Những con đường những năm trước hễ mưa là ngập, nhưng trong cơn mưa lớn hiếm gặp sáng nay 10/5 ở TP.HCM lại xảy ra điều bất ngờ.
- Danh tính khối trưởng duyệt binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam được bắt tay Tổng thống Nga tạo nên khoảnh khắc 'để đời' tại Quảng trường Đỏ
- Mưa lớn ở Bình Dương, Đồng Nai: Người dân 'bơi' trên đường đi làm, di dời ra khỏi khu vực ngập nặng
Theo thông tin từ VnExpress, gần 6h ngày 10/5, mây đen, giông lốc bao phủ bầu trời TP HCM sau đó mưa như trút nước xuất hiện ở TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, Gò Vấp và vùng ven thành phố. Mưa càng lúc nặng hạt khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Tại các đường Hồ Văn Tư, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, xung quanh TP Thủ Đức, nước dâng hơn nửa bánh xe, khiến hàng loạt xe chết máy. Ở đoạn trũng thấp, nước ngập tới yên xe.
Nước tràn vào nhà dân, cửa hàng khiến người dân phải vất vả tát nước ra ngoài. Nhiều tiểu thương phải căng nylon, dựng tấm ván ngăn nước ngập làm hư hỏng hàng hoá. Tại một số khu vực dọc đường song hàng xa lộ Hà Nội, Hóc Môn, Củ Chi nước ngập khiến ôtô chết máy.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, cho biết gió tây nam hoạt động mạnh đẩy hơi ẩm từ biển vào cùng với rãnh thấp đã gây mưa lớn bất thường. Đây là cơn mưa lớn nhất từ năm 2018. Nhiều nơi ở TP HCM có lượng nước đo được trên 100 mm là rất hiếm. Tại Củ Chi lượng mưa trong một tiếng rưỡi lên đến 230 mm là cực kỳ hiếm gặp. 10 năm qua, TP HCM chỉ có một lần mưa trên 200 mm do ảnh hưởng bão Usagi vào tháng 11/2018.
"Nếu không tính mưa do ảnh hưởng của bão, trận mưa hôm nay là lớn nhất trong thập kỷ", ông Quyết nói.

Lý giải về mưa bất thường, chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy cho hay những ngày qua TP HCM nắng nóng oi bức cùng hiệu ứng đô thị khiến hơi ẩm bốc lên cao tích tụ rất nhiều. Hiện tượng này kết hợp front lạnh (rìa của khối khí lạnh và khô hơn) ở trên tầng khí quyển hội tụ cực mạnh đã gây mưa dị thường.
Theo ông Huy, thời gian tới ở Nam Bộ có thể xuất hiện nhiều cơn mưa dị thường, thời tiết cực đoan do sự chuyển đổi từ pha La Nina sang pha trung tính.
Ngoài TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai cũng mưa lớn từ 100-150 mm, gây ngập nặng ở các khu vực trồng cây ăn trái, cô lập một số khu dân cư. Lực lượng chức năng phải hỗ trợ di dời người già, trẻ em và đồ đạc tới nơi an toàn.

Theo thông tin từ báo Lao Động, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam.
Ngày và đêm 10/5, Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Đêm 10/5, Vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 3m.
Ngày 11/5, Vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động; sóng biển cao 1,5 - 2,5m. Từ đêm 11/5, gió giảm dần.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều sẽ có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Về hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên biển, trong tháng 5 có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Theo dữ liệu trung bình nhiều năm, trên Biển Đông có 0,5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.