“Đối tác vàng” của kỷ tử tạo nên thức uống rất tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ

Dinh dưỡng 08/11/2023 21:48

Từ góc độ của y học cổ truyền, kỷ tử có nhiều chức năng trong việc thanh lọc gan, bổ khí và bổ máu, v.v... Và đây là các "đối tác vàng" của kỷ tử mà bạn có thể kết hợp để tạo nên thức uống tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ.

Thời tiết khô hanh của mùa thu đông thường đặc biệt gây ảnh hưởng đến gan. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thời điểm này các bệnh về gan, đặc biệt là gan nóng (rối loạn chức năng gan), gan nhiễm mỡ và viêm gan do uống rượu (để làm ấm cơ thể)... dễ bùng phát. Trong đó việc thay đổi thói quen ăn uống, cảm xúc tinh thần không ổn định, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị... thường gây gánh nặng cho gan.

Nhiều người thường chủ quan và cho rằng việc gan nóng không phải là vấn đề lớn. Quan điểm này thực sự rất sai lầm. Vì nóng gan không chỉ khiến gan bị tổn thương mà còn gây ra nhiều biến chứng khác chẳng hạn như: chất lượng giấc ngủ kém, miệng có vị đắng và có mùi hôi, phụ nữ bị gan hỏa mạnh có dẫn tới da dẻ xấu đi, rối loạn chu kỳ sinh lý...

Vì vậy, để bảo toàn sức khỏe tổng thể vào mùa thu đông thì nhất thiết bạn phải "hạ hỏa" cho lá gan. Vậy làm cách nào để làm được?! Chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn cách đơn giản nhất đó là sử dụng kỷ tử làm trà uống, nó vừa có tác dụng dưỡng gan, dưỡng ẩm, giúp gan khỏe mạnh hơn. Trong kỷ tử có chứa nhiều Betaine hydrochloride có khả năng làm tăng hàm lượng phospholipid trong gan và huyết thanh, qua đó giúp bảo vệ lá gan trước những tác nhân gây bệnh. Kỷ tử hỗ trợ mát gan, thải độc nhanh chóng. Hàm lượng chất xơ và nước trong kỷ tử cũng rất dồi dào. Nó góp phần kích thích đào thải độc tố, đồng thời cấp ẩm cho da hiệu quả, giúp da đẹp mịn màng. Ngoài có lợi cho gan, kỷ tử còn rất tốt cho thận nhờ tham gia vào quá trình đào thải độc tố, loại bỏ các kim loại nặng ở thận ra khỏi cơ thể.

Dưới đây là các "đối tác vàng" của kỷ tử và bạn có thể kết hợp để tạo nên thức uống rất tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ.

1. Trà kỷ tử hoa cúc

Khi kết hợp kỷ tử với hoa cúc, nghĩa là bạn kết hợp một nguyên liệu có tính hàn với một loại có tính ấm nên có tác dụng bổ âm, giảm nhiệt cho gan mạnh hơn. Tài liệu Đông y cho biết, kỷ tử có tác dụng rất tốt cho việc làm sạch gan. Nó cũng có công dụng kháng khuẩn, chống vi khuẩn gây cảm cúm, cảm lạnh rất tốt.

Các vitamin và khoáng chất phong phú có trong hoa cúc không chỉ có tác dụng làm dịu gan, cải thiện thị lực mà còn có thể giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể con người, có tác dụng phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch rất tốt.

Cách pha chế trà kỷ tử hoa cúc: Cho 5 gam hoa cúc vào cốc. Sau đó bạn cho nước nóng khoảng 70 độ vào. Đợi khoảng 5-7 phút khi nước giảm xuống còn 50 độ thì bạn cho 5-10 gam kỷ vào. Rồi chờ thêm khoảng 5 phút là có thể uống được. 

Lưu ý: Với kỷ tử, nếu ngâm hoặc nấu khi nhiệt độ nước quá cao sẽ khiến các dưỡng chất dễ dàng bị phá hủy. Do đó bạn tránh đun nấu ở nhiệt độ cao. Nhiệt độ nước thích hợp để ngâm kỷ tử thường khoảng 40-50 độ. Và khi ngâm kỷ tử trong nước cũng không nên ngâm quá lâu do cũng dẫn đến mất các dưỡng chất có lợi.

“Đối tác vàng” của kỷ tử tạo nên thức uống rất tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ - Ảnh 1

2. Trà kỷ tử chanh

Uống trà kỷ tử pha với nước chanh có thể thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo tế bào gan, bảo vệ gan, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả. Ngoài ra, khi pha trộn hai thứ này với nước, hàm lượng vitamin của món trà này đặc biệt phong phú, có thể coi là một thức uống giúp làm đẹp tự nhiên. Phụ nữ nên thường xuyên uống một cốc trà chanh kỷ tử có thể ngăn ngừa và loại bỏ sắc tố da hiệu quả, nhờ đó đạt được làn da mịn màng. Món trà này còn có tác dụng làm trắng.

Cách pha chế: Rửa sạch chanh. Cắt chanh thành các lát mỏng. Cho 1-2 lát chanh (hoặc nhiều hơn nếu bạn thích) cùng 5 gam kỷ tử vào cốc. Đổ một lượng nước ấm thích hợp vào, đợi khoảng 10 phút sau là bạn có thể uống được. Bạn lưu ý chỉ nên cho nước ấm vì khi nhiệt độ quá cao vitamin C trong chanh sẽ bị phá hủy, các dưỡng chất trong kỷ tử cũng mất tác dụng.

“Đối tác vàng” của kỷ tử tạo nên thức uống rất tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ - Ảnh 2

3. Trà kỷ tử táo gai (hoặc táo đỏ)

Việc dùng trà táo gai (hoặc táo đỏ) kỷ tử là cách tuyệt vời để chị em phụ nữ làm đẹp da và tóc, giúp ngủ ngon, giảm lo âu, hỗ trợ giảm cân, cải thiện trí nhớ, tăng cường miễn dịch và chống lại tình trạng tăng mỡ máu, giảm bốc hỏa gan…

Táo đỏ hoặc táo gai rất giàu chất dinh dưỡng, chứa rất nhiều protein và vitamin, có lợi cho cơ thể con người. Kết hợp táo đỏ/táo gai với kỷ tử có thể đào thải độc tố gan trong cơ thể một cách hiệu quả. Mặt khác giúp cơ thể giảm bớt sự thiếu hụt khí huyết do gan nhiễm độc (làm da xấu đi) nên có thể có tác dụng làm đẹp nhất định.

Cách pha chế: Dùng 15 gam táo gai (khô hoặc tươi đều được) và 15 gam kỷ tử cho vào bình trà. Sau đó bạn đổ nước ấm 50 độ vào rồi ngâm ủ trong khoảng 10 phút là có thể uống.

“Đối tác vàng” của kỷ tử tạo nên thức uống rất tốt cho gan và sắc đẹp phụ nữ - Ảnh 3

Lưu ý cho bạn khi dùng kỷ tử:

Trong Y học cổ truyền, kỷ tử thuộc nhóm dược liệu bổ huyết, là vị thuốc có thể sử dụng trong rất nhiều món ăn bổ dưỡng, phòng chữa bệnh. Kỷ tử còn dùng để sắc, hãm và uống như trà. Theo các chuyên gia Đông y khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng 8-15 gam kỷ tử mỗi ngày. 

Kỷ tử có công dụng rất tốt trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được.

- Kỷ tử là thực phẩm tính ấm, dễ gây nóng trong, người có tính nóng trong người không nên dùng.

- Kỷ tử chứa hàm lượng protein và đường cao, người tiểu đường và người béo phì không nên dùng. Nếu dùng nên thận trọng hỏi bác sĩ trước khi dùng.

- Kỷ tử cũng được khuyên là không dùng với những người đang uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường, chống đông máu, huyết áp...

Nguồn: Sohu, Dougo

Top 11 thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón, cải thiện hệ tiêu hóa: BS khuyên ai cũng nên biết, cần ăn mỗi ngày

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ngoài vai trò hỗ trợ tiêu hóa quan trọng, chất xơ còn đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khỏe tối ưu.

TIN MỚI NHẤT