Cuối của mùa dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng vẫn tăng: Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi mạnh

Tin y tế 23/11/2023 09:31

Dù qua thời gian đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay nhưng số ca nặng liên tục tăng.

Theo thông tin từ VTC News, bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng như xuất huyết trong cơ, xuất huyết ở gan, vỡ nang buồng trứng, chảy máu ổ bụng, cô đặc máu.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cho truyền các chế phẩm máu, bù tiểu cầu, thở oxy.

Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỷ lệ ca nặng gia tăng hơn so với đầu dịch.

Việc gia tăng ca mắc và xuất hiện nhiều trường hợp nặng không có gì bất thường, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.

Theo bác sĩ Cấp, khi bị sốt xuất huyết, tùy theo pha nào của bệnh mà xét nghiệm các chỉ số khác nhau. Ở 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính.

Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết, vì xét nghiệm ngày sau có thể lại dương tính. Khi tiếp nhận kết quả, chúng ta cần hiểu rõ đang ở giai đoạn nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.

 

Cuối của mùa dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng vẫn tăng: Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi mạnh - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Biến chứng sốt xuất huyết thường gặp

Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Trong đó, biến chứng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu và đông đặc máu là hai nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tử vong.

1. Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu

Biến chứng sốt xuất huyết hạ tiểu cầu (giảm tiểu cầu) sẽ không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì, do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Đối với người bệnh bị xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Khi đã bị giảm tiểu cầu, nếu người bệnh không được truyền tiểu cầu kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, tử vong nhanh chóng.

2. Sốt xuất huyết đông máu

Cô đặc máu là biến chứng sốt xuất huyết có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24 – 48 giờ.

Ở giai đoạn hạ sốt, các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn sẽ xuất hiện và gây tụt huyết áp, sốc… Vì vậy, khi có các triệu chứng trên, người bệnh tuyệt đối không chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 – 7 đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu để ngăn ngừa nguy cơ trên.

Cuối của mùa dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng vẫn tăng: Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi mạnh - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm

Sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường và phức tạp. Không ít trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong trạng thái sốt cao, khó thở, mê sảng, vật vã,… Những người bệnh này nếu cấp cứu và điều trị chậm trễ, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:

1. Tụt huyết áp và đau đầu

Ở bệnh sốt xuất huyết thể nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng và đi bộ đúng cách do huyết áp giảm đột ngột. Sau đó, người bệnh sẽ bị nhức đầu nghiêm trọng. Đây là biến chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất vì là căn nguyên thường gây ra xuất huyết não và tử vong.

2. Suy tim, suy thận

Sốt xuất huyết có thể dẫn đến tình trạng suy tim và làm rối loạn hệ thống tuần hoàn do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể. Lúc này, tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất huyết liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng. Điều này khiến tim và hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây suy giảm, rối loạn chức năng tim mạch và có thể khiến tim bị phù nề, xuất huyết cơ tim, suy tim.

Ở người bệnh sốt xuất huyết, thận cũng bị ảnh hưởng do phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, điều này có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.

Suy tim, suy thận là hai biến chứng rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề sau này, do đó người bệnh cần chủ động phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo để được can thiệp kịp thời.

3. Sốc do mất máu

Bệnh sốt xuất huyết gây ra tình trạng tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu, do đó biểu chứng của sốc là việc máu sẽ bị đẩy ra ngoài. Với biến chứng sốc do mất máu, máu sẽ chảy khá nhiều như chảy máu cam, chảy máu chân răng, qua vết thương hở. Việc mất máu nhiều khiến cơ thể kiệt quệ, sốt cao không hạ kéo dài, vã mồ hôi, nôn nhiều.

4. Suy đa tạng

Biến chứng sốt xuất huyết suy đa tạng là tình trạng rối loạn chức năng ít nhất 2 hệ thống cơ quan ở bệnh nhân có bệnh lý cấp tính mà không thể duy trì sự cân bằng nội môi nếu không có can thiệp điều trị. Thường gặp nhất trong biến chứng suy đa tạng là suy gan tối cấp, suy thận, tụt huyết áp, suy tim,… Khi gặp biến chứng suy đa tạng, người bệnh cần phải cấp cứu và lọc máu liên tục ngay.

5. Xuất huyết não

Xuất huyết não do sốt xuất huyết thường do rối loạn nguyên tố đông máu như: Chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ chích bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng… Ở người lớn, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, tỷ lệ xuất huyết não chiếm 1%, máu chảy lan nhiều chỗ trong não. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong cao ở người lớn khi mắc bệnh này.

6. Tràn dịch màng phổi

Những ngày đầu, người bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao, ăn kém, nôn và tiêu chảy gây mất nước thì cần truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh hiện tượng cô đặc máu. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi đã có tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài thì người bệnh cần truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại lòng mạch, đồng thời tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các thuốc lợi tiểu.

Nếu ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch nhưng không tăng cường thải dịch ra ngoài thì người bệnh sẽ có thể khiến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

7. Hôn mê

Khi người bệnh bị xuất huyết trong cơ thể, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Đây là dạng biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết.

8. Sinh non, sẩy thai ở phụ nữ mang thai

Sốt xuất huyết ở phụ nữ đang mang thai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ trướng.

Đặc biệt, với những người mẹ đang mang thai, việc xuất huyết có thể dẫn tới việc cơ thể của mẹ kiệt quệ, không còn sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai. Do đó, với phụ nữ mang thai, nếu có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

9. Các biến chứng về mắt

Biến chứng về mắt do sốt xuất huyết đầu tiên là xuất huyết võng mạc dẫn đến các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên thành những lớp mỏng che trước võng mạc gây mù lòa. Biến chứng về mắt thứ hai là xuất huyết trong dịch kính: Dịch kính là chất lỏng trong nhãn cầu, bình thường dịch kính trong suốt ta mới nhìn thấy được mọi vật. Khi một mạch máu trong mắt bị vỡ, máu tràn vào trong buồng dịch kính che khuất các vật ở trước mắt khiến bệnh nhân gần như mù.

Nguồn: VNVC

Sau khi khỏi sốt xuất huyết, nhiều người vẫn bị "hành" bởi các triệu chứng kéo dài: Tóc rụng từng nắm, ngứa ngáy không thôi

Sau khi khỏi sốt xuất huyết, người bệnh có thể phải đối mặt với một số tình trạng sức khỏe khác.

TIN MỚI NHẤT