'Làm mẹ, không làm vợ', nhiều phụ nữ Trung Quốc thành đạt đang tái định nghĩa vai trò của người phụ nữ theo cách mạnh mẽ và độc lập hơn.
- Thường xuyên mệt mỏi, ợ chua, đi khám phát hiện cùng lúc 5 bệnh nguy hiểm
- Không có bằng chứng khoa học về trứng giả tại Việt Nam
Ở tuổi 40, Tiaotiao đang tái định nghĩa vai trò làm mẹ theo cách riêng của mình. Cô khởi nghiệp ngành thời trang ở tuổi 25, sinh con đầu lòng khi 30 tuổi, trải qua trầm cảm sau sinh trong giai đoạn “ở cữ” kéo dài một tháng theo truyền thống Trung Quốc.
Cũng chính khoảng thời gian này khiến mối quan hệ giữa cô và chồng trở nên xa cách. Sau đó, cô sinh đứa con thứ hai ở tuổi 34 và mở rộng việc kinh doanh sang các sàn thương mại điện tử.
Dù việc kinh doanh thuận lợi, Tiaotiao vẫn phải đối mặt với cảm giác chán nản kéo dài và xung đột hôn nhân leo thang đã đẩy cô đến bờ vực cảm xúc, đỉnh điểm là khi người chồng chỉ trích cô là “người mẹ tồi” vì quá bận rộn với công việc.
Tiaotiao quyết định ly thân, sống cùng hai con và một bảo mẫu. Cuộc sống của cô thay đổi gần như ngay lập tức. Thoát khỏi người chồng mà cô mô tả là “không phân biệt được quyền lợi với trách nhiệm”, bầu không khí căng thẳng trong gia đình cũng tan biến.
Con gái lớn của cô hiện học nội trú tại một trường quốc tế, mỗi tuần về nhà một lần, trong khi con trai theo học mẫu giáo quốc tế, được đón đưa bởi Tiaotiao và bảo mẫu. Tiaotiao cho biết cả hai con đều phát triển tốt về mặt cảm xúc. Khi có thời gian, cô đưa các con đi bảo tàng, bơi lội và học đấu kiếm, tham gia những hoạt động các con yêu thích.
“Tôi nhận ra hôn nhân có thể không dành cho mình”, Tiaotiao chia sẻ. “Tìm một người đàn ông có cùng triết lý với tôi gần như là bất khả thi. Ngay cả khi đồng thuận trong việc chăm sóc con, chúng tôi cũng dễ mâu thuẫn ở những khía cạnh khác, hoặc không có sự gắn kết tình cảm. Thêm vào đó, tính cách mạnh mẽ của tôi không hợp với hình mẫu ‘người vợ lý tưởng’ theo truyền thống”.
Người mẹ đơn thân nói thêm: “Nhưng cũng chẳng sao. Tôi không cần hôn nhân, chỉ cần các con là đủ. Tôi hài lòng với việc làm mẹ theo cách của riêng mình”.
Tiaotiao là điển hình trong xu hướng được gọi là “làm mẹ, không làm vợ”, khi nhiều phụ nữ thành đạt ở các khu vực giàu có của Trung Quốc, đặt mối quan hệ mẹ - con lên trên tình cảm vợ chồng.
Theo nhà xã hội học Pei Yuxin tại Đại học Trung Sơn, những phụ nữ thành đạt tin rằng chỉ có người mẹ mới có thể đảm bảo tốt nhất cho phúc lợi của con cái.
Họ than phiền về những giới hạn hay hy sinh khi làm mẹ, nhấn mạnh ý nghĩa mà con cái mang lại trong cuộc sống, cùng sức mạnh và sự trưởng thành mà việc nuôi dạy con đem lại cho bản thân.
Ngược lại, sự kiên nhẫn của họ với đàn ông là rất hạn chế. Một số cho rằng người chồng hoặc bạn đời có thể “đỡ đần” khi họ bận rộn, chia sẻ phần nào việc chăm con. Số khác không trông chờ vào sự hỗ trợ, chỉ cần người đàn ông “đừng gây thêm rắc rối”.
Nếu người đàn ông trở thành gánh nặng thay vì điểm tựa, họ sẵn sàng gạt bỏ vai trò truyền thống để tự làm tất cả. Và nếu sự lựa chọn đó đi ngược lại mong muốn của người chồng hoặc cản trở sự phát triển cá nhân, họ sẵn sàng ly hôn.
Mia, 46 tuổi, là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc trong ngành dược phẩm rồi mở công ty riêng khi 30 tuổi, dần mở rộng quy mô lên hơn 50 nhân viên. Mia sinh con trai ở tuổi 30 và ly hôn khi 36. Hiện tại, cô có hẹn hò nhưng không hứng thú với việc tái hôn, coi hôn nhân như “một bản hợp đồng rủi ro cao, lợi ích thấp”.
“Khởi nghiệp tuy khó nhưng công bằng. Tình yêu cũng vậy, nó tiếp thêm năng lượng cho tôi. Nhưng hôn nhân? Quá rủi ro!", Mia nói. "Điều quý giá nhất tôi nhận được từ hôn nhân là con trai. Đàn ông thì trẻ con, đòi hỏi được chăm sóc dưới danh nghĩa cam kết. Thà tôi dành năng lượng đó cho con mình, người thực sự an ủi tôi vào những ngày tồi tệ".
Mia tin rằng chỉ cần có tình yêu của mẹ và sự hỗ trợ đủ đầy, con cái sẽ phát triển tốt. Cậu bé lễ phép, học lực khá, có quan hệ thân thiết với cả gia đình. Mia tin rằng cô đã là một người mẹ thành công.
Dù không muốn tái hôn, Mia vẫn mong có thêm con. Tháng 2/2021, cô bất ngờ phát hiện mình mang thai được hai tháng, nhưng không may bị sảy thai sau đó. “Điều tôi hối tiếc nhất là không sinh thêm con khi còn trẻ”, cô nói.
Lựa chọn giữa vai trò làm vợ và làm mẹ của những phụ nữ thành đạt phản ánh quan điểm của họ về chuẩn mực và giá trị nữ giới. Họ là những phụ nữ có vốn văn hóa xã hội đáng kể nhờ vị trí đáng kể trong các công ty, cộng đồng hay phương tiện truyền thông.
Điều đó khiến họ tự tin thoát ra khỏi những ràng buộc truyền thống về "bổn phận làm vợ", đồng thời định nghĩa mới về vai trò người mẹ, trong đó nhấn mạnh người mẹ là trụ cột kinh tế và ưu tiên chất lượng thời gian bên con hơn số lượng.