Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!!

Vào bếp 14/06/2022 20:36

Hiếm có món đặc sản Hà Nội nào lại tinh tế và kết hợp hoàn hảo các yếu tố hương – sắc – vị như bún thang.

Nội dung bài viết

Hiếm có món đặc sản Hà Nội nào lại tinh tế và kết hợp hoàn hảo các yếu tố hương – sắc – vị như bún thang. Được xem là một món ăn tinh tế, chế biến cầu kỳ bậc nhất của người Hà Thành, chẳng lạ gì khi món Bún thang này lại “hớp hồn” các du khách trong và ngoài nước. Thậm chí vào năm 2019, Bún thang còn được chọn đưa vào Trung tâm báo chí quốc tế để tiếp đãi hơn 3.000 nhà báo trong và ngoài nước. Vậy trong món Bún Thang này có gì mà lại khiến bao thực khách nhớ nhung như vậy? Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay nhé!!!

Nguồn gốc của Bún Thang 

Bún Thang có tuổi đời rất lâu tại Hà Nội, nhưng bởi vì quá lâu nên người ta vẫn chưa thể tìm ra được thời điểm ra đời chính xác, nhưng thay vào đó lại có rất nhiều truyền thuyết được truyền tai nhau.

Đầu tiên phải kể đến cái tên "Bún Thang" - có nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ chỉ ra rằng từ "Thang" trong tiếng Hán có nghĩa là "canh", nên "Bún Thang" có nghĩa là món "Bún được chan canh". Nhưng đa số người Hà Nội lại tin vào câu chuyện mang tính "dân dã" hơn. Vì chính bởi sự kết hợp cầu kỳ của nhiều nguyên liệu, tựa như các vị thuốc trong thang thuốc Đông y xưa, nên món ăn này mới được gọi với cái tên là "Bún Thang". Nhưng dù với truyền thuyết nào thì có một sự thật không thể phủ nhận là cái tên "Bún Thang" rất đặc biệt, đặc biệt như chính hương vị và cách làm nên món ăn tinh tế bậc nhất này vậy.

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 1
 Bún thang - món ăn cầu kỳ và tinh tế bậc nhất Hà thành !

Kế đến là về sự ra đời của "Bún Thang". Câu chuyện được nhiều thế hệ trước kể lại nhất, chính là câu chuyện về dịp tết Nguyên đán, khi ấy người người nhà nhà đều làm những mâm cỗ, những bữa tiệc rất linh đình, và tất nhiên, đồ dư lại cũng còn rất nhiều. Lúc đó, có một bà nội trợ đảm đang, vì cảm thấy rất lãng phí nên đã chế biến những nguyên liệu thơm ngon, dinh dưỡng của ngày tết còn dư lại như thịt gà, chả lụa,...bằng tài hoa của mình và cho ra đời một món ăn thanh đạm vô cùng tươi mới cho gia đình. 

Bát bún là sự hòa quyện của các nguyên liệu như một bức tranh đa sắc. Màu trắng tinh tế của giò lụa thái chỉ cùng những miếng lườn gà xé phay. Màu vàng óng của trứng được tráng mỏng tang như tờ giấy hay da gà ta vàng ruộm. Màu đỏ của tôm he được giã bông như ruốc. Màu xanh của hành lá. Tất cả những nguyên liệu ấy, màu sắc ấy, được trình bày gọn gàng và tinh tế lên trên bát bún rối sợi nhỏ, chan với nước dùng thật sôi, khói bốc lên thơm mùi nấm hương, mộc nhĩ, khiến các nguyên liệu nở ra như một bông hoa ngũ sắc. Đủ sắc đủ hương làm say lòng người !

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 2
 Nguyên liệu cho bông hoa đa sắc mang tên Bún Thang

Chẳng thế mà, trong cuốn “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng đã miêu tả bún thang “giống như một bức tranh phong cảnh trong trẻo mà ở đó những mảng màu nguyên chất được đặt gần nhau chứ không bị pha lẫn”.

Ngày nay, không cần phải sau dịp tết Nguyên đán người ta mới được thưởng thức món Bún Thang thanh đạm và tinh tế này, mà có thể tìm những cửa hàng bún thang lâu đời ở Hà Nội. Tuy nhiên, chính bởi sự cầu kỳ trong cách chế biến, nên món ăn này không còn được phổ biến trên mọi nẻo đường như bún riêu, bún cá,...Nhưng đừng quá thất vọng, hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến các chị em độc giả bí quyết chế biến món Bún Thang - mang hương vị Hà Nội xưa ở ngay dưới đây nhé.

Cách làm món Bún Thang thơm ngon, tinh tế ngay tại nhà

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 3
 Bún thang là món ăn tổng hợp rất nhiều nguyên liệu để cho ra đời một hương vị thanh đạm!
  • Gà ta 1/2 con
  • Xương ống 300 gr 
  • Sá sùng (hoặc tôm khô) 15 gr
  • Chả lụa 100 gr 
  • Trứng gà 1 quả 
  • Ca la thầu 30 gr 
  • Hành tây 1/4 củ 
  • Cà rốt 1/2 củ 
  • Hành tím 4 củ 
  • Hành lá/ ngò rí 1 ít 
  • Bún tươi 600 gr 
  • Mắm tôm 50 gr 
  • Nước mắm 1/2 muỗng canh 
  • Bột canh 1 muỗng cà phê 
  • Tiêu hạt 1 muỗng cà phê

Các bước tiến hành làm món Bún Thang cầu kỳ, tinh tế của người Hà thành

Bước 1 : Sơ chế và luộc gà

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 4
 Công đoạn sơ chế gà !

- Trước tiên gà và xương ống mua về bạn đem rửa qua với hỗn hợp muối và giấm để khử sạch mùi hôi và chất dơ, sau đó rửa lại với nước sạch và để ra rổ cho ráo. Tuy nhiên, riêng với thịt gà, bạn nhớ cắt bỏ tuyến dầu trên phần đuôi hoặc có thể cắt bỏ luôn phần chóp đuôi trước khi đem rửa sạch để không ảnh hưởng đến mùi vị của gà sau khi chế biến nhé.

- Tiếp đó, bạn đem phần gà và xương ống đã được sơ chế đi luộc trong khoảng 30 phút cùng với 1 muỗng cà phê tiêu hạt, 4 củ hành tím đã lột vỏ, 1 muỗng cà phê bột canh và 1/2 muỗng canh nước mắm.

- Cuối cùng, khi thấy gà đã chín thì bạn vớt gà ra, để nguội và xé sợi. Còn phần xương ống thì bạn vẫn để yên trong nồi và tắt bếp đi nhé.

Bước 2 : Sơ chế các nguyên liệu khác

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 5
 Các nguyên liệu đa dạng được tạo hình xinh đẹp cho món Bún Thang thêm tinh tế!

- Đầu tiên là sơ chế sá sùng. Sá sùng mua về bạn đem ngâm trong nước ấm trong khoảng 5-10 phút cho mềm ra rồi dùng dao hoặc kéo cắt bỏ hai đầu và cắt dọc thân, rửa lại lần nữa cho sạch cát rồi cho vào nồi chiên không dầu nướng tầm 5 phút với nhiệt độ 175 độ C.

- Tiếp đó, chần qua ca la thầu với nước sôi rồi cắt nhỏ thành từng khúc vừa ăn.

- Sau đó là tới công đoạn chế biến trứng. Bạn đập trứng vào tôi, sau đó đánh cho đều và đem chiên trên chảo, nhớ tráng đều hết chảo để thu được mẻ trứng mỏng vàng. Khi trứng nguội thì bạn đem thái sợi là được.

- Còn về chả lụa, bạn đem cắt sợi nhỏ như trứng là xong nhé.

- Cuối cùng là hành lá và ngò rí, bạn đem bỏ gốc, rửa thật sạch và thái nhỏ là hoàn thành.

Bước 3 : Hầm nước dùng và hoàn thiện tô bún thang

- Ở bước này, đầu tiên bạn cho sá sùng, 1/2 củ cà rốt và 1/4 củ hành tây vào nồi xương ống đã được đun trước đó, tiếp tục ninh thêm khoảng 30 phút ở lửa nhỏ liu riu. Trong khi ninh nồi nước dùng này, bạn nhớ để ý vớt bọt thường xuyên để nước dùng được trong veo và thanh vị nhé.

- Tiếp đến là công đoạn tạo hình cho tô bún thang. Bạn nhớ trụng sơ qua bún với nước sôi trước khi cho vào tô nhé. Kế đến bạn xếp lần lượt các nguyên liệu là thịt gà xé sợi, chả lụa, trứng chiên, ca la thầu vào tô như hình, sau cùng cho thêm chút hành ngò lên trên là đã có ngay 1 tô bún thang với tạo hình đa sắc như một bông hoa rồi.

- Cuối cùng, bạn nhẹ nhàng chan nước hầm xương đã được hầm xong vào tô bún, nhớ khéo léo một chút để bảo vệ “tạo hình” đẹp xinh, tinh tế của tô bún nhé.

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 6
 Công đoạn tạo hình cho tô Bún Thang chuẩn "style" Hà Nội

Sau cùng, chỉ cần thêm chút mắm tôm hoặc một vài giọt nước mắm cà cuống thôi là hương vị đã đậm đà đúng chuẩn rồi nhé. Đúng vậy, chính là “mắm tôm” hoặc “mắm cà cuống”, bạn không nhìn nhầm đâu. Người ta những tưởng loại mắm nồng như thế này sẽ chẳng thể "ăn rơ" được với món ăn đầy thanh cảnh, mĩ vị như bún thang, nhưng hóa ra, xíu mắm ấy lại khiến tô bún thêm đậm đà, nâng vị cho món ăn hơn hẳn.

Thành phẩm

Cách làm Bún Thang - món ăn tinh tế bậc nhất của người Hà thành !!! - Ảnh 7
 Tô bún thang hút mắt - mang đậm nét tinh tế của Hà Nội xưa!

Thành phẩm là bạn đã có ngay một tô bún thang tinh tế, thanh đạm chuẩn hương vị Hà Nội xưa. Mùi thơm của nước dùng, vị ngọt thanh tao của gà và tôm, chút cay nồng của cà cuống hòa quyện với nhau làm hài lòng người thưởng thức. Thật vậy, để làm một bát bún thang cần đến 15 loại nguyên liệu. Thế mới nói, bát bún thang Hà Nội là sự tổng hòa, kết hợp từ những thứ nhỏ nhặt một cách tinh tế để cho ra hương vị hoàn hảo.

Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon

Cách chọn mua thịt gà tươi ngon, săn chắc

  • Bạn nên chọn mua gà có kích thước vừa phải, với lớp da mỏng, vàng ón, khi sờ vào thấy khá là mịn tay và có độ đàn hồi tốt.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý phần thịt gà bên trong, gà sạch tươi thì có thịt màu đỏ hồng tự nhiên, săn chắc và có mùi thơm đặc trưng.
  • Ngoải ra, tránh chọn những con gà có phần da sần sùi, thịt tái nhợt hoặc chuyển qua màu xám đen, xuất hiện nhiều vết bầm tím, đây là những con gà đã bị chết trước khi làm thịt.

Cách chọn mua xương ống ngon ngọt

  • Bạn nên chọn xương ống ngon có màu tươi, không tái, không có mùi lạ, to khoảng 2 - 3 đốt ngón tay cũng như có nhiều thịt một chút.
  • Đồng thời, bạn nên lựa chọn phần xương có độ to trung bình vừa phải, phần tủy bên trong xương không bị thâm đen hay có mùi hôi.

Trên đâylà công thức làm món Bún Thang đầy cầu kỳ nhưng cũng không kém phần tinh tế và đặc biệt, mang theo ấn tượng về Hà Nội xưa. Tuy cầu kỳ là thế nhưng thành quả lại hoàn toàn xứng đáng hai chữ "mỹ vị". Thật vậy, mỗi con người Việt Nam nên có cơ hội được thử món bún "lâu năm tuổi" này ít nhất là một lần. Chúc các chị em sẽ thành công mang hương vị đậm "Hà Nộ xưa" đến với gia đình mình nhé!

Cách làm món “Khoai tây nhồi thịt” thơm ngon khó cưỡng với nồi chiên không dầu !

Hãy cùng khám phá ngay công thức chế biến món Khoai tây nhồi thịt nướng bằng nồi chiên không dầu tiện lợi tại nhà nhé !!!

TIN MỚI NHẤT