Tối 30/6, bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) - cho biết ê kíp đã tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu một người đàn ông 44 tuổi ngưng thở tại nhà sau uống rượu.
- Thông tin MỚI vụ tài xế 2 lần cán qua người đi xe máy ở Đồng Nai
- Ô tô tông hàng loạt xe máy khiến 2 người thương vong, tài xế có biểu hiện say xỉn
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ Online, tối 30/6, bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) - cho biết ê kíp đã tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu một người đàn ông 44 tuổi ngưng thở tại nhà sau uống rượu.
Khai thác bệnh sử ghi nhận vào chiều 29-6, người đàn ông này than đau bụng âm ỉ, không nôn ói, sau đó có uống khoảng 20ml rượu nếp, rồi ăn tối.
Đến khoảng 4h sáng, người vợ thức dậy, phát hiện chồng bị ngưng hô hấp tuần hoàn nên tri hô. Người dân trong xóm trọ gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân xuống sân chờ xe cấp cứu.
Khi kíp cấp cứu của bệnh viện đến hiện trường thì người này đã ngưng tim, tím tái, đồng tử giãn. Dù nỗ lực cấp cứu, hồi sức tim phổi nhưng bệnh nhân đã tử vong trước đó.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tử vong, ngưng hô hấp tuần hoàn trước khi cấp cứu đến, chưa loại trừ nhồi máu cơ tim cấp.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Bác sĩ Tuệ cho rằng nhiều người vẫn nghĩ chỉ người lớn tuổi mới dễ đột quỵ hoặc ngưng tim, nhưng thực tế đột tử có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người có lối sống không lành mạnh hoặc tiềm ẩn bệnh lý mà chưa được phát hiện.
Rượu bia có thể là "giọt nước tràn ly" kích hoạt những vấn đề nguy hiểm như: rối loạn nhịp tim khi rượu bia có thể kích thích tim đập bất thường, làm tăng nguy cơ rung thất, ngưng tim đột ngột.
Với người có bệnh nền (cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, đông máu) khi uống rượu bia có thể bị co thắt mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Rượu bia cũng làm tăng huyết áp, dễ gây vỡ mạch máu não hoặc hình thành cục máu đông. Khi say, trung tâm hô hấp bị ức chế, có thể dẫn đến ngưng thở trong lúc ngủ.