Người phụ nữ bị nhiễm trùng do tự ý tiêm thuốc giảm đau vào khớp, bác sĩ cảnh báo điều gì?

Tin y tế 18/04/2023 10:50

Ngày 17/4, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí tiếp nhận bệnh nhân L.T.H. (47 tuổi) đã điều trị không đúng cách, tự tiêm thuốc giảm đau và không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng, tấy mủ

Theo thông tin Sức khỏe & Đời sống, bệnh nhân L.T.H. (47 tuổi, trú tại Cẩm La – Quảng Yên), bị đau khớp bàn tay, ra hiệu thuốc mua một liều thuốc giảm đau để tiêm, hai tuần sau tay sưng nề, khó cử động ngón.

Bệnh nhân cho biết, khi thấy đau khớp bàn tay nên đã tự ý điều trị bằng cách tiêm thuốc giảm đau vào khớp ngón tay. Thế nhưng khoảng 1-2 tuần sau thấy tình trạng sưng nề, tấy đỏ, đau và khó vận động ngón V bàn tay trái. Sau đó bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám.

Người phụ nữ bị nhiễm trùng do tự ý tiêm thuốc giảm đau vào khớp, bác sĩ cảnh báo điều gì? - Ảnh 1
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã thăm khám và kết luận người bệnh bị viêm bao gân gấp ngón V bàn tay trái. Tuy nhiên do điều trị không đúng cách, tiêm thuốc giảm đau và không đảm bảo vô khuẩn khiến người bệnh bị nhiễm trùng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy mủ, làm sạch bao gân gấp kết hợp điều trị kháng sinh, thay băng vết mổ hàng ngày.

Theo VnExpress thông tin thêm, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh đau cơ xương khớp thường gây cho bệnh nhân đau mỏi, hạn chế vận động, khó khăn trong sinh hoạt. Vì thế, nhiều người cho rằng tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp là hiệu quả và ít tốn kém. Tự ý dùng không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, không ít trường hợp bị biến chứng dẫn đến nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động, suy tuyến thượng thận. Nguy hiểm nhất là tiêm thuốc corticoid.

Người phụ nữ bị nhiễm trùng do tự ý tiêm thuốc giảm đau vào khớp, bác sĩ cảnh báo điều gì? - Ảnh 2
Nhiều trường hợp người bệnh bị biến chứng bàn tay, cổ tay do sử dụng tiêm thuốc giảm đau trong điều trị đau khớp- Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ cho biết, mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị riêng tùy tình trạng bệnh lý. Tiêm thuốc giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời, không điều trị dứt điểm bệnh và phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có các triệu chứng, bệnh nhân phải đến bệnh viện khám, không lạm dụng tiêm giảm đau dẫn đến "tiền mất, tật mang", bỏ lỡ giai đoạn vàng điều trị.

Thông tin mới về virus Marburg: xác nhận thêm 6 người nhiễm, 11 trường hợp tử vong

Theo thông tin từ tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thêm 6 trường hợp mắc bệnh Marburg, nâng tổng số ca được xác nhận trong phòng thí nghiệm lên 16. Trong số đó, 11 trường hợp đã tử vong.

TIN MỚI NHẤT