Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần bình tĩnh nếu phải đi sinh khi là F0

Tin y tế 18/09/2021 13:40

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19, rất nhiều phụ nữ bị F0 ngay trước và sau khi sinh đang gặp phải rất nhiều những nỗi lo lắng.

Các bà mẹ đi sinh giữa dịch Covid-19 này phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Nếu không may nhiễm bệnh đúng vào ngày sinh mà các mẹ đã tiêm đủ mũi khi mang thai thì em bé sinh ra đã có được một ít kháng thể nhờ người mẹ chích ngừa trước đó, cộng với nhiều yếu tố đặc biệt ở trẻ sơ sinh, càng giúp bảo vệ bé khỏi Covid-19. Đó là nhận định của BS Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Chia sẻ trên báo Người lao động, BS Trương Hữu Khanh chỉ rõ các bà mẹ cần bình tĩnh nếu phải đi sinh khi là F0, không nên hoảng sợ khi được cho phép tự chăm sóc con. Hầu hết em bé ra đời trong bệnh viện điều trị Covid-19 vẫn âm tính từ khi ra đời đến khi cùng mẹ xuất viện. Sự gần gũi mẹ con này vừa tốt cho bé vừa tốt cho mẹ trong giai đoạn F0, giúp các mẹ tránh bị trầm cảm sau sinh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo nếu mẹ là F0 mà đủ sức khỏe thì cứ chăm con và cho con bú bình thường, chỉ cần thực hiện theo "thông điệp" 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) là đủ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần bình tĩnh nếu phải đi sinh khi là F0  - Ảnh 1
 BS Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, làm những điều cần thiết để giảm bớt nguy cơ cho cuộc sinh nở là điều quan trọng nhưng cũng cần tự trấn an mình, bình tĩnh giải quyết nếu thành F0. Vì khi sản phụ mắc Covid-19 bệnh rất dễ nặng. Để giảm bớt nguy cơ bệnh nặng thì cần dùng đến vắc-xin.

Vắc-xin ngừa Covid-19 không gây tác hại gì cho thai nhi, không gây phản ứng với vắc-xin uốn ván và cũng không làm ảnh hưởng đến việc chuyển dạ. Thai phụ tiêm xong bị sốt vẫn uống được paracetamol, vì thuốc này không hại gì với bà bầu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần bình tĩnh nếu phải đi sinh khi là F0  - Ảnh 2
Để giảm bớt nguy cơ bệnh nặng thì không nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin. 

"Tôi thấy còn nhiều sản phụ lo lắng, trì hoãn việc tiêm khi đến gần ngày sinh nở, còn có tâm lý sinh xong rồi tiêm luôn. Điều đó không nên" - Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Đặc biệt với các thai phụ, nên tiêm mũi 1 càng sớm càng tốt, nếu may mắn chưa sinh mà đã đến hạn mũi thứ 2 thì nên tiêm luôn. Nhiều thai phụ được tiêm Pfizer, điều này càng thuận tiện vì vắc-xin này mũi 2 chỉ cách 3 tuần sau mũi 1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không nên quá lo lắng chuyện để lại 'di chứng' sau COVID-19 ở trẻ

Ở trẻ em, 14 ngày kể từ khi khỏi bệnh là trẻ đã có thể hoàn toàn trở lại với cuộc sống bình thường, có thể tiêm chủng các loại vắc-xin dành cho bệnh khác an toàn.

TIN MỚI NHẤT