Việc trượt khỏi danh sách trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể khiến nhiều học sinh hụt hẫng, thậm chí suy sụp, phụ huynh cần ở bên đồng hành, động viên con em mình.
- Cơn sốt trại hè và những hiểm họa khôn lường
- Dạy con chăm sóc bản thân: Hành trang cho một đứa trẻ tự tin và độc lập
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tối 4/7, điểm thi và điểm chuẩn vào gần 120 trường THPT công lập được công bố.
Trong tổng số hơn 103.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, chỉ khoảng 81.000 em đủ điều kiện vào các trường công lập. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều học sinh buộc phải lựa chọn một hướng đi khác.
Hầu hết học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập đều thuộc nhóm có học lực khá giỏi, việc được học tập trong môi trường như vậy giúp các em thuận lợi phát triển.
Tuy nhiên, nếu không đủ điểm để vào nguyện vọng 1 hoặc 2, các em cần học cách chấp nhận và chủ động chuyển hướng sang những lựa chọn khác như các trường THPT tư thục, trường nghề hoặc các mô hình đào tạo chất lượng khác.
Điểm số chưa phản ánh hết khả năng thật sự
Trao đổi trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia, sẻ: “Sau mỗi kỳ thi luôn có những câu chuyện buồn, nhất là với các em không đạt kết quả như mong đợi. Người lớn nên giúp học sinh hiểu rằng điểm số chưa phản ánh hết khả năng thật sự. Thất bại không đồng nghĩa với yếu kém, có thể do sức khỏe, tâm lý thi cử, phương pháp học chưa phù hợp... Quan trọng là sau mỗi cú vấp, các em có thể đứng dậy và tiếp tục nỗ lực”.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh, phụ huynh cần truyền cảm hứng cho con nhìn sự việc với tư duy tích cực. Cuộc sống còn rất dài và cơ hội vẫn luôn ở phía trước.
Nếu học sinh biết lựa chọn ngôi trường phù hợp, học tập nghiêm túc thì dù là trường công hay trường tư, vẫn có thể đạt được kết quả tốt, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Nhiều trường tư hiện nay còn tiên phong trong áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, cá nhân hóa lộ trình học, điều mà các trường công đôi khi chưa theo kịp.
Sau cùng, mục tiêu quan trọng nhất không phải là học trường nào, mà là định hướng được một nghề nghiệp phù hợp để ổn định cuộc sống và phát triển bền vững. Trượt lớp 10 công lập không phải là dấu chấm hết, mà có thể là sự khởi đầu cho một hành trình mới nhiều cơ hội hơn.
Không đỗ trường công, không phải là dấu chấm hết
Cũng trao đổi trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết: “Dù không trúng tuyển vào trường công, các em vẫn còn nhiều con đường để phát triển bản thân.
Các mô hình trường tư hiện nay đang ngày càng được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, chương trình học hiện đại, đội ngũ giáo viên chất lượng. Đây cũng là những môi trường học tập rất đáng cân nhắc.
Phụ huynh và học sinh không nên quá thất vọng hay bi quan. Việc không vào được trường công lập không đồng nghĩa với việc con đường học tập đã kết thúc. Quan trọng nhất là chọn được một ngôi trường phù hợp với năng lực, môi trường có thể hỗ trợ học sinh phát huy thế mạnh, hoàn thành ba năm THPT với kết quả tốt nhất”.

Không đỗ trường công, thí sinh còn có nhiều lựa chọn khác (Ảnh: Hải Nguyễn)
Cô Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh, một thực tế vẫn tồn tại là nhiều phụ huynh vẫn xem trường công lập như một mặc định tốt nhất, từ đó vô tình đặt gánh nặng tâm lý lên con trẻ. Khi các em không đạt được kỳ vọng, không chỉ các em cảm thấy tổn thương, mà ngay cả không khí gia đình cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo cô Nhiếp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trượt trường công như số lượng chỉ tiêu có hạn, mức độ cạnh tranh cao, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là thiếu một chút may mắn. Nhưng xã hội ngày nay đang thay đổi rất nhanh, nhu cầu nhân lực ngày càng đa dạng, nhiều ngành nghề mới ra đời.
Do đó, việc không đỗ trường công không hề là dấu chấm hết, mà là cơ hội để học sinh nhìn nhận lại hướng đi phù hợp hơn.
Không ít phụ huynh hiện nay dù con đủ điểm vào trường công vẫn chủ động chọn trường tư, bởi họ nhận thấy mỗi loại hình trường học đều có lợi thế riêng. Nhiều trường tư có chương trình giáo dục hiện đại, mô hình học tập linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho học sinh phát triển toàn diện, tất nhiên chi phí cao hơn nhưng chất lượng đôi khi còn vượt kỳ vọng.
Chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, cô Hà Thu Thủy, giáo viên THCS tại Hà Nội chia sẻ: “Gia đình nên động viên con không quá áp lực hay so sánh với bạn bè. Hãy giúp con hiểu rằng đây chỉ là một chặng đường, không phải là tất cả. Điều quan trọng là sau đó, gia đình và thí sinh cần ngồi lại cùng nhau để phân tích nguyên nhân, đánh giá lại kết quả thi và mức độ phù hợp của nguyện vọng đã đăng ký với năng lực bản thân. Việc này không chỉ giúp rút kinh nghiệm cho những quyết định sau này mà còn định hướng các bước đi tiếp theo”.
Cô Hà Thu Thủy nhấn mạnh, việc không trúng tuyển lớp 10 công lập không phải là dấu chấm hết cho con đường học vấn. Quan trọng là cả gia đình và học sinh cần giữ vững tâm lý, chủ động tìm kiếm thông tin và lựa chọn con đường phù hợp nhất với năng lực, sở thích và điều kiện của mình. Mỗi con đường đều có những ưu điểm riêng và mở ra những cơ hội phát triển khác biệt cho các em.