Rối loạn tâm thần hậu COVID-19, dấu hiệu và cách khắc phục

Sức khỏe 26/01/2022 06:30

Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc nhưng đã để lại vô số hậu quả, trong đó rối loạn tâm thần là vấn đề nhiều người mắc phải.

Rối loạn tâm thần hậu COVID-19, dấu hiệu và cách khắc phục - Ảnh 1

Lo lắng, căng thẳng, bất lực, cô độc, áp lực gia tăng... là những cụm từ ngày càng được nhắc tới nhiều hơn khi đại dịch COVID-19 kéo dài. Không chỉ trực tiếp cướp đi sinh mạng của hơn 2,8 triệu người, dịch COVID-19 còn gây ra những vết sẹo lớn về tinh thần với nhiều người trong suốt một năm qua.

Rối loạn stress sau sang chấn

PGS. TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, rối loạn stress sau sang chấn xảy ra với những người mắc COVID-19 mức độ nặng, ốm thập tử, nhất sinh, những người có người thân trong gia đình bị tử vong do COVID-19 và những người (nhân viên y tế, người tình nguyện) phải chứng kiến số lượng lớn bệnh nhân tử vong mỗi ngày do COVID-19. Cụ thể, bệnh nhân có một số biểu hiện:

- Hồi tưởng, trong đó các cá nhân có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn. Các triệu chứng khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ và những phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 hoặc với những người tử vong do COVID-19. Người bệnh tìm kiếm và sưu tập bừa bãi các sự kiện, bài báo, video liên quan đến COVID-19.

- Bệnh nhân tránh các suy nghĩ hoặc các hoạt động liên quan đến COVID-19, giảm khả năng ghi nhớ, cảm giác bị bỏ rơi hoặc không có tương lai. Họ luôn có cảm giác bất an về tương lai, luôn sợ khó kết hôn, không có con, không có cuộc sống gia đình bình thường.

- Các triệu chứng của tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình. Bệnh nhân khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ, họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý.

Rối loạn stress sau sang chấn được coi là cấp tính nếu các triệu chứng kéo dài dưới 3 tháng. Khi rối loạn này kéo dài trên 3 tháng thì gọi là mạn tính.

Rối loạn tâm thần hậu COVID-19, dấu hiệu và cách khắc phục - Ảnh 2 

Theo BS. Bùi Quang Huy để điều trị rối loạn stress sau sang chấn, người ta dùng thuốc chống trầm cảm SSRI. Hiệu quả tối đa của thuốc xuất hiện sau 12 tuần điều trị. Tuy nhiên rối loạn stress sau sang chấn cần được điều trị lâu dài, từ 6-18 tháng. Thuốc SSRI có ưu điểm là dung nạp tốt, hiệu quả cao, chỉ cần uống một lần mỗi ngày.

Các thuốc SSRI thường dùng là sertralin, fluvoxamin, paroxetin, fluoxetin.

Rối loạn thích ứng

Theo Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103, rối loạn thích ứng được định nghĩa là do chấn thương tâm lý gây ra, chấn thương tâm lý ở đây chính là đại dịch COVID - 19.

“Các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay sau khi có chấn thương tâm lý. Có thể các triệu chứng xuất hiện sau 3 tháng bị chấn thương tâm lý.

Các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng giảm đi ngay khi dịch bệnh COVID - 19 kết thúc. Nếu dịch bệnh COVID - 19 tiếp tục diễn ra, rối loạn có thể trở thành mạn tính”, BS. Huy cho biết.

Rối loạn thích ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng của nó rất khác nhau. Các đặc điểm của trầm cảm, lo âu và hỗn hợp phổ biến nhất ở người lớn. Các triệu chứng về cơ thể phổ biến nhất ở trẻ em và người cao tuổi.

Các biểu hiện cũng có thể bao gồm hành vi tấn công và lái xe thiếu thận trọng, uống rượu quá mức, không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ và tự tử.

Rối loạn thích ứng với trầm cảm

Trong rối loạn thích ứng với trầm cảm các triệu chứng biểu hiện rất giống với trầm cảm nội sinh (trầm cảm chủ yếu), nhưng chúng xuất hiện sau đại dịch COVID-19.

Bệnh nhân luôn có vẻ mặt ngơ ngác, đau khổ, họ mất hết các sở thích vốn có. Bệnh nhân luôn biểu hiện bi quan, chán nản, mất hết hy vọng vào tương lai. Họ luôn than phiền khó vào giấc ngủ, ngủ rất ít, không sâu giấc và dậy rất sớm. Buổi sáng họ than phiền mệt mỏi, mất năng lượng nên không muốn làm gì. Họ chán ăn, ăn ít, mất cảm giác ngon miệng và sút cân. Ngoài ra, họ dễ nổi cáu, hay buồn vô cớ, lo lắng quá mức và có thể có ý định và hành vi tự sát.

Các triệu chứng này thường bền vững trong nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, sinh hoạt của bệnh nhân, khiến chất lượng cuộc sống của họ rất thấp.

Rối loạn tâm thần hậu COVID-19, dấu hiệu và cách khắc phục - Ảnh 3 

Để điều trị rối loạn thích với trầm cảm, BS Huy khuyên người dân cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần hoặc thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và paroxetin. Hai thuốc này ít tác dụng phụ (chủ yếu là khô mồm, đắng miệng, đầy bụng, uể oải trong tuần đầu dùng thuốc), tác dụng điều trị xuất hiện tốt và bệnh nhân được cải thiện chỉ sau 2 - 3 tuần điều trị.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải uống thuốc tối thiểu 6 tháng để có thể khỏi hẳn rối loạn này.

Rối loạn thích ứng với lo âu

Bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng quá mức không thể kiểm soát. Tình trạng lo âu này xuất hiện cả ngày (từ khi thức giấc đến khi ngủ), kéo dài nhiều tháng khiến cho cuộc sống của bệnh nhân bị thay đổi rất trầm trọng. Họ than phiền khó vào giấc ngủ, khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ, rằng đầu óc trống rỗng, rất dễ mệt khi phải suy nghĩ.

Rối loạn tâm thần hậu COVID-19, dấu hiệu và cách khắc phục - Ảnh 4 

Ngoài ra, họ còn có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, vướng ở cổ (hòn ở cổ), khô miệng, đầy bụng, cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt, mót đi tiểu (đái dắt), đi ngoài táo lỏng thất thường, run tay, căng cơ, đau mỏi vùng cổ, vai, gáy...

“Để điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và escitalopram. Hai thuốc này ít tác dụng phụ và dung nạp tốt. Tác dụng điều trị xuất hiện sau 4 - 8 tuần điều trị.

Để tăng hiệu quả điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, người ta phối hợp với một số thuốc an thần mới liều thấp (olanzapin, quetiapin, aripiprazol...). Bệnh nhân cần phải uống thuốc tối thiểu 12 tháng để tránh tái phát rối loạn này”, BS Huy cho biết.

Ngày 14/1, Việt Nam ghi nhận 16.040 ca mắc COVID-19, Hà Nội vượt mức 3.000 ca nhiễm

Bản tin tối của Bộ Y tế cho biết, ngày 14/1, Việt Nam ghi nhận 16.040 ca mắc COVID-19, trong đó 14 ca nhập cảnh và 16.026 ca ghi nhận trong nước.

TIN MỚI NHẤT