Trại hè bùng nổ như xu hướng rèn luyện con trẻ, nhưng rình rập phía sau là tai nạn khôn lường nếu thiếu quản lý chặt chẽ.
- Hành động của trẻ khi ngủ cha mẹ nào cũng lo không ngờ là dấu hiệu thông minh
- Một số kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em bố mẹ cần giáo dục cho con
Một chiều hè năm ngoái, Fang Qingqing nhận được cuộc gọi mà mọi phụ huynh đều sợ hãi. Cuộc gọi từ người hướng dẫn trại hè nơi con trai 12 tuổi của cô đang theo học, thông báo cậu bé bị thương nặng và cần phải nhập viện.
Trại hè ở vùng nông thôn gần thành phố Nam Kinh ở phía đông Trung Quốc, đón trẻ em từ 9 - 12 tuổi đến trải nghiệm cuộc sống quân ngũ trong một tuần.
Mỗi ngày, các em sẽ thức dậy lúc bình minh, dọn dẹp phòng, sau đó tham gia vào một loạt các hoạt động thử thách: vượt chướng ngại vật, đi bộ đường dài, đấu võ.
Những chuyến phiêu lưu ngoài trời được quảng bá là giúp “rèn luyện nhân cách” như vậy đang ngày càng phổ biến với các gia đình trung lưu Trung Quốc. Fang, người hy vọng sẽ cho con học tại một trường quốc tế trong tương lai, cho rằng trại hè ở Nam Kinh có thể là điểm cộng trong hồ sơ ứng tuyển của con.
“Tôi hy vọng con học được cách tự lập trong cuộc sống thường ngày”, Fang chia sẻ với Sixth Tone. “Tôi biết các trường quốc tế đánh giá cao kiểu trải nghiệm ngoài trời”.
Tuy nhiên, các trại hè luôn tiềm ẩn những rủi ro. Ngày thứ hai khoá trại, các huấn luyện viên yêu cầu con trai Fang trèo qua bức tường cao 4 m mà không trang bị đai an toàn. Khi chưa kịp lên đến đỉnh, cậu bé ngã mạnh xuống đất, gãy xương chày và xương mác, khiến cậu phải nằm viện suốt ba tháng.
Fang chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì con không bị thương tật vĩnh viễn. “Vụ tai nạn không để lại hậu quả lâu dài nhưng khiến cả gia đình tôi bàng hoàng”, cô chia sẻ.

Nhiều trại hè ở Trung Quốc xây dựng chương trình huận luyện trẻ với những thử thách khó khăn. (Ảnh: Sixth Tone)
Trại hè sốt, tai nạn tăng
Ngành công nghiệp trại hè của Trung Quốc bùng nổ trong những năm gần đây, do phụ huynh tin rằng các hoạt động sẽ giúp con mình có cơ hội tốt hơn khi nộp hồ sơ vào các trường điểm. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động đó gần như không chịu sự giám sát chặt chẽ và thường cực kỳ nguy hiểm.
Thị trường trại hè tại Trung Quốc tăng gấp 5 lần trong giai đoạn năm 2018 - 2021, từ 20 tỷ lên đến 100 tỷ nhân dân tệ (73.000 tỷ - 365.000 tỷ đồng), dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần nữa vào năm 2028. Hiện có khoảng 50.000 đơn vị tổ chức trại hè được đăng ký khắp đại lục và còn nhiều đơn vị hoạt động không phép.
Sự bùng nổ bắt nguồn từ áp lực cạnh tranh khốc liệt trong hệ thống giáo dục Trung Quốc. Phụ huynh ngày càng xem mùa hè là giai đoạn quyết định khi con mình có thể vượt lên hoặc tụt lại phía sau so với bạn bè.
Các đơn vị tổ chức trại hè khai thác tâm lý lo lắng đó bằng lời hứa giúp trẻ rèn luyện kỹ năng mềm được các phụ huynh đánh giá cao. Những hoạt động ngoài trời mang tính mạo hiểm trở nên đặc biệt phổ biến, bởi nhiều phụ huynh tin rằng nó giúp con rèn luyện tính tự lập và kiên cường. Ngoài ra, nhiều người tin rằng những trải nghiệm như vậy được các trường học phương Tây đánh giá cao.
Hệ quả là hàng loạt chương trình hè ra đời nhằm thử thách giới hạn của trẻ em: leo núi, đi bộ xuyên sa mạc, trại huấn luyện kiểu quân đội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, nhiều chương trình được điều hành bởi những người thiếu kinh nghiệm, thiếu đào tạo, khiến sự an toàn của trẻ bị đặt trong vòng nguy hiểm.
Tai nạn thương tâm
Năm 2021, một cậu bé 16 tuổi thiệt mạng khi tham gia chuyến đi bộ kéo dài một tuần qua sa mạc Tengger, khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. Cậu bị kiệt sức và gục ngã vào ngày thứ ba của hành trình. Giám định pháp y xác định nguyên nhân tử vong là sốc nhiệt. Hai người tổ chức trại đã bị đưa ra xét xử với cáo buộc ngộ sát vào năm 2023.
Mẹ cậu bé, bà Li, đã trả 22.000 nhân dân tệ (hơn 80 triệu đồng) cho trại hè, với hy vọng con sẽ có lợi thế khi du học.
“Một giáo viên tư vấn du học nói với tôi rằng hoạt động giúp rèn tinh thần phiêu lưu, người nước ngoài đánh giá rất cao kiểu trải nghiệm như vậy”, bà Li chia sẻ với tạp chí Sanlian Life Week.
Nhiều vụ việc khác liên quan đến trẻ bị thương nặng trong trại hè cũng được truyền thông Trung Quốc đưa tin. Theo Sixth Tone, khi tìm kiếm từ khóa “trại hè - tai nạn” trong cơ sở dữ liệu tư pháp Trung Quốc, có đến 180 kết quả và 63% trong số đó xảy ra sau năm 2018.
Con số này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhiều trường hợp được giải quyết ngoài tòa án, khi các đơn vị tổ chức cố gắng giữ kín thông tin. Trường hợp con trai Fang là ví dụ.
Sau tai nạn của con trai, Fang xem lại camera giám sát và thấy cậu bé có đội mũ bảo hiểm nhưng không có dây an toàn khi trèo tường. Các huấn luyện viên cũng không hướng dẫn an toàn đầy đủ. Với bằng chứng này, đơn vị tổ chức nhanh chóng đồng ý chi trả toàn bộ chi phí y tế.
“Họ không ngần ngại bồi thường”, Fang kể lại. “Họ muốn kinh doanh lâu dài nên không muốn tai nạn ảnh hưởng đến kế hoạch”.

Trẻ em đi bộ đường dài tại trại hè ở Trùng Khánh. (Ảnh: Sixth Tone)
Zhang Beidi, huấn luyện viên một trại hè ở tỉnh Quảng Tây, cho biết việc giấu thông tin tai nạn là chuyện rất phổ biến.
“Tôi từng chứng kiện một đứa trẻ không đội mũ đúng cách, bị đập đầu vào đá khi leo núi. Mặt nó đầy máu. Người tổ chức sau đó đi nói chuyện với từng người để bịt miệng”, Zhang kể.
Zhang tham gia huấn luyện trại hè từ năm 2020, cho biết bản thân cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của ngành. Zhang đạt chứng chỉ đào tạo huấn luyện trại hè của tổ chức Wilderness Advanced First Aid, nhưng đa số đồng nghiệp của cô thì "không có chứng chỉ nào". Nhiều trại thuê người tạm thời, ít kinh nghiệm, để tiết kiệm chi phí.
Zhang tùng phải một mình dẫn nhóm 18 thiếu niên đi leo núi ở Hàng Châu, công việc đáng ra cần ít nhất 2 người.
“Có lúc tôi không thể quan sát hết học sinh”, cô kể. “Khi đó trời mưa, đường trơn, dốc đứng. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”
Zhang hiện cân nhắcbỏ nghề vì quá lo ngại về mức độ thiếu an toàn của ngành.
Ông Bai, chủ một công ty tổ chức trại hè ở miền nam Trung Quốc, cũng thừa nhận ngành này đang thiếu nhân lực đủ tiêu chuẩn. Do quy định lỏng lẻo, các công ty không tập trung đào tạo nhân viên. Dù phải đăng ký với cơ quan công thương, họ không cần báo cáo chi tiết nội dung chương trình, nên nhà nước không thể kiểm tra việc sử dụng nhân sự cho các hoạt động nguy hiểm.
“Cách cắt giảm chi phí dễ nhất là tiết kiệm tiền thuê người”, ông Bai nói. “Thuê một người có chứng chỉ tốn kém hơn rất nhiều, mà phụ huynh thường không nhận ra sự khác biệt, nếu không có tai nạn”.
Thái độ liều lĩnh từ cả phụ huynh lẫn tổ chức càng khiến trại hè nguy hiểm hơn. Phụ huynh thường muốn huấn luyện viên “đẩy giới hạn” của con, nhưng chỉ người có kinh nghiệm mới biết làm sao để đưa ra thử thách mà không gây nguy hiểm.
“Mỗi đứa trẻ có giới hạn khác nhau”, ông Bai cảnh báo. “Trách nhiệm của huấn luyện viên là hiểu rõ năng lực trẻ và điều chỉnh phù hợp”.
Xiao Shuang, một người có hơn 10 năm kinh nghiệm tổ chức trại hè, cho biết nhiều người mới vào ngành không hiểu trẻ em.
“Phần lớn các khoá trại hè được thiết kế để thu hút phụ huynh”, cô nói. “Nhưng hoạt động lại vượt xa khả năng của trẻ, như đi bộ ở vùng núi cao”.
Vụ tử vong ở sa mạc Tengger theo Xiao Shuang là minh chứng điển hình.
“Phải có rất nhiều dấu hiệu trước khi cậu bé ngã gục”, cô nói. "Bi kịch này là hệ quả của một ngành phát triển hoang dại, thiếu kiểm soát".
Về phía gia đình Fang, dù con trai đã hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn để lại vết sẹo tâm lý. Cậu vẫn còn ngại tham gia hoạt động thể chất.
“Suốt sáu tháng con trai tôi không thể chơi thể thao”, Fang chia sẻ. “Thằng bé dường như đã mất tự tin với các hoạt động đó”.
Fang khẳng định sẽ không bao giờ để con tham gia hoạt động mạo hiểm như vậy nữa. Mùa hè này, cô đang cân nhắc gửi con đến một trại khoa học và gần như không có hoạt động ngoài trời.