Trời lạnh giá, trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ cần làm gì để phòng biến chứng nguy hiểm?

Bài học làm mẹ 24/12/2023 06:10

Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm A.

Theo thông tin từ VTV, trong vài tuần trở lại đây, có nhiều trẻ đến khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A với các triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, có thể xuất hiện buồn nôn, tiêu chảy.

Theo BSCKII. Dương Văn Linh - Trưởng khoa khám bệnh, bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Virus cúm có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, đặc biệt là trong thời tiết trở lạnh và độ ẩm thấp, do vậy mức độ lây lan càng tăng cao.

Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết do ho khạc, hắt hơi hoặc dính trên các vật dụng.

Thông thường người bệnh có thể hồi phục sau từ 2 – 7 ngày, nhưng đối với người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh về thận, thiếu máu, tim phổi hay suy giảm miễn dịch… đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, có nguy cơ cao bị biến chứng nguy hiểm.

Trời lạnh giá, trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ cần làm gì để phòng biến chứng nguy hiểm? - Ảnh 1
Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm A - Ảnh: VTV

Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, theo BSCKII. Võ Mạnh Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, cúm B và A/H1N1

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây các biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng, làm nặng bệnh lý nền dẫn đến tử vong .

Một số các biến chứng do Virus Cúm A có thể gây ra suy hô hấp, sốt cao co giật, viêm phổi, viêm não, viêm phế quản, viêm tai giữa...

"Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, khó thở,… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu ôxy dẫn đến tử vong. Do đó, cần cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và lưu ý theo dõi sát trong quá trình chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus", BSCKII. Võ Mạnh Hùng nói thêm.

Trước tình hình bệnh cúm A đang lây lan mạnh, chủ yếu ở lứa tuổi học trò, BS Hùng khuyến cáo: Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt là với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân mắc cúm A tăng cao thời điểm này, để chủ động phòng ngừa bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tụ tập đám đông, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.

Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A, miền Nam cảnh báo nguy cơ COVID-19 trở lại

Thời điểm này các bệnh về cúm đang vào giai đoạn dễ lây lan nhanh. Còn trên thế giới bệnh về đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia, trong đó là các quốc gia ASEAN.

TIN MỚI NHẤT