéo dài khiến nồng độ cortisol tăng cao, làm tăng lượng mỡ bụng tích tụ. Do đó, quản lý căng thẳng là ưu tiên hàng đầu để chống tích mỡ bụng. Tập yoga, thiền định, thư giãn bằng âm nhạc, phim ảnh... giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Tập luyện tăng cường cơ bắp
Lượng cơ nạc của cơ thể giảm 3 - 8% mỗi thập kỷ từ sau tuổi 30. Mất cơ bắp khiến mỡ thừa tích tụ nhiều hơn. Do đó, nên tích cực tập luyện tăng cường cơ bắp để duy trì khối lượng cơ càng nhiều càng tốt. Càng có nhiều cơ bắp, bạn càng đốt cháy nhiều calo hơn, ngăn tích tụ mỡ thừa hiệu quả hơn. Một số bài tập tăng cường cơ bắp có thể tập luyện tại nhà là plank, chống đẩy, gập bụng, squat... Nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày để nâng cao thể trạng, chống tích mỡ bụng.