Thẩm mỹ mũi nhiều lần, người phụ nữ bị hư hỏng nặng, cánh mũi lõm xuống

Tin y tế 12/06/2023 18:04

Mới đây, tại bệnh viện, người phụ nữ 36 tuổi bị biến dạng, tổn thương nặng đã phải điều trị ghép giữ trụ mũi.

Theo Bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó trưởng Khoa Bỏng và tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Trưng Vương TP HCM thông tin trên Báo Người Lao Động cho hay lúc bệnh nhân vào viện, trụ mũi đã sập, không thở được, hai cánh mũi xẹp. Bước đầu, bệnh nhân được điều trị giải phóng sẹo co rút mũi, giải quyết viêm nhiễm ở mũi. Sau khi ổn định, bệnh nhân được ghép da để giữ trụ mũi.

Hiện bệnh nhân đã xuất viện, mũi sẽ cần 6 tháng đến một năm để lành lại và bệnh nhân mới có thể làm thẩm mỹ lại mũi nếu có nhu cầu.

Thẩm mỹ mũi nhiều lần, người phụ nữ bị hư hỏng nặng, cánh mũi lõm xuống - Ảnh 1

Bệnh nhân hư hỏng mũi nặng. Ảnh: Người Lao Động

Theo chia sẻ của bệnh nhân, giữa năm 2020, sau khi đọc quảng cáo trên mạng, chị đến cơ sở thẩm mỹ tại quận 3 (TP HCM) để nâng mũi bằng sụn sườn với giá 60 triệu đồng. Sau phẫu thuật, mũi tụ dịch, phải hút dịch trong một tháng. Khi hết dịch, mũi không giữ được dáng thẳng. Một năm sau, chị quay lại cơ sở này để làm lại mũi như điều kiện bảo hành của trung tâm.

Lần phẫu thuật thứ hai, cơ sở thẩm mỹ dùng sụn vành tai và sụn nhân tạo để sửa mũi cho bệnh nhân, sau vài ngày mũi lại chảy dịch. Chị tiếp tục hút dịch tại đây, trong quá trình đó trụ mũi bị biến dạng, rách da.

Không còn tin tưởng cơ sở này, chị yêu cầu hoàn trả tiền, phía trung tâm đã hoàn trả 50% chi phí.

 

Tháng 9-2021, tình trạng mũi tệ hơn, chị nghe bạn bè giới thiệu đến một spa "có tâm" khác để sửa mũi. Lần này, chị được rút sụn cũ, cấy vật liệu mới thay thế, sau khi mổ xong một bên cánh mũi lõm xuống.

Thẩm mỹ mũi nhiều lần, người phụ nữ bị hư hỏng nặng, cánh mũi lõm xuống - Ảnh 2

Khi có những phản ứng ngoài kiểm soát, họ không thể xử lý được dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ảnh: Tuổi Trẻ

Đến cuối năm 2022, chị đến spa khác để đặt sụn sửa mũi sau lời mời chào hấp dẫn của nhân viên tư vấn. Hậu quả, trụ mũi chảy máu khi cắt chỉ. Sau một tuần, vết thương ngày càng bị hở. Chị đến spa yêu cầu sửa lại, mũi của chị được khâu đi khâu lại nhiều lần, ngày càng nặng hơn. Lần cuối cùng, bác sĩ ở đây khâu xong có tiêm thêm filler bên cánh mũi bị sụp. Vài ngày sau chỗ tiêm chảy mủ, spa lại rút sụn ra cấy trung bì vào.

Sau 2 tháng rút sụn, vết thương của bệnh nhân không lành, bệnh nhân đã đến bệnh viện Trưng Vương để chữa trị.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa tạo hình - thẩm mỹ, Học viện Quân y - thông tin trên Báo Tuổi Trẻ, không chỉ vụ việc của cô gái, mà còn của nhiều bệnh nhân, các trường hợp thậm chí tử vong.

"Rất nhiều người từng phẫu thuật hỏng ở các cơ sở thẩm mỹ "chui" sau đó tìm đến chúng tôi để "cứu chữa". Việc này ngày càng phổ biến và đáng báo động. Điều đáng nói, qua khai thác nhận thấy nhiều người không phải là bác sĩ nhưng vẫn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ như vậy.

Một bác sĩ để có thể được cầm dao phẫu thuật thực hiện các can thiệp chuyên khoa là cả một quá trình đào tạo 3-5 năm sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Nhưng hiện nay, nhiều người không phải là bác sĩ, chỉ cần học 1 - 2 khóa học ngắn hạn nhưng đã làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Bộ Y tế đã có quy định, chỉ cần là can thiệp có chảy máu phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Trong đó, ngay cả phun xăm thẩm mỹ cũng là can thiệp có chảy máu, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng, nhưng thực tế rất nhiều cơ sở phun xăm thẩm mỹ do các "kỹ thuật viên" thực hiện.

Nhiều người chỉ học trong vài tháng đã có thể phun xăm thẩm mỹ, lăn kim, cắt môi…, thực trạng này rất đáng lo ngại- bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, đầu tiên chính người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phải tự bảo vệ bản thân mình. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, ở những cơ sở y tế được cơ quan quản lý cấp phép, không nên tìm đến những cơ sở y tế không rõ ràng để phẫu thuật.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần siết chặt quản lý các cơ sở này. Rất nhiều vụ việc, chỉ khi có trường hợp tử vong xảy ra, khi điều tra mới biết cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép.

Chúng ta nên ngăn ngừa ngay từ ban đầu, không để các cơ sở này hoạt động sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng ở Đà Nẵng, không loại trừ biến chủng mới

Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có dấu hiệu gia tăng dịch bệnh, ngành y tế có những khuyến cáo và phương án điều trị, xử lý thích hợp.

TIN MỚI NHẤT