Liên tục "đi ngoài" mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì?

Sức khỏe 28/04/2023 06:59

Nếu bạn uống sữa tươi bị tiêu chảy, ngoài chất lượng sữa thì nguyên nhân còn lại có thể do cơ địa. Tình trạng không dung nạp lactose và dị ứng sữa có thể là thủ phạm chính gây ra tình trạng tiêu chảy. Hai rối loạn này nghe có vẻ giống nhau nhưng lại khác biệt về cơ chế bệnh sinh và đều gây tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa.

Nguyên nhân tiêu chảy sau khi uống sữa

1. Không dung nạp Lactose

Khi thiếu chất lactase, một loại enzyme chịu trách nhiệm tiêu hóa lactose trong cơ thể. Những người không dung nạp lactose không thể tiêu hóa được lactose trong sữa, do đó thường bị tiêu chảy sau khi uống sữa.

Mặc dù tình trạng này không được xem là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng rất khó chịu, thường xuất hiện sau 15 phút đến 2 giờ sau khi uống sữa hoặc tiêu thụ thực phẩm khác có chứa lactose.

Các triệu chứng thông thường khác của không dung nạp lactose bao gồm: Đau bụng; Đầy bụng; Buồn nôn; Nôn; Đầy hơi.

Nếu không dung nạp lactose do nguyên nhân thứ phát, bạn có thể cải thiện tình hình bằng cách điều trị bệnh lý đang ảnh hưởng ruột non. Đối với các nguyên nhân khác, bạn cần giảm hoặc tránh ăn hay uống các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn những sản phẩm sữa không có lactose hoặc bổ sung thêm enzyme lactase dạng lỏng hoặc bột vào khẩu phần sữa của mình.

Liên tục 'đi ngoài' mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

2. Do dị ứng sữa

Dị ứng sữa là tình trạng xảy ra khi cơ thể có phản ứng với một loại protein có trong sữa (như chất whey hoặc casein) và gây ra tình trạng tiêu chảy. Sữa của bất kỳ động vật có vú nào cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng này, nhưng sữa bò là nguyên nhân phổ biến nhất.

Các phản ứng như khó thở, nôn, nổi mề đay... sẽ xuất hiện trong khoảng từ 5 phút đến 3 giờ sau khi ăn hoặc dùng thức ăn chứa sữa.

Ngoài tiêu chảy, các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm: Đau bụng, đi ngoài lẫn máu, ho, chảy nước mũi, phát ban da...

Liên tục 'đi ngoài' mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Ban đầu, tình trạng dị ứng sữa có thể gây các triệu chứng như ngứa trong miệng, khó nuốt, khó thở. Khi sữa đã xuống dạ dày và ruột, các triệu chứng có thể là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng. Nếu các chất gây dị ứng trong sữa đã hấp thụ vào máu, bạn có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, sốc phản vệ hay giảm huyết áp đột ngột. Đôi khi, triệu chứng sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây dị ứng sữa có thể là hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường hoặc do di truyền. Protein trong sữa là vô hại nhưng vì một bất thường nào đó mà hệ thống miễn dịch xác định các protein này là có hại và kích phát phản ứng dị ứng. Bên cạnh đó, những ai có cả ba và mẹ đều bị dị ứng với một tác nhân nào đó cũng có nhiều khả năng bị dị ứng sữa.

Nếu tình trạng uống sữa bị tiêu chảy của bạn là do dị ứng, bạn cần xác định đúng loại sữa gây dị ứng cho mình để có thể thay loại sữa khác. Việc tránh tác nhân gây dị ứng sẽ giúp bạn phòng được những phản ứng dị ứng khó chịu và nguy hiểm.

Uống sữa bị tiêu chảy do các bệnh về đại tràng

Bệnh viêm đại tràng hoặc co thắt đại tràng có thể khiến cơ thể bị kích ứng với một số loại thực phẩm. Khi ăn hay uống những loại thực phẩm gây kích ứng này, bạn có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hay đầy hơi. Các triệu chứng thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn.

Bạn sẽ gặp tình trạng ăn uống sữa bị tiêu chảy nếu trong số những thực phẩm gây kích ứng này có sữa. Trong trường hợp này, bạn cần thăm khám và chữa trị các bệnh đại tràng để cải thiện tình trạng bị tiêu chảy khi uống sữa.

Liên tục 'đi ngoài' mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Uống sữa bị tiêu chảy do sữa kém chất lượng

Chất lượng của sữa cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi uống. Những loại sữa không đảm bảo chất lượng như sữa giả, sữa bị nhiễm khuẩn, bị bảo quản sai cách hay sữa hết hạn sử dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa.

Khi uống sữa không đạt chất lượng, bạn có thể gặp một số triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn và buồn nôn. Tình trạng này có thể tự khỏi sau vài ngày nhưng bạn cần theo dõi để có thể đi khám nếu các triệu chứng nặng thêm.

Để tránh gặp tình trạng ngộ độc này, bạn cần kiểm tra chất lượng sữa thật kỹ trước khi uống. Bên cạnh đó, bạn cũng cần mua sữa từ những nơi uy tín để yên tâm hơn khi uống.

Khác biệt giữa sự không dung nạp lactose và dị ứng sữa

Nếu bạn không dung nạp lactose, điều đó có nghĩa là bạn gặp khó khăn khi tiêu hóa đường có trong sữa. Đó là một vấn đề về hệ thống tiêu hóa.

Tuy nhiên, dị ứng sữa có liên quan đến hệ miễn dịch của bạn. Trong tình trạng này, kháng thể được gọi là globulin miễn dịch - IgE nhận diện các protein trong sữa như là chất lạ và cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, gây ra đáp ứng miễn dịch.

Tình trạng không dung nạp lactose và dị ứng sữa có vẻ giống nhau, nhưng thực sự rất khác nhau, bạn không nên tự chẩn đoán. Tiêu chảy sau khi uống sữa là một triệu chứng của cả hai rối loạn vừa nêu và chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được thuộc loại bệnh nào.

Liên tục 'đi ngoài' mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 4
Ảnh minh họa: Internet

Làm thế nào để ngăn ngừa tiêu chảy gây ra bởi dị ứng sữa

Nếu bạn đang bị tiêu chảy sau khi uống sữa do dị ứng sữa, cách duy nhất là kiêng sữa. Do sữa là thành phần thường được sử dụng trong một số thực phẩm, nên có thể hơi khó.

Một số người có thể ăn một số sản phẩm làm bằng sữa nóng như thực phẩm nướng, hoặc sữa chế biến như sữa chua. Bác sĩ của bạn có thể giúp bạn xác định thực phẩm nào cần tránh xa.

Trong trường hợp bạn vô tình ăn một thứ gì đó có chứa sữa, hãy luôn giữ thuốc kháng histamine sẵn trong người để sử dụng ngay giúp ngăn chặn phản ứng và triệu chứng dị ứng.

Nếu dị ứng sữa trầm trọng, bạn có thể bị sốc quá mẫn. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sưng phù cổ họng và các đường dẫn khí, dẫn đến khó thở cấp. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp, bạn phải luôn luôn mang theo thuốc mà bác sĩ đã chỉ định để có thể xử trí cấp cứu ngay. Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở cấp cứu y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Liên tục 'đi ngoài' mỗi khi uống sữa: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 5
Ảnh minh họa: Internet

 

Tiểu đường không nên ăn trái cây vì chứa nhiều đường: Thực hư thế nào?

Không ít ý kiến cho rằng người tiểu đường cần phải kiêng trái cây, nhất là các loại trái cây quá ngọt. Tuy nhiên, thực tế trái cây là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe, có những loại quả “tốt” cũng có loại quả “xấu”. Vậy thì người tiểu đường không nên ăn hoa quả gì?

TIN MỚI NHẤT