Đắp mặt nạ dưỡng da được nhiều người xem như một bước chăm sóc không thể thiếu trong quy trình làm đẹp. Tuy nhiên, thói quen không rửa mặt sau khi đắp mặt nạ, điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho làn da.
- Chuyên gia chia sẻ các bước làm mặt nạ dưỡng da từ nha đam và nước vo gạo
- 5 loại mặt nạ chống lão hóa da từ thiên nhiên đỉnh cao, kiên trì mỗi ngày da đẹp hơn đi spa
3 tác hại của việc không rửa mặt sau khi đắp mặt nạ
Dễ gây kích ứng và dị ứng da
Hầu hết các loại mặt nạ, dù là dạng giấy, gel hay đất sét, đều chứa nhiều thành phần hóa học như chất bảo quản, chất tạo hương, hoặc các hoạt chất đặc trị. Nếu bạn không rửa mặt sau khi sử dụng, các hợp chất này tiếp tục lưu lại trên da, làm tăng nguy cơ kích ứng. Đặc biệt với làn da nhạy cảm, tình trạng này có thể dẫn đến các biểu hiện như đỏ da, ngứa ngáy, nổi mẩn hoặc sưng tấy, những phản ứng đặc trưng của viêm da tiếp xúc dị ứng.

Mụn trứng cá
Mặt nạ thường chứa các tinh chất giàu dưỡng chất và độ ẩm, đôi khi bao gồm cả thành phần dầu. Nếu không rửa sạch sau khi sử dụng, lượng dầu dư thừa và cặn bã từ mặt nạ có thể gây bít tắc lỗ chân lông, môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây mụn phát triển. Tình trạng này khiến da dễ hình thành mụn đầu trắng, mụn đầu đen và thậm chí là mụn viêm, khiến làn da trở nên sần sùi và mất thẩm mỹ.
Nguy cơ nhiễm trùng da
Trên bề mặt da luôn tồn tại một hệ vi sinh vật tự nhiên. Khi đắp mặt nạ, đặc biệt là các loại giàu dưỡng chất, một lớp màng ẩm sẽ hình thành, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm sinh sôi nếu không được làm sạch đúng cách. Việc không rửa mặt sau khi đắp mặt nạ có thể làm tăng nguy cơ các bệnh lý như viêm nang lông, viêm da do nấm, hoặc hình thành mụn mủ, nhọt.

Lưu ý khi đắp mặt nạ dưỡng da bạn cần biết
Ngoài áp dụng đúng các bước đắp mặt nạ, muốn đạt được hiệu quả dưỡng da tối ưu bạn còn cần lưu ý:
Mỗi loại da có những đặc tính và nhu cầu khác nhau, do đó, việc lựa chọn mặt nạ phù hợp là rất cần thiết. Với da dầu, bạn nên ưu tiên các loại mặt nạ có khả năng kiềm dầu, làm sạch sâu lỗ chân lông và giảm mụn như mặt nạ đất sét, mặt nạ than hoạt tính, mặt nạ trà xanh… Với da khô, bạn cần bổ sung độ ẩm cho da bằng các loại mặt nạ dưỡng ẩm, mặt nạ collagen, mặt nạ sữa ong chúa… Với da nhạy cảm, bạn nên chọn những loại mặt nạ dịu nhẹ, không chứa hương liệu và chất bảo quản để tránh gây kích ứng da.
Bạn không nên đắp mặt nạ quá lâu vì khi mặt nạ khô sẽ dẫn đến hiện tượng thẩm thấu ngược độ ẩm từ da ra ngoài mặt nạ gây khô da.

Mỗi loại mặt nạ có tần suất sử dụng khác nhau. Đắp mặt nạ quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, gây khô da và mất cân bằng độ pH. Nên đắp mặt nạ mấy lần một tuần? Các chuyên gia khuyên rằng bạn chỉ cần đắp mặt nạ 2 - 3 lần mỗi tuần là đủ.
Mặt nạ giấy nên được sử dụng ngay sau khi mở bao bì để tránh vi khuẩn xâm nhập. Đối với mặt nạ dạng kem hoặc gel, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng và giữ cho sản phẩm luôn tươi mới.