Nhiều ổ dịch bệnh than ở người bùng phát mạnh, Điện Biên cảnh báo khẩn

Sức khỏe 02/06/2023 09:55

Bệnh than tên gọi khác là bệnh nhiệt than, là bệnh truyền nhiễm thường phát hiện trên các loài động vật máu nóng như gia súc, động vật hoang dã và ở người.

Theo thông tin từ Báo Nhân Dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho biết, đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn ghi nhận 13 người mắc bệnh than tại 3 ổ dịch bệnh thuộc địa bàn 2 xã, gồm: Mường Báng và Xá Nhè huyện Tủa Chùa.

Ổ dịch thứ nhất được phát hiện ngày 19/5, tại thôn Pàng Dề A, xã Xá Nhè, khi ông G.A.S. đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa với biểu hiện sưng đau, nổi mụn nước ở ngón 5 bàn tay phải; mụn nước sau đó vỡ tạo thành vết loét màu đen, phù nề.

Tiếp đó, ngày 27/5, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã tiếp nhận, điều trị bệnh than cho một bệnh nhân là Q.V.L. (ở thôn Phiêng Quảng, xã Xá Nhè). Ông L. cũng có biểu hiện bệnh là mụn nước tại mu bàn tay phải vỡ tạo thành vết loét màu đen.

Nhiều ổ dịch bệnh than ở người bùng phát mạnh, Điện Biên cảnh báo khẩn - Ảnh 1
Biểu hiện bệnh than trên cơ thể người bệnh tại Tủa Chùa - Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Ổ dịch thứ 3 được ghi nhận ngày 25/5 với một người mắc bệnh là ông M.A.T. (ở bản Háng Trở 1, xã Mường Báng); ông T. có mụn nước mọc ở mặt ngoài cẳng tay trái.

Đến thời điểm này, cơ quan y tế ghi nhận tại 3 ổ dịch trên đã có 13 người mắc bệnh; 132 người tiếp xúc gần các trường hợp mắc bệnh và có tham gia chế biến, ăn thịt trâu, bò cùng các bệnh nhân.

Dẫn tin từ Báo Sức khỏe & Đời sống, nguyên nhân gây bệnh than do vi khuẩn Bacillus anthracis. Có khả năng sinh bào tử hay còn gọi nha bào là tác nhân chính dẫn đến bệnh than. Bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và có sức sống rất cao trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng. Con người tiếp xúc với động vật, những sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh, những vết thương, sự hít phải vi khuẩn gây bệnh sẽ gây nên bệnh than.

Nhiều ổ dịch bệnh than ở người bùng phát mạnh, Điện Biên cảnh báo khẩn - Ảnh 2
Bò chết không rõ nguyên nhân tại Tủa Chùa vừa được cơ quan thú y tiêu hủy - Ảnh: Báo Nhân Dân

Được biết tại các xã: Xá Nhè, Mường Báng của huyện Tủa Chùa đều đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây. Tuy nhiên người dân vẫn chủ quan, không khai báo khi trâu, bò chết bất thường, còn mổ thịt và bán. Hiện các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương đang triển khai nhiều hoạt động phòng chống, ngăn chặn dịch lây lan.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, có 3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính:

Bệnh than nhiễm qua vết thương hở trên da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%), và cũng ít nguy hiểm. Khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than thì bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da.

Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa: Có khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu bạn ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.

Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp: Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng tránh bệnh than, ngành y tế khuyến cáo người dân không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y. Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.

Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Những nơi có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý chất thải của gia súc và chất thải người bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y và y tế. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

 

Dự báo nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng tăng. Dự báo, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch sớm, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

TIN MỚI NHẤT