Một bé trai ở Mexico đã trở thành em bé đầu tiên trên thế giới được thụ thai thành công nhờ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được điều khiển hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
- Dạy con chăm sóc bản thân: Hành trang cho một đứa trẻ tự tin và độc lập
- Hành động của trẻ khi ngủ cha mẹ nào cũng lo không ngờ là dấu hiệu thông minh
Câu chuyện không chỉ thắp lên hy vọng cho các cặp đôi hiếm muộn mà còn đặt ra nhiều vấn đề đạo đức, xã hội cần lưu tâm.
Cặp vợ chồng Edna, 42 tuổi và Tony, 45 tuổi (tên đã được thay đổi để bảo mật), từng tưởng chừng mất đi cơ hội làm cha mẹ khi bác sĩ chẩn đoán Edna bị suy buồng trứng, còn Tony có vấn đề về tinh trùng.
Sau nhiều lần IVF thất bại, năm 2023, họ tình cờ được giới thiệu tham gia một nghiên cứu nguyên mẫu do Conceivable Life Sciences phối hợp cùng Hope IVF, một phòng khám tư tại Mexico City thực hiện.

Từ trái sang phải: bé Luis, bác sĩ Luis Miguel Campos (bác sĩ điều trị), cha mẹ Edna và Tony.
Ở nghiên cứu này, các chuyên gia đã dùng AI điều khiển robot để thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) từ xa, tạo phôi thai mà không cần trực tiếp thao tác.
Nhờ hệ thống tự động, robot thực hiện các bước vi mô với độ chính xác cao hơn con người, giảm thiểu rủi ro và biến tấu do yếu tố chủ quan.
Tiến sĩ Alejandro Chavez-Badiola, giám đốc y khoa của Conceivable Life Sciences, ví von: “Tôi tự hỏi liệu mình có là bệnh nhân may mắn được một chuyên gia phôi học giỏi nhất thế giới xử lý vào 8 giờ sáng, khi họ tỉnh táo, vui vẻ sau tách cà phê, hay là ca thứ 70 lúc 1 giờ chiều khi họ đang nghĩ tới bữa trưa hoặc buồn vì một cuộc gọi gia đình”.
Với AI, các thuật toán đảm bảo quá trình được thực hiện chuẩn xác mọi lúc, mọi nơi, giảm sai lệch do trạng thái con người.
Với Edna và Tony, “chúng tôi đại diện cho kỳ vọng và hy vọng của tất cả những cặp đôi từng không thể đạt được ước mơ làm cha mẹ”, họ chia sẻ.
Ngay khoảnh khắc nghe thấy nhịp tim thai, họ biết điều tưởng chừng không thể đã thành hiện thực.
Tháng 11/2024, bé Luis chào đời, trở thành đứa trẻ đầu tiên được thụ thai nhờ quá trình ICSI điều khiển từ xa bằng AI. Giờ đây, Luis đã 7 tháng tuổi, khỏe mạnh và là niềm tự hào của gia đình.

Ảnh chụp quá trình ICSI từ xa.
Quá trình này không chỉ mang tính đột phá về mặt khoa học mà còn mở ra mô hình có thể nhân rộng, giúp giảm chi phí, nâng tỷ lệ thành công IVF và cho phép chuyên gia từ các quốc gia khác nhau phối hợp điều khiển robot suốt 18–20 giờ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra bài toán đạo đức mới. Tiến sĩ Alexander Kotlyar, chuyên gia tại Genesis Fertility, nhận định: “Tranh luận về AI cũng giống như tranh luận lâu nay về xét nghiệm di truyền phôi thai. Câu hỏi luôn là: Công nghệ này có thực sự vì lợi ích bệnh nhân không?”
Ông cũng nhấn mạnh, việc ra quyết định phần nào giao cho máy móc khiến nhiều người e ngại, nhưng mọi quy trình đều được thẩm định nghiêm ngặt theo các nguyên tắc đạo đức y khoa.
Dù gia đình đôi bên lúc đầu còn chút lo lắng, song cuối cùng ai cũng hạnh phúc với kết quả.
Edna xúc động kể lại: “Tôi làm việc ở thành phố khác, tự mình thử que. Khi báo tin có thai cho Tony, anh ấy vô cùng bất ngờ và hạnh phúc”.
Còn Tony thì tin tưởng: “Công nghệ có thể dùng cho những mục đích xấu, nhưng nếu áp dụng đúng, nó sẽ phục vụ con người mỗi ngày”.

Luis, em bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật ICSI điều khiển từ xa.
Đây được xem là bước phát triển tất yếu của công nghệ khi trí tuệ nhân tạo ngày càng hiện diện sâu hơn trong y học. Nhu cầu hỗ trợ sinh sản đang gia tăng, trong lúc các phương pháp truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế, chi phí cao và phụ thuộc lớn vào tay nghề từng bác sĩ.
Việc đưa AI vào quy trình giúp chuẩn hóa thao tác, mở rộng khả năng tiếp cận điều trị cho người bệnh ở bất cứ nơi nào.
Câu chuyện này cũng phản ánh rõ nét khát khao của con người khi sẵn sàng tìm đến những giải pháp mới để bảo vệ hạnh phúc gia đình, dù phải vượt qua nỗi lo về việc một “cỗ máy” can thiệp vào quyết định sự sống.
Đồng thời, thực tế này đặt ra yêu cầu khoa học cần đi kèm kiểm soát chặt chẽ, nhằm tránh nguy cơ bị lạm dụng hoặc thương mại hóa một cách phi đạo đức.
Việc giao cho AI điều phối quá trình thụ thai kéo theo hàng loạt vấn đề đáng lưu ý. Câu hỏi về trách nhiệm khi xảy ra sai sót, quyền riêng tư dữ liệu di truyền của bệnh nhân, hay việc các tiêu chuẩn đạo đức có bị nới lỏng vì chạy theo thành tích, đều trở thành mối quan tâm không nhỏ.
Nhiều chuyên gia như tiến sĩ Kotlyar cho rằng cần có sự minh bạch về dữ liệu, quy trình huấn luyện AI, đồng thời nhấn mạnh tuân thủ đạo đức y khoa phải luôn là nền tảng không thể thay thế.
Câu chuyện của Edna và Tony vừa thắp lên niềm hy vọng, vừa là lời nhắc rằng mỗi bước tiến công nghệ đều cần được cân nhắc cẩn trọng.