Nữ sinh viên ở Hà Nội mất gần 3 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi xưng 'cán bộ công an'

Đời sống 15/05/2025 16:02

Công an TP Hà Nội nhận định đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng vẫn có nhiều người - đặc biệt là giới trẻ - do thiếu cảnh giác và ít cập nhật thông tin cảnh báo nên dễ dàng sập bẫy.

Theo thông tin từ báo Dân trí, ngày 15/5, Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan điều tra vừa tiếp nhận trình báo của một công dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan chức năng, chiều 7/5, chị L. (19 tuổi, sinh viên một trường đại học) nhận được cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh.

Đối tượng thông báo chị L. liên quan đến một đường dây rửa tiền, buôn ma túy và yêu cầu chị nộp tiền để chứng minh sự trong sạch.

Do lo sợ, chị L. đã làm theo hướng dẫn và chuyển tổng cộng gần 3 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo.

Sau đó, khi thấy việc chuyển tiền có nhiều điểm bất thường, chị L. đã đến Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, trình báo sự việc.

Nữ sinh viên ở Hà Nội mất gần 3 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi xưng 'cán bộ công an' - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin từ VietNamNet, công an TP Hà Nội nhận định đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng vẫn có nhiều người - đặc biệt là giới trẻ - do thiếu cảnh giác và ít cập nhật thông tin cảnh báo nên dễ dàng sập bẫy. Các đối tượng thường lợi dụng tâm lý hoang mang của nạn nhân để uy hiếp tinh thần và chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khẳng định, không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra. Nếu cần làm việc, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập trực tiếp hoặc thông qua công an địa phương.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động chia sẻ thông tin về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo đến người thân, bạn bè. Khi phát hiện các trường hợp đáng ngờ, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

NÓNG: Danh tính bộ đôi lừa đảo hàng chục người trên cả nước, chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng

Qua điều tra, công an xác định Khang là kẻ chủ mưu, còn Duy là người trực tiếp tạo mã QR để Khang gửi cho nạn nhân giao dịch, nhằm hưởng phần trăm hoa hồng từ các khoản tiền chiếm đoạt.

TIN MỚI NHẤT