Tiếp tục thông tin về chuyên án bóc gỡ đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả của Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội. Theo kết quả điều tra bước đầu, ổ nhóm đối tượng đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Trong đó chủ yếu là các nhà thuốc, bệnh viện… rải rác ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
- Phải tẩy trang vì không thể nhận diện khuôn mặt tại sân bay
- Bàng hoàng người đàn ông tử vong khi nhảy cầu vượt xuống đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo thông tin từ VTV News, liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả của Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, loại thực phẩm chức năng được ghi nhãn sản xuất tại Tây Ban Nha này từng được rao bán rầm rộ trên mạng và các nhà thuốc với mức giá đắt đỏ trên dưới 1 triệu đồng một lọ 30 viên.
Quảng cáo có hàng loạt tác dụng: chống oxy hóa, bổ gan, làm đẹp da, tăng cường sức đề kháng - nên được khá nhiều người tìm mua. Thế nhưng sự thật nơi ra lò lại là một kho xưởng ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Công thức phối trộn nguyên liệu do chính đối tượng này tự nghĩ ra.
Trên giấy tờ, các sản phẩm thực phẩm chức năng do đối tượng sản xuất - đều có hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, thể hiện nguồn gốc nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha…. Tuy nhiên, cơ quan điều tra điều tra xác định, thực chất đây chỉ là bình phong để che giấu hoạt động sản xuất hàng giả phía sau. Để thực hiện thủ đoạn này, Tiến đã thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, cơ quan điều tra xác định, các công ty trong hệ sinh thái mà Tiến vẽ ra đã nhập khẩu hơn 120 mã sản phẩm các loại. Toàn bộ các mặt hàng thực phẩm chức năng sau đó đều được làm hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Theo khai nhận, vì làm qua dịch vụ, chấp nhận chi trả số tiền lớn hơn rất nhiều so với quy định, nên các đối tượng dễ dàng và nhanh chóng hoàn thành thủ tục công bố chất lượng cho số lượng lớn các mã hàng.
Có hồ sơ giấy tờ trong tay. Các đối tượng tiến hành sản xuất hàng giả của chính sản phẩm doanh nghiệp mình đăng ký nhập khẩu rồi ung dung đưa vào các nhà thuốc tư nhân và bệnh viện. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội, đây là thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm trong lĩnh vực y tế, thực phẩm hiện nay.


Theo thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 17/5, tin từ Công an Hà Nội cho biết Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng 37 tuổi, trú phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) để làm rõ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Tiến đã chỉ đạo Lương Thị Yến là kế toán công ty, thành lập 17 công ty khác, trong đó 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Thời gian đầu, Tiến nhập các loại thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất về phân phối trong nước, khi thấy thị trường phản hồi tốt, bán được nhiều hàng nên Tiến đã nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán.
Bản thân Tiến là dược sĩ nên tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế... Trong quá trình hoạt động, các bị can vẫn duy trì nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài chỉ để lấy thương hiệu, đánh vào tâm lý người tiêu dùng và hợp pháp giấy tờ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Bên cạnh đó, Tiến cũng mua nguyên vật liệu trong nước rồi chuyển về xưởng sản xuất hàng giả do Tiến thành lập tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, và thành lập Công ty in Âu Việt tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc để in màng nhôm phục vụ ép vỉ sản phẩm.
Các loại vỏ lọ được giao cho Nguyệt đặt in, mua trên mạng. Thông tin trên các vỏ hộp được in bằng tiếng nước ngoài thể hiện hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài, còn tem nhãn phụ được Tiến và Nguyệt thuê người dán tại xưởng Hưng Yên và kho hàng tại 114 Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội).

Ngày 7/5, sau khoảng 1 năm theo dõi, thu thập chứng cứ, tài liệu, Công an Hà Nội quyết định phá án và đồng loạt khám xét khẩn cấp gần 20 điểm liên quan đến ổ nhóm này, là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa rải rác trên 20 tỉnh thành trong toàn quốc.
Công an TP Hà Nội đã thu giữ được hơn 28.500 hộp thực phẩm chức năng; gần 35.000 lọ thực phẩm chức năng; gần 39.000 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, với khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau.
Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.