Bệnh tay chân miệng tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chuyên gia y tế cảnh báo chủng virus mới

Chăm sóc con 09/12/2023 06:10

Bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 44.467 ca, chiếm 35,7%.

Bệnh tay chân miệng do một nhóm virus thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Enterovirus bao gồm 4 loại: poliovirus, Coxsackie A virus (CA), Coxsackie B virus (CB) và Echovirus. Các serotype thuộc loài A gồm: EV68, EV71, EV76, EV89, EV90, EV91 và EV92. Bệnh lây lan theo đường tiêu hóa, lây truyền từ người sang người do hai nhóm tác nhân gây bệnh: nhóm virus đường ruột Coxsacki (A16) và Enterovirus 71 (EV71)

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).

Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chuyên gia y tế cảnh báo chủng virus mới - Ảnh 1
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng - Ảnh minh họa: Internet

Cách nhận biết chân tay miệng ở trẻ em

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ lần lượt có biểu hiện mệt mỏi, sốt và phát ban. Tuy nhiên, những nốt ban ở trẻ sẽ tùy thuộc vào loại virus gây bệnh, có thể có các hình thái:

Những mụn nước hình bầu dục, nhỏ, màu trắng, mọc nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng. Trẻ sẽ thấy đau miệng và cổ họng khiến trẻ ăn uống kém hơn.

Những nốt ban có màu đỏ, vảy nâu, thường xuất hiện ở mặt ngoài của cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân, quanh miệng, mông trên và hiếm khi xuất hiện bên trong miệng. Đối với các trường hợp này, trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường.

Các triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện trong khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi trẻ bị nhiễm bệnh và sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Các vết ban, mụn nước do bệnh tay chân miệng thường không đau, không có cảm giác ngứa.

Lưu ý, nếu trẻ đang bị bệnh chàm nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng, bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ.

Bệnh tay chân miệng tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chuyên gia y tế cảnh báo chủng virus mới - Ảnh 2
Tay chân miệng ở trẻ gia tăng trong năm 2023 - Ảnh minh họa: Internet

Tay chân miệng có lây không?

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan từ người này sang từ khác. Virus gây bệnh có thể được phát tán ra bên ngoài trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện cho đến khi bệnh được chữa khỏi.

1. Lây như thế nào?

Hình thức lây lan chính của bệnh tay chân miệng là thông qua tiếp xúc với các chất lỏng trong mụn nước hoặc các giọt bắn có chứa virus gây bệnh được phát tán ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm virus tay chân miệng khi tiếp xúc với bề mặt còn chứa virus, thực phẩm đã nhiễm virus hay phân của người bệnh.

Do đó, khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần thông báo cho giáo viên và cho trẻ ngừng đến trường cho đến khi trẻ khỏi bệnh hoàn toàn, tất cả các mụn nước đã khô lại.

2. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể bị tái nhiễm nhiều lần không?

Trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm nhiều lần, vì căn nguyên của bệnh có thể gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Khi trẻ mắc bệnh, cơ thể sẽ chỉ sản sinh ra một loại kháng thể để miễn dịch với loại virus đã mắc trước đó nên khi trẻ nhiễm một loại virus gây bệnh khác, trẻ vẫn có thể bị tái nhiễm.

Trẻ em khi nhiễm virus tay chân miệng dù có triệu chứng lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên lượng kháng thể không nhiều và không bền vững theo thời gian nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có tiếp xúc với nguồn lây.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Kết luận chính thức về ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Đà Nẵng: Là bệnh tay chân miệng

Trường hợp bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng đã cho kết quả âm tính với virus gây bệnh. Bệnh nhân được xác định mắc bệnh tay chân miệng.

TIN MỚI NHẤT