Nhiều chuyên gia khẳng định, việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ cần được cha mẹ thực hiện càng sớm càng tốt để bảo vệ con trước những nguy cơ khó lường.
- 69% trẻ em Việt từng bị bạo lực từ người thân
- Trẻ dưới 6 tuổi là chiếc "camera sống", cha mẹ gieo gì sẽ gặt lại như thế
Trước thực trạng nhiều vụ việc xâm hại trẻ em gây chấn động gần đây, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc giáo dục kỹ năng phòng vệ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là điều vô cùng cấp thiết. Không đợi đến khi sự việc đau lòng xảy ra, bố mẹ cần chủ động trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ phù hợp với lứa tuổi.
Chia sẻ với Vnexpress, Thạc sĩ Đinh Đoàn - Chuyên gia tư vấn tâm lý cho hay, ngoài việc dạy con cách tự bảo vệ mình, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục giá trị và kỹ năng sống giúp trẻ ứng phó với tình huống xấu nhất.
"Bố mẹ hãy luôn tự hỏi mình mong muốn con trở thành người như thế nào khi trưởng thành, từ đó bố mẹ sẽ biết biết cần phải làm gì để giúp con", Thạc sĩ cho hay.
1. Dạy con nhận diện “vùng riêng tư” và quyền được nói “KHÔNG”
Theo Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Thế giới (Save the Children), bố mẹ nên dạy trẻ hiểu về “vùng riêng tư” trên cơ thể, những bộ phận mà người khác không được phép chạm vào, trừ cha mẹ (trong trường hợp chăm sóc, tắm rửa khi còn bé) hoặc bác sĩ (với sự đồng ý và giám sát của phụ huynh). Trẻ cần biết rõ rằng bất kỳ ai chạm vào cơ thể con khiến con khó chịu đều là hành vi không đúng.
Dạy trẻ cách nói “KHÔNG”, cách bỏ chạy, la lớn khi bị đe doạ là bước đầu để trẻ biết tự vệ và cầu cứu khi nguy hiểm.
2. Không giữ “bí mật” với bố mẹ
Trẻ thường bị kẻ xấu dụ dỗ bằng lời hứa giữ “bí mật” hoặc đe doạ nếu tiết lộ. Vì vậy, cha mẹ cần dạy con rằng: “Bí mật khiến con sợ hãi hoặc buồn bã thì phải kể với người lớn đáng tin”. Đồng thời, hãy tạo mối quan hệ cởi mở để trẻ không ngại chia sẻ mọi điều.
3. Xây dựng kỹ năng xử lý tình huống cụ thể
Bố mẹ nên hướng dẫn con cách xử lý các tình huống cụ thể thông qua trò chơi giả lập (role-play). Ví dụ:
- Khi người lạ mời con đi chơi, cho kẹo, hoặc bảo con đi cùng, con nên làm gì?
- Nếu bị ai đó đụng chạm cơ thể, con phản ứng thế nào?
- Khi ở nhà một mình hoặc bị lạc, con nên gọi ai, làm gì?
Việc luyện tập sẽ giúp trẻ phản xạ nhanh hơn khi gặp tình huống thật.
4. Tạo thói quen quan sát và tin vào trực giác
Khuyến khích trẻ tin vào cảm giác bản thân. Nếu ai đó khiến con thấy lo lắng, sợ hãi hoặc không thoải mái, con có quyền tránh xa và tìm người lớn giúp đỡ ngay. Đôi khi “trực giác cảnh báo” chính là cách tự vệ bản năng hiệu quả nhất.
5. Đừng bao giờ ép con gần gũi người mà con không thoải mái
Nhiều bố mẹ có thói quen bắt con ôm, hôn người lớn dù con không muốn. Điều này vô tình khiến trẻ hiểu sai rằng “cảm giác của con không quan trọng”, từ đó dễ bị thụ động trong các tình huống xâm hại. Hãy tôn trọng ranh giới cơ thể của con chính là bước đầu dạy con biết tự tôn trọng bản thân.
Trong một thế giới ngày càng nhiều mối nguy tiềm ẩn, bố mẹ không nên gieo rắc sợ hãi mà là trao cho con sức mạnh.