Thông tin mới vụ người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum do ăn mắm: Vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi

Tin y tế 24/05/2023 09:11

Trải qua 7 ngày điều trị, bệnh nhân 45 tuổi bị ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại mắm đã cử động được các ngón tay nhưng vẫn yếu cơ tứ chi, được tích cực theo dõi.

Theo thông tin từ báo Thanh niên, ngày 20/5, TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết cả 3 bệnh nhân trên đều ở TP. Thủ Đức (TP.HCM), trong đó có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi, người còn lại là nam 45 tuổi.

Theo thông tin ban đầu, ngày 13/5, 2 bệnh nhân là anh em ruột có ăn bánh mì chả lụa. Sau đó đến ngày 14/5 có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng. Ngày 15/5, 2 người này có triệu chứng nặng hơn, nhìn đôi, đau cơ, nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thông tin mới vụ người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum do ăn mắm: Vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi - Ảnh 1

Một bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Báo Thanh niên

Bệnh nhân thứ 3 là nam 45 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Người này cho biết có ăn một loại mắm để lâu ngày.

Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn.

Cũng theo thông tin mới nhất từ báo Dân trí, tối 22/5, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã thông tin về tình hình của bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc botulinum mà dư luận rất quan tâm những ngày qua.

Trước đó, vào tối 15/5, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có tiếp nhận một người đàn ông ngụ TP. Thủ Đức được chuyển từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa vào khoa Nội thần kinh đặt nội khí quản, thở máy, với chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi ngộ độc C.botulinum, với các triệu chứng phân biệt là cơn nhược cơ và viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính.

Thông tin mới vụ người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum do ăn mắm: Vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi - Ảnh 2
Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nơi đang điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum - Ảnh: Báo Dân trí

Khai thác bệnh sử, ngày 13/5 bệnh nhân có ăn một loại mắm để lâu ngày, rồi xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng và tiêu chảy.

Bệnh nhân được phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định lấy mẫu phân đưa đến Viện Vệ sinh Dịch tễ TP.HCM làm xét nghiệm. Ngày 19/5, kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có gen độc tố C.botulinum type A.

Đến nay sau 7 ngày điều trị, người bệnh gọi biết, cử động được các ngón tay nhưng vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi. Hiện, bệnh nhân được tích cực theo dõi điều trị bằng phác đồ thở máy, điều trị kháng sinh, truyền dịch, phải nuôi ăn qua ống sonde dạ dày.

Cơ quan chức năng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Khi có các vấn đề về sức khỏe, nghi ngờ ngộ độc botulinum liên quan đến việc dùng sản phẩm chả lụa và bánh mì không đảm bảo an toàn, cần ngưng sử dụng và đến ngay bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là không tự điều trị hoặc chờ đợi, vì ngộ độc botulinum có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

3 bệnh nhân ngộ độc botulinum liệt hoàn toàn do không có thuốc giải độc

Sử dụng thuốc giải độc sớm thì chỉ 48 đến 72 tiếng là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy.

TIN MỚI NHẤT