Miền Bắc lại chuẩn bị đón đợt lạnh mới, nhưng đợt rét đậm này có phần khác biệt, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ những lời dặn dò từ bác sĩ

Chăm sóc con 06/01/2021 13:49

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, 2 ngày nữa, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh thứ 3 trong mùa đông năm nay.

Cụ thể, theo dự báo, khoảng từ đêm 7/1, trời sẽ chuyển rét đậm rét hại, tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất chỉ 8 độ. Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, từ sáng ngày 7/1, Bắc Bộ có mưa nhỏ, từ đêm cùng ngày, trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất là ở vùng núi rơi vào 4 - 7 độ. Riêng khu vực Hà Nội, từ chiều và đêm 7/1 sẽ có mưa nhỏ, nhiệt độ dao động từ 8 - 11 độ.

Các chuyên gia cho biết, về cường độ, đây là một đợt không khí lạnh mạnh, tuy không mạnh bằng đợt Tết Dương lịch vừa qua nhưng nó lại có nhiều điểm khác biệt. Đáng nói là giai đoạn đầu đợt rét này, trời rét kèm ẩm, không có nắng nên nhiệt độ trung bình ban ngày sẽ thấp hơn đợt rét đậm dịp Tết dương lịch vừa rồi. Sau đó, giai đoạn hai thì thời tiết mới chuyển sang rét khô giống như các đợt rét trước đó.

Miền Bắc lại chuẩn bị đón đợt lạnh mới, nhưng đợt rét đậm này có phần khác biệt, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ những lời dặn dò từ bác sĩ - Ảnh 1

Giữ ấm đúng cách cho trẻ là vấn đề quan trọng hàng đầu khi nhiệt độ thời tiết xuống thấp (Ảnh minh họa).

Như vậy, trong đợt rét tăng cường sắp tới này, vì không có nắng, kèm mưa nhỏ nên theo dự đoán, mọi người sẽ cảm thấy rét hơn vào ban ngày. Trong khi đây là thời điểm trẻ vẫn phải đi học cũng như diễn ra nhiều hoạt động khác. Vì vậy, bố mẹ cần hết sức lưu ý đợt rét đậm chuẩn bị tràn xuống vào ít ngày tới.

 

1. Không nên đưa trẻ ra ngoài khi trời rét kèm mưa phùn, gió mùa bởi trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp khi trời lạnh quá hoặc không khí ẩm ướt.

Tốt nhất, chỉ nên cho bé ra ngoài trời khi trời không quá lạnh và có ánh nắng mặt trời hoặc trời ấm khô.

2. Nên di chuyển bằng ô tô

Một số trường hợp bắt buộc như trẻ đi học vẫn cần ra ngoài khi trời lạnh và có mưa. Trong trường hợp này, tốt nhất nên cho trẻ đi ô tô hay di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe buýt, đi bộ. Tuyệt đối không nên cho trẻ ngồi ghế trước xe máy phóng vù vù, trẻ sẽ rất dễ bị cảm lạnh.

Miền Bắc lại chuẩn bị đón đợt lạnh mới, nhưng đợt rét đậm này có phần khác biệt, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ những lời dặn dò từ bác sĩ - Ảnh 2
Trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi trời lạnh (Ảnh minh họa).

Nếu không có điều kiện buộc phải di chuyển bằng xe máy, hãy đảm bảo rằng mặc cho trẻ nhiều lớp áo quần đủ ấm, đeo găng tay, khẩu trang, kính mũ đầy đủ và di chuyển với tốc độ vừa phải. Không nên cho trẻ đi xe máy với chặng đường quá dài.

3. Không nên để bé suốt ngày nằm trong căn phòng đóng kín. Thỉnh thoảng, lúc yên gió hay khi nhiệt độ lên cao trong ngày, hãy bế bé lại gần cửa sổ để bé tận hưởng ít phút không khí trong lành.

4. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng

Trong những ngày trời lạnh, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Viêm đường hô hấp hay gặp ở trẻ là các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... Ngoài những tác động của thời tiết, theo TS. BS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, sai lầm trong cách chăm sóc trẻ những ngày lạnh cũng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp khi trời lạnh.

Nếu chỉ chú trọng giữ ấm, cho trẻ ở trong nhà thì không đảm bảo trẻ sẽ không bị ốm bệnh. TS Lê Thị Hồng Hanh lưu ý rằng trẻ ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp, nhất là trong những ngày lạnh ẩm sắp tới sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh về đường hô hấp.

Miền Bắc lại chuẩn bị đón đợt lạnh mới, nhưng đợt rét đậm này có phần khác biệt, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ những lời dặn dò từ bác sĩ - Ảnh 3

TS. BS Lê Thị Hồng Hanh chỉ ra 2 sai lầm phổ biến của bố mẹ khi chăm sóc trẻ ngày lạnh đó là: Thứ nhất, bố mẹ mặc quá nhiều quần áo giữ ấm cho trẻ nhưng khi trẻ nô nghịch ra nhiều mồ hôi lại không cởi bớt khiến trẻ bị ngấm ngược vào trong, nhiễm lạnh. Thứ hai, trẻ bị ốm lại kiêng tắm vì sợ tắm sẽ khiến con nhiễm lạnh. "Dù trẻ có bị sốt hay ho, viêm mũi họng thì cha mẹ vẫn nên lau người, thay quần áo sạch sẽ hàng ngày cho con hoặc cho con tắm trong phòng ấm, tắm nhanh, lau khô người và mặc quần áo ấm sau khi tắm, như thế sẽ an toàn cho trẻ", BS Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo.

5. Sử dụng điều hòa, máy sưởi nhiệt độ cao

Nhiều gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn cẩn thận sử dụng điều hòa nhiệt độ và máy sưởi ấm trong phòng để trẻ không bị lạnh trong những ngày rét đậm. Tuy nhiên, việc bật điều hòa và máy sưởi thời gian dài với nhiệt độ quá chênh lệch so với môi trường bên ngoài sẽ khiến trẻ bị khô da, ngột ngạt, sốc nhiệt.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo chỉ nên để nhiệt độ phòng khoảng từ 22 - 25 độ.

6. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ bú cần đưa đi khám ngay. Nhiều bố mẹ chủ quan hoặc ngại lạnh mà để con ở nhà 2 - 3 ngày khi phát hiện các triệu chứng ho, sổ mũi ở trẻ, đến khi đưa vào viện thì trẻ đã bị viêm phổi.

7. Bên cạnh đó, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước và tiêm phòng đúng lịch vẫn là khuyến cáo chung các chuyên gia đưa ra khi chăm sóc trẻ vào mùa đông. Bố mẹ nên lưu ý bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua vào thực đơn hàng ngày cho trẻ và tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen - 2 vi chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng.

Bé gái 1 tuổi bị viêm âm hộ, VÙNG KÍN ĐỎ BỪNG, vì mẹ đã làm điều dại dột này cho con gái

Không chỉ là người lớn mà với trẻ nhỏ vùng kín cũng cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Đặc biệt là không được làm bất cứ điều gì gây tổn thương ở vùng nhạy cảm nếu không sẽ để lại hậu quả khủng khiếp.

TIN MỚI NHẤT