Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng

Thị trường 21/01/2019 15:43

Nhiều hộ dân người dân tộc Khmer (phần lớn không biết chữ) ở huyện Tịnh Biên (An Giang) bức xúc, cho rằng mình bị người của Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' trong việc mua đất làm dự án điện năng lượng mặt trời trị giá 5.600 tỷ đồng.

Dân bức xúc 

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang gửi đơn phản ánh đến Văn phòng đại diện Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt tại TP.Cần Thơ phản ánh những bức xúc của họ khi Tập đoàn Sao Mai mua đất để triển khai dự án điện năng lượng mặt trời. 

Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng - Ảnh 1

Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng - Ảnh 2

Đơn kiến nghị của người dân gửi cơ quan chức năng

Anh Chau Vươn (40 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo) cho biết, khoảng tháng 6.2018, cán bộ xã An Hảo cùng người của Tập đoàn Sao Mai đến nhà anh thông báo mua đất để làm dự án với giá là 55 triệu đồng/công (1.000 m2). Lúc này, anh không chịu bán bởi giá trên không phù hợp với thực tế.

"Giá đất ở ấp An Hoà gần ấp tôi sinh sống đã khoảng 300 triệu đồng/công rồi nên tôi không đồng ý. Để thuyết phục tôi bán đất, người của Tập đoàn Sao Mai hứa nếu sau này giá đất có thay đổi, tức giá có cao hơn sẽ điều chỉnh bằng với mức giá thay đổi nên tôi mới đồng ý bán trên 3,6 công đất" - Anh Chau Vươn nói.

Anh Chau Vươn nói thêm: "Hiện giờ giá đất đã lên đến 300 triệu/công nhưng phía Tập đoàn Sao Mai không chịu điều chỉnh như đã hứa nên tôi bức xúc lắm. Tôi có cảm giác như bị lừa đảo".

Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng - Ảnh 3

Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng - Ảnh 4

 Anh Chau Vươn cho rằng, đại diện Tập đoàn Sao Mai lừa đảo trong mua bán đất

Tương tự anh Chau Vươn, chị Neàng Sa Muth (ấp An Thạnh, xã An Hảo) cho biết, gia đình chị có hơn 2,3 công đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Tháng 6.2018 vừa qua, chị được mời lên UBND xã và được phía đại diện Tập đoàn Sao Mai thông báo phải bán đất để làm dự án. "Họ nói nếu không bán cũng bị cưỡng chế, hơn nữa là họ hứa nếu trong quá trình triển khai dự án, giá đất lên sẽ điều chỉnh theo nên tôi đồng ý nhận tiền" - chị Neàng Sa Muth nói.

Chị Neàng Sa Muth nói thêm: "Ai ngờ, không lâu sau, giá đất cùng loại tăng lên nhanh chóng, từ 55 triệu đồng/công lên đến 150 triệu rồi đỉnh điểm là 300 triệu. Thấy giá lên, tôi liên hệ phía lãnh đạo xã và người mua đất để đòi quyền lợi nhưng không được giải quyết".

Cam kết nhưng không thực hiện?

Khác trường hợp anh Chau Vươn và chị Neàng Sa Muth, nhiều hộ dân bán đất không tin vào lời hứa miệng của đại diện Tập đoàn Sao Mai nên đã yêu cầu viết cam kết. Thế nhưng, về sau cam kết này cũng vẫn không được thực hiện.

"Trước khi thực hiện việc mua bán, tôi và người của tập đoàn có ký với nhau tờ cam kết trước chứng kiến của lãnh đạo UBND xã An Hảo. Cam kết này nêu rõ, nếu sau này Tập đoàn Sao Mai mua đất của hộ dân khác với giá cao hơn thì sẽ điều chỉnh giá cho tôi nhưng đến nay cam kết này không được thực hiện" - chị Neàng Sa Ny (ấp An Thạnh, xã An Hảo) cho biết.

Chị Neàng Sa Ny bức xúc nói: "Giá đất hiện đã lên đến 300 triệu đồng mỗi công nhưng khi tôi khiếu nại thì phía đại diện Tập đoàn Sao Mai không chịu trả". 

Dân 'tố' Tập đoàn Sao Mai 'lật kèo' ở dự án 5.600 tỷ đồng - Ảnh 5

Bản cam kết giữa người dân với đại diện Tập đoàn Sao Mai

Nhiều người dân còn cho biết, trong quá trình họ đi khiếu nại thì phía Tập đoàn Sao Mai cho người đưa xe ủi, xe cuốc xuống đồng san ủi đất, phá hỏng các bờ thửa. Người dân có đến nhắc nhở nhưng vẫn không ngăn cản được.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đại diện Tập đoàn Sao Mai đi mua đất của người dân xã An Hảo gồm có ông Lê Văn Hà và ông Võ Đức Thảo (đều là Phó ban giải phóng mặt bằng và Quản lý thực địa thuộc Tập đoàn Sao Mai). Trong bản cam kết mua đất của dân, 2 phó ban này đều ký tên và đều được lãnh đạo địa phương đóng dấu xác nhận. 

Không đồng tình với cách làm của các cán bộ Tập đoàn Sao Mai, người dân nhiều lần đến UBND xã, UBND và HĐND huyện Tịnh Biên nhờ can thiệp.  Thậm chí nhờ người viết đơn ký tập thể (người dân tộc nơi đây đa số là mù chữ) gửi đến ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai. Sau động thái trên, phía Tập đoàn Sao Mai chỉ trả cho người dân thêm 25 triệu đồng/công.

Được biết, UBND xã An Hảo cũng đã tổ chức buổi làm việc giữa các hộ dân có khiếu nại với Tập đoàn Sao Mai. Theo biên bản làm việc, trước đây các hộ dân và Tập đoàn Sao Mai tự thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với mức giá tự thoả thuận.

Sau đó, do người dân nhiều lần khiếu nại về giá mua bán đất nên UBND xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) đã mời từng hộ lên làm việc ghi nhận ý kiến và đề xuất Tập đoàn Sao Mai xem xét hỗ trợ thêm giá đất, tiền hoa màu và hỗ trợ khác. UBND xã An Hảo đề nghị Tập đoàn Sao Mai hỗ trợ thêm cho đủ 80 triệu đồng/công đất (những hộ đang nhận dưới 80 triệu đồng/công đất sẽ được bù thêm). Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý với đề xuất này.

Hiện nay, đã có 16 hộ dân nộp đơn lên Toà án nhân dân (TAND) huyện Tịnh Biên khởi kiện Tập đoàn Sao Mai. Ngày 18.1, người dân được toà mời đến để làm thủ tục đóng án phí (có nhiều hộ làm văn bản xin miễn giảm do hộ nghèo, người già và là người dân tộc). 

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Trương Vĩnh Thành – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết: "Giá đất bị đẩy lên cao sau này là do một số người đầu cơ tự đẩy giá lên, chứ không phải do người của Sao Mai mua cao hơn giá ban đầu. Việc người dân kiện, chúng tôi chấp nhận còn ai muốn lấy lại đất thì sẽ trả”.

Đại diện Tập đoàn Sao Mai cũng cho biết dự án đã được UBND tỉnh An Giang chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Đây là dự án không thuộc trường hợp Nhà nước đứng ra thu hồi đất nên nhà đầu tư tự nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân. 

Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

 

 

Theo Tập đoàn Sao Mai, dự án điện năng lượng mặt trời tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có vốn đầu tư trên 5.600 tỷ đồng, đây sẽ là một trong những dự án tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á.

Dự án được triển khai trên 275 ha và có tổng công suất phát điện lên đến 210 MW. Hiện nơi đây đang được xúc tiến để có thể đóng điện vào tháng 6.2019.

Vụ dân khởi kiện Tập đoàn Sao Mai: Đình chỉ công tác cán bộ GPMB

Liên quan đến việc nhiều hộ dân khởi kiện Tập đoàn Sao Mai trong việc mua đất để triển khai dự án điện năng lượng mặt trời, một Phó Ban Giải phóng mặt bằng và Quản lý thực địa của tập đoàn này đã bị đình chỉ công việc.

TIN MỚI NHẤT