Phát hiện ca mắc giun rồng dài hàng mét cực hiếm gặp, đây là trường hợp thứ 6 của tỉnh Phú Thọ

Tin y tế 06/05/2025 21:24

Đây là trường hợp thứ 6 ghi nhận tại huyện Tân Sơn từ năm 2021 đến nay. Các ca bệnh đều liên quan đến thói quen ăn cá gỏi và uống nước chưa đun sôi.

Theo báo Tuổi Trẻ thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (44 tuổi, trú tại xã Long Cốc, Tân Sơn, Phú Thọ) nhập viện với chẩn đoán nhiễm giun rồng (Dracunculus) - loại bệnh ký sinh trùng hiếm gặp.

Tổ chức Y tế thế giới xếp bệnh giun rồng vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên và là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2024, bệnh giun rồng chỉ còn lưu hành ở 5 nước châu Phi (Angola, Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan) và Việt Nam.

Phát hiện ca mắc giun rồng dài hàng mét cực hiếm gặp, đây là trường hợp thứ 6 của tỉnh Phú Thọ - Ảnh 1
Trường hợp nhiễm giun rồng ở Phú Thọ là ca thứ 25 tại Việt Nam từ trước đến nay. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. 

Tại Việt Nam, từ năm 2020 - 2024 đã ghi nhận 24 trường hợp bệnh do Dracunculus sp. ở 5 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái.

Trường hợp tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là trường hợp thứ 6 ghi nhận tại đây từ năm 2021 đến nay và là thứ 25 từ trước đến nay. Các ca bệnh đều liên quan đến thói quen ăn cá sống, gỏi và uống nước chưa đun sôi.

Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ trên báo Lao Động, giun rồng xâm nhập qua đường tiêu hóa từ thực phẩm sống hoặc nước uống nhiễm ấu trùng, thường là cá, ếch, nhái, hoặc tôm trong môi trường nước bẩn.

Phát hiện ca mắc giun rồng dài hàng mét cực hiếm gặp, đây là trường hợp thứ 6 của tỉnh Phú Thọ - Ảnh 2
Giun rồng xâm nhập qua đường tiêu hóa từ thực phẩm sống hoặc nước uống nhiễm ấu trùng, thường là cá, ếch, nhái, hoặc tôm trong môi trường nước bẩn. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống. 

Một điều đặc biệt là thời gian từ khi nhiễm giun đến khi xuất hiện triệu chứng là khoảng 12 tháng, trong suốt thời gian này bệnh nhân không có biểu hiện rõ rệt. Bệnh nhân thường xuất hiện sốt nhẹ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy. Khi giun cái trưởng thành, chúng di chuyển dưới da, gây sưng đỏ, đau nhức và nổi sẩn.

Giun rồng tái xuất ở Việt Nam sau hơn 20 năm khiến các chuyên gia cảnh báo người dân, đặc biệt ở vùng núi, cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

PGS Đỗ Trung Dũng cho rằng, thay đổi thói quen ăn uống là yếu tố then chốt để phòng bệnh ký sinh trùng. Người dân nên ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái, gỏi, tiết canh, cá suối sống, ếch nhái chưa nấu chín. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh môi trường, xử lý rác đúng cách, không dùng phân tươi bón rau hay nuôi gia súc thả rông.

Khi có dấu hiệu mụn nước, sưng tấy da chi, sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Phòng bệnh là biện pháp duy nhất hiệu quả hiện nay. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh ký sinh nguy hiểm này.

Cảnh báo: Hơn 45.000 người Việt vào viện vì giun từ vật nuôi chui vào cơ thể

Việc ôm ấp vật nuôi, nhất là chó mèo, khiến nhiều người bị nhiễm bệnh. Đó là khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người.

TIN MỚI NHẤT