Teen dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu?

Chăm sóc con 10/07/2025 12:28

Khi bước vào tuổi dậy thì, không ít trẻ bỗng “quay ngoắt” thái độ và trở nên nổi loạn trong mắt cha mẹ. Thực tế, tình trạng này là điều bình thường.

Tuổi dậy thì và hiện tượng teen “bỗng dưng” cãi lại cha mẹ

Khi bước vào tuổi dậy thì, không ít thiếu niên bỗng quay ngoắt thái độ, từ những đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời trở thành người dễ cáu gắt, phản kháng, tranh cãi với cha mẹ. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, cho rằng con hư, nổi loạn hoặc mất dạy. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, thậm chí là dấu hiệu tích cực của quá trình trưởng thành tâm lý.

Theo Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), tuổi dậy thì thường rơi vào giai đoạn 11–16 tuổi. Lúc này, cơ thể trẻ có những biến đổi mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tâm lý do tác động của hormone. 

Nội tiết tố giới tính tăng vọt (testosterone ở bé trai, estrogen ở bé gái) làm ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và cả cách trẻ tương tác với người xung quanh.

Teen dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu? - Ảnh 1

Đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành ý thức cá nhân rõ nét, mong muốn được khẳng định bản thân, được lắng nghe và được tôn trọng. Khi không được đáp ứng, trẻ có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, dễ tranh luận hoặc chống đối lại người lớn, đặc biệt là cha mẹ.

Nhiều phụ huynh bối rối khi thấy con trở nên “lầm lì, khó gần”, thậm chí chán học, điểm số sa sút. Một số trẻ phản ứng bằng cách nói hỗn, cãi lời, trong khi số khác lại thu mình, sống khép kín. Nhưng thực chất, đây đều là biểu hiện cho thấy trẻ đang định hình nhân cách mới, chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. 

Trong quá trình này, trẻ đặc biệt nhạy cảm với sự đánh giá từ cha mẹ và xã hội. Chỉ một lời chỉ trích nhẹ cũng có thể khiến các em tự ti, hoặc phản ứng gay gắt để “bảo vệ cái tôi”.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia (Mỹ) đã khảo sát 150 thiếu niên 13 tuổi về những lần mâu thuẫn với cha mẹ. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ hay cãi lại cha mẹ có khả năng giải quyết xung đột xã hội tốt hơn những trẻ chỉ biết im lặng hoặc phục tùng.

Thậm chí, chúng còn ít có nguy cơ sa vào các hành vi tiêu cực như hút thuốc, uống rượu… bởi vì khi dám thể hiện ý kiến, trẻ có xu hướng suy nghĩ, phân tích đúng sai thay vì bị dồn nén tâm lý.

Trẻ cãi lại cha mẹ không xấu

Theo Thạc sĩ Khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh, chuyên gia tâm lý, đồng sáng lập Học viện Minh Trí Thành, các cuộc cãi vã giữa cha mẹ và trẻ dậy thì không phải điều hiếm gặp. Điều đáng quan tâm không nằm ở việc trẻ có tranh luận hay không, mà nằm ở cách cha mẹ phản ứng lại những tranh luận ấy.

“Cha mẹ thường nghĩ con cái nên im lặng nghe lời, nhưng trẻ em cũng có nhu cầu được thể hiện, được lắng nghe, và được tôn trọng. Phản ứng của trẻ không phải để chống đối, mà là cách để chúng khẳng định cái tôi đang lớn dần”, bà Lanh phân tích.

Teen dậy thì thường cãi lại cha mẹ có phải là xấu? - Ảnh 2

Chuyên gia khuyến nghị, phụ huynh nên học cách quan sát kỹ các cuộc khẩu chiến trong gia đình, nó xảy ra khi nào, bắt nguồn từ điều gì, ai là người bắt đầu, và cảm xúc leo thang ra sao.

Việc nhận diện nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh lại hành vi, tránh lặp lại những cách nói chuyện mang tính áp đặt, phủ định cảm xúc con trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên cấm đoán trẻ lên tiếng, càng không nên đe dọa hoặc ra mệnh lệnh một chiều. Trẻ cần được dạy cách tranh luận có văn hóa, học cách thể hiện chính kiến mà vẫn tôn trọng người khác. Muốn vậy, chính cha mẹ cũng phải thay đổi, từ người ra lệnh thành người lắng nghe từ sự áp đặt thành đồng hành.

Người ngủ cùng con mỗi tối ảnh hưởng thế nào đến tâm lý và tính cách trẻ?

Không chỉ là một thói quen sinh hoạt, việc ai là người ngủ cạnh trẻ mỗi đêm có thể để lại dấu ấn sâu sắc lên tâm lý và sự hình thành nhân cách của con. Từ cảm giác an toàn, sự gắn bó tình cảm đến cách trẻ ứng xử và phát triển cảm xúc sau này, tất cả đều ít nhiều bắt nguồn từ chính những đêm nằm cạnh người thân.

TIN MỚI NHẤT