Trái phiếu bất động sản lãi cao ngất ngưởng nhưng ‘ế’ nhất

Nhà đất 08/09/2019 12:09

Mặc dù trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có mức lãi suất cao nhất thị trường nhưng đây lại là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công thấp nhất, bởi địa ốc là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trái phiếu bất động sản lãi cao ngất ngưởng nhưng ‘ế’ nhất - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để huy động vốn sau khi bị siết tín dụng - Ảnh: Intetnet

Trái phiếu bất động sản lãi cao nhất thị trường

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong 8 tháng năm nay, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 36.876 tỉ đồng, chiếm hơn 31% tổng giá trị phát hành, đứng thứ hai sau khối ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, thống kê của SSI cho thấy, qua 139 đợt chào bán với 47.800 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, chỉ có trên 36.000 tỉ đồng trái phiếu được phát hành thành công, tương đương với tỷ lệ hơn 77% - mức thấp nhất trong các nhóm.

Mặc dù lượng phát hành thấp nhất nhưng lãi suất trái phiếu bất động sản thuộc nhóm cao nhất thị trường, với mức trung bình là 10,01%/năm. Cụ thể, SSI cho biết, trái phiếu bất động sản có mức lãi từ 10% đến dưới 11%/năm chiếm tỷ trọng lớn nhất (tương đương 41,5%); từ 11% đến dưới 12%/năm chiếm 21,5%. Đặc biệt, có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỉ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (tương đương tỷ trọng 5,7%).

Còn theo số liệu của Ủy ban chứng khoán và các thành viên thị trường, trong nửa đầu năm đã có khoảng 3 tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó ngân hàng và bất động sản là hai chủ thể chính. Cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh không chỉ gia tăng về quy mô, mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến.

Đáng chú ý, trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh 7-8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành gần 14,5%. Phần lớn được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nói rằng, mặt bằng lợi tức của trái phiếu doanh nghiệp ở mức 8-10%/năm (đối với trái phiếu thông thường, kỳ hạn 1-3 năm). Mức này cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động từ 6,6-7,3%/năm đối với các kỳ hạn tương tự tại các ngân hàng.

Rủi ro cao

Theo SSI, sở dĩ trái phiếu bất động sản lãi cao nhưng lại là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công thấp nhất bởi địa ốc là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất và tỷ lệ 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản. Hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế. Do vậy, bất động sản là ngành rủi ro cao nên lãi suất trái phiếu ngành này thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu.

Trước việc doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi cao, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các nhà băng tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo đánh giá của cơ quan này, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng. Đặc biệt số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn, trong khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, một số ngân hàng còn đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng không được mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định.

Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro…

Các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn mạnh và bền vững, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng các quy định về tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu doanh nghiệp để tạo khung pháp lý cho thị trường thứ cấp phát triển, bảo vệ nhà đầu tư.

Đồng thời, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cần được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).

Ông lớn xi măng muốn bán nhiều lô ‘đất vàng’ trước cổ phần hoá

Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chưa hoàn thành việc xác định phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với 3/5 lô đất.

TIN MỚI NHẤT