Mặt trái xấu xí của nha đam đối với sức khỏe

Đời sống 04/07/2017 16:18

Nha đam được biết đến như một loại “thần dược” chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả. Nhưng nếu sử dụng sai cách nó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Nha đam (lô hội) là nguyên liệu được dùng để chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả. Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, nhuận tràng... Cây này không chỉ có công dụng chữa các bệnh ngoài da như bỏng, phồng rộp, côn trùng cắn, mẩn ngứa... mà còn giúp chống viêm, giải dị ứng, làm lành vết thương nhanh chóng. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường giải độc cho gan, thận và loại trừ độc tố ở các tế bào.

Các độc tố trong gel nha đam không gây chết người nhưng có thể gây hại đến sức khỏe nếu dùng sai cách - Ảnh: Internet
Các độc tố trong gel nha đam không gây chết người nhưng có thể gây hại đến sức khỏe nếu dùng sai cách - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, các độc tố trong gel nha đam có thể làm người ăn bị tiêu chảy, đau bụng, chuột rút... Thậm chí, nó cũng có thể làm sảy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. 

Dưới đây là một số tác dụng phụ của việc lạm dụng nha đam quá mức.

Gây tiêu chảy

Nha đam chứa nhiều anthraquinone có tác dụng nhuận tràng. Nhưng nếu dùng quá nhiều có thể gây tiêu chảy và làm giảm ion kali trong cơ thể.

Đặc biệt, những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa hoặc bị hội chứng ruột kích thích không nên uống nước ép nha đam để tránh làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Kháng thuốc

Nước ép nha đam sẽ phản ứng và làm giảm tác dụng một số thuốc như digoxin chữa suy tim, lợi tiểu, kháng đông, chống rối loạn nhịp tim… Vì vậy, tốt nhất phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi đang uống thuốc hoặc điều trị bệnh. 

Gây mất nước

Việc thường xuyên tiêu thụ nha đam có thể dẫn đến tình trạng bị mất nước và mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể - Ảnh:Internet
Việc thường xuyên tiêu thụ nha đam có thể dẫn đến tình trạng bị mất nước và mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể - Ảnh:Internet

Việc thường xuyên tiêu thụ nha đam có thể dẫn đến tình trạng bị mất nước và mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Thậm chí, nó còn làm thay đổi màu sắc của nước tiểu.

Rối loạn nhịp tim

Khi cơ thể không tiêu hóa được hết các chất trong nha đam, chúng sẽ tích tụ và làm giảm nồng độ kali trong máu dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy nhược cơ thể...

Hơn nữa, chỉ nên dùng với liều lượng cho phép để tránh kích thích sản sinh ra adrenaline và ảnh hưởng không tốt đến tim.

Hạ đường huyết

Gel nha đam có khả năng giảm mức đường huyết do tác dụng ngăn chặn kháng insulin. Cho nên, những người bị tiểu đường phải cẩn trọng khi dùng nha đam để phòng ngừa các biến chứng xảy ra như tim đập nhanh, mồ hôi nhiều, run rẩy, trường hợp nặng hơn có thể làm giảm khả năng tập trung, hôn mê.

Làm sẩy thai

Phụ nữ có thai và đang cho con bú tốt nhất không nên dùng các sản phẩm từ nha đam - Ảnh: Internet
Phụ nữ có thai và đang cho con bú tốt nhất không nên dùng các sản phẩm từ nha đam - Ảnh: Internet

Nha đam có chứa chất kích thích gây co thắt tử cung, dễ dẫn đến sẩy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì lý do trên, phụ nữ có thai và đang cho con bú tốt nhất không nên dùng các sản phẩm từ nha đam. 

Suy thận

Nha đam là loại thực phẩm có lợi nhưng sẽ gây ra các tác dụng phụ cho người có bệnh lý về thận nếu thường xuyên sử dụng một liều lượng cao trong thời gian dài, khiến chất ở nhựa cây tích lũy gây suy giảm chức năng của thận. 

TIN MỚI NHẤT