Diễn biến dịch COVID-19 trong nước 11/1: Biến thể phụ XBB.1.5 vẫn đáng lo ngại, số ca mắc tăng nhẹ, không còn những ca bệnh nặng thở máy

Tin y tế 11/01/2023 10:07

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trong ngày 11/1 đã không còn những ca bệnh nặng thở máy, số lượng người mắc có dấu hiệu tăng nhẹ.

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, trong 10 ngày đầu tháng 1/2023, theo Bộ Y tế cho biết ngày 10/1 có 77 ca mắc COVID-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp ca mắc COVID-19 tại nước ta không vượt quá con số 100. Trong ngày có 36 bệnh nhân khỏi.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.911 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.478 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi đến nay là: 10.611.547 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 12 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 9 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca. Đây là số bệnh nhân nặng đang điều trị thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2023 đến nay.

Diễn biến dịch COVID-19 trong nước 11/1: Biến thể phụ XBB.1.5 vẫn đáng lo ngại, số ca mắc tăng nhẹ, không còn những ca bệnh nặng thở máy - Ảnh 1

Ca mắc COVID-19 tăng nhẹ, tuy nhiên bệnh nhân nặng giảm. Ảnh: Internet

Ngày 10/1 cũng tròn 10 ngày nước ta không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN)

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 32/KH-SYT về phòng, chống dịch ngành Y tế năm 2023. Theo đó, năm 2023, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm việc nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến; trang bị phương tiện phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng.

Hiện tại, XBB.1.5 hiện là "biến thể phụ dễ lây truyền nhất" được phát hiện cho đến nay trong đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), XBB.1.5 hiện là "biến thể phụ dễ lây truyền nhất" được phát hiện cho đến nay trong đại dịch COVID-19. WHO cũng đánh giá XBB.1.5 đã nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ và đã được phát hiện ở ít nhất 28 quốc gia khác.

WHO đang tiếp tục đánh giá rủi ro của biến thể này. WHO cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy XBB.1.5 có thể gây bệnh nặng hơn so với những biến thể đã biết trước đó.

Diễn biến dịch COVID-19 trong nước 11/1: Biến thể phụ XBB.1.5 vẫn đáng lo ngại, số ca mắc tăng nhẹ, không còn những ca bệnh nặng thở máy - Ảnh 2
Vaccine COVID-19 tiếp tục là biện pháp quan trọng để phòng chống dịch. Ảnh: Internet

Cũng theo Báo Lao Động, vaccine COVID-19 tiếp tục là biện pháp quan trọng để phòng chống dịch trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Bộ Y tế Việt Nam đã có những biện pháp dự phòng, trong đó chú trọng đến các biện pháp giám sát tại cửa khẩu. Đồng thời, vaccine tiếp tục được coi là giải pháp quan trọng phòng chống dịch COVID-19 bùng phát.

Tính đến hết ngày 7.1.2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Cùng với đó, việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.

Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát những biến chủng mới bằng cách phối hợp WHO, các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Cần thực hiện chiến lược “nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”, chuyển từ “cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm ăn kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác.

Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.

TP.HCM: Một lô thuốc điều trị loãng xương buộc tiêu hủy, xử phạt 3 công ty dược 330 triệu đồng

Lô thuốc sản xuất được cho là kém chất lượng, buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm và xử phạt khắc phục hậu quả.

TIN MỚI NHẤT