Vụ 6 người nhập viện nguy cấp sau khi ăn chả lụa, mắm ở TP.HCM: Không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm

Tin y tế 02/08/2023 10:11

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM vừa có văn bản báo cáo kết quả điều tra các vụ nghi ngờ ngộ độc botulinum, xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức vào thời điểm tháng 5 đến Cục An toàn thực phẩm (ATTP) và UBND TPHCM.

Dẫn tin từ Dân Trí, từ ngày 13/5 đến ngày 15/5, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã liên tiếp ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) thuộc 3 chùm ca bệnh khác nhau, xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum.

Trong đó, có 5 trường hợp (gồm 3 bé N.V.Đ., N.V.H., N.T.X. và hai anh em tên L.N.T., L.N.Th.) đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại (ông P.V.H.) ăn một loại mắm để lâu ngày.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng và các phòng ban chuyên môn đã tiến hành điều tra sự việc theo từng chùm ca bệnh. Qua đó ghi nhận, có tổng số 7 người ăn thực phẩm nghi ngộ độc, với 6 ca đã nhập viện.

Người duy nhất tự mua thuốc điều trị triệu chứng tại nhà và hồi phục hoàn toàn là bà N.T.H. (ngụ phường Long Thạnh Mỹ, người thân của 3 bé N.V.Đ., N.V.H. và N.T.X. điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2).

Về kết quả điều tra, trong chùm ca bệnh thứ nhất (vụ của 3 bé Đ., H. và X.), Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, tất cả 4 người tham gia bữa ăn sáng ngày 13/5 đều có triệu chứng bất thường. Trong đó, 3 người được bệnh viện chẩn đoán ngộ độc thức ăn.

Thức ăn sử dụng trong bữa sáng trên là bánh mì và chả lụa được mua từ người bán hàng rong tên N.V.T. (66 tuổi). Khai với cơ quan chức năng, ông T. cho biết, bánh mì do T.Đ. (phường Long Trường, TP Thủ Đức) sản xuất, có giấy đăng ký kinh doanh và giấy cam kết đảm bảo ATTP.

Vụ 6 người nhập viện nguy cấp sau khi ăn chả lụa, mắm ở TP.HCM: Không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1
1 nạn nhân trong vụ ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: VietNamNet

Còn chả lụa qua điều tra xác định do bà H.T.N. sản xuất tại cơ sở ở đường số 4, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Cơ sở này sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lấy 1 mẫu bánh mì còn lại của bữa ăn sáng ngày 13/5 để kiểm nghiệm, cho kết quả không phát hiện độc chất botulinum.

Riêng chả lụa trong bữa ăn sáng lẫn chả lụa sản xuất ngày 13/5 của cơ sở đều không còn, nên cơ quan chức năng chỉ có thể lấy mẫu chả thành phẩm ngày 17/5 và cũng cho kết quả âm tính với botulinum.

Căn cứ quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm của Bộ Y tế, triệu chứng, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả chẩn đoán của các bệnh viện điều trị, UBND TP Thủ Đức kết luận, chùm ca bệnh trên là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.

Dù vậy, chưa đủ chứng cứ để kết luận nơi sản xuất thức ăn là cơ sở nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Liên quan đến 2 chùm ca bệnh còn lại, theo VietNamNet, trong vụ số 2, ông P.V.H. (45 tuổi) nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh vào ngày 15/5 rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị. Ngày 24/5, ông H. tử vong.

Vụ 6 người nhập viện nguy cấp sau khi ăn chả lụa, mắm ở TP.HCM: Không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2
1 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh - Dân Trí

Khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng mệt, hoa mắt, không tỉnh táo. Ngày 13/5, bữa sáng của ông H. gồm chả lụa, bánh ướt; bữa trưa không có thông tin; bữa tối ăn cơm và mắm kho. Ngày 14/5, bữa sáng của ông H. có sữa, bữa trưa và chiều không có thông tin. 

Trong vụ số 3 (hai anh em ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy), 2 bệnh nhân ăn các bữa giống nhau vào ngày 13/5. Đến tối cùng ngày, người em đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng không tỉnh táo, mệt mỏi, yếu cơ, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Đến ngày 18/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Người anh cũng vào Bệnh viện Chợ Rẫy với triệu chứng không tỉnh táo, mệt mỏi. Hai bệnh nhân không nhớ rõ các món ăn, thời gian ăn trong các ngày. 

Do đó, hai vụ số 2 và 3 không thể tiến hành điều tra nhiều nội dung liên quan đến thức ăn, thời gian ăn, nguồn gốc và tình hình chế biến thực phẩm. UBND TP Thủ Đức nhận định 2 vụ trên không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm.

Thông tin MỚI về chùm ca ngộ độc botulinum ở Thủ Đức: 'Giò chả, bánh mì và bún mắm không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm'

Chiều 15/6, UBND TP.HCM tổ chức họp báo và có những thông báo mới nhất về chùm ca ngộ độc botulinum ở Thủ Đức.

TIN MỚI NHẤT