Cúng ngày mùng 1 tết nên chuẩn bị những gì?

Đời sống 12/12/2022 14:40

Theo phong tục truyền thống của người Việt, sau bữa cơm cúng Giao thừa để tiễn năm cũ đón năm mới, sáng mùng 1 Tết, các gia đình sẽ sửa soạn bữa cơm cúng đầu năm. Vậy thì cúng ngày mùng 1 tết cần chuẩn bị những gì? Hãy cùng tìm hiểu ở ngay bài viết dưới đây nhé!

Tương tự như cúng Tất niên và Giao thừa, cúng ngày mùng 1 tết cũng có nhiều lưu ý quan trọng mà các chị em cần nhớ. Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng (Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội), việc sửa soạn lễ và cúng trong 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, cúng sáng mùng một tết khá quan trọng vì đây là ngày đầu tiên của năm mới.

Mùng 1 tết cúng gì?

Cúng mồng 1 tết
Cúng mồng 1 tết. Nguồn: Internet.

Ông lưu ý, sáng mùng 1 nếu gia chủ cúng gà thì gà phải được làm thịt từ hôm trước. Mùng 1 là ngày đầu năm mới nên kiêng sát sinh. Ngoài ra, không nên để chung đồ lễ trên bàn thờ. Khi cúng, hoa quả nên để ở ban trên, còn đồ mặn thì nên kê thêm bàn ở dưới rồi thắp hương.

Đồng thời, trong mấy ngày Tết, các gia đình không nên thắp hương quá nhiều mà chỉ nên thắp trước bữa ăn, mỗi lần 1 nén nhang cho 1 bát hương. Khi làm lễ, gia chủ nên ăn mặc chỉnh tề, tránh mặc quần đùi. Quá trình khấn phải diễn ra liền mạch, tránh việc đang cúng lại ngừng làm việc khác.

Nếu gia đình có điều kiện thì nên có đồ dùng riêng dành cho việc thờ cúng chứ không nên dùng vật dụng hàng ngày để đựng đồ cúng lễ.

Chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Thị Nghĩa (Hà Nam) cho rằng: "Với các gia đình có bàn thờ Phật, trong những ngày mùng 1, 2, 3 cần tuyệt đối tránh việc để các đồ lễ mặn lên như nước mắm, thậm chí là để gần, bởi, bàn thờ này chỉ thờ các đồ chay, thanh tịnh".

Cúng ngày mùng 1 tết nên chuẩn bị những gì? - Ảnh 2
 Mâm cúng ngày mùng 1 của người Việt thường có mâm ngủ quả, giấy tiền, đèn nến, bánh chưng,....

Theo cuốn Tín ngưỡng Việt Nam cho hay, vật phẩm cúng ngày mùng 1 Tết gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay là các món ăn ngày Tết được chế biến thơm ngon, bày biện trang nghiêm.

"Khi chủ gia đình khấn lễ xong, các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng. Khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ hóa vàng ngày mùng 3".

Theo phong tục dân gian, bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết gọi là cúng Nguyên đán, được hiểu là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Trong ngày này, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Còn chiều mùng 1 các gia đình làm cơm cúng Tịch điện, gọi là cúng cơm chiều.

Văn cúng ngày mùng 1 tết

Cúng sáng mùng một tết
Cúng sáng mùng một tết - ngày cúng đầu tiên của năm mới!

VĂN KHẤN THẦN LINH TRONG NHÀ

(Ngày mồng Một Tết)

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.

- Con kính lạy Chư vị Tôn Thần.

Tín chủ (chúng) con là ................................

Ngụ tại ..............................................

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng năm Quý Mão, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.

Nhân ngày năm mới, tin chủ con sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Cúi xin đức Tôn thần, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho gia chủ chúng con mọi người sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Mong ơn Đương cảnh Thành hoàng, đội đức Tôn thần bản xứ phù hộ độ trì cho gia chủ năm tới tấn tài tấn lộc, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý, sở nguyện lòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Cúng ngày mùng 1 tết nên chuẩn bị những gì? - Ảnh 4
 Văn khấn thần linh và tổ tiên ngày đầu năm!

VĂN KHẤN TỔ TIÊN

(Ngày mồng Một Tết)

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá Thúc Huynh Đệ, đường thượng Tiên linh và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc họ…………………

Tín chủ (chúng) con là: ……………………………

Ngụ tại:…………………………………………….

Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên đán, đầu xuân năm mới, con cháu tưởng nhớ ân đức Tổ tiên như trời cao biển rộng. Hôm nay, ngày mùng Một tháng Giêng năm Mậu Tuất, tín chủ con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, hương hoa nước quả, thắp nén hương thơm, thành kính dâng trước án.

Tín chủ con có lời kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại, cúi xin các vị thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không hạn ách nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Tín chủ con lại mời các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng, xin ban cho sức khỏe dồi dào, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Trên đây là một vài lưu ý quan trọng để chuẩn bị cúng cho ngày mùng 1 tết - ngày đầu tiên của năm mới. Hy vọng qua bài viết này, các độc giả sẽ thực hiện suôn sẻ được bữa cúng đầu năm, để cả năm được nhiều may mắn và tài lộc nhé! Chúc các độc giả đón năm Quý Mão hạnh phúc và nhiều sức khỏe!

Hướng dẫn gói bánh chưng bằng khuôn ngon, chặt và đẹp mắt

Vào ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, bánh chưng là món không thể thiếu. Nhưng điều đáng tiếc là không phải chị em nào cũng có thể gói được những chiếc bánh ngon, đẹp mắt và lâu bị hỏng.

TIN MỚI NHẤT