Vì sao nam giới thường cao hơn nữ?

Chăm sóc con 09/05/2025 09:00

Dù ở bất kỳ quốc gia hay thời đại nào, nam giới luôn có chiều cao trung bình nhỉnh hơn phụ nữ. Theo các chuyên gia, sự khác biệt này bắt nguồn từ quá trình dậy thì, nội tiết tố và cơ chế phát triển thể chất riêng biệt giữa hai giới.

Theo dữ liệu từ Our World in Data, chiều cao trung bình của nam giới trên thế giới là khoảng 171cm, trong khi nữ giới là khoảng 159cm – tức chênh lệch khoảng 12cm.

Tương tự, tại Hà Lan - quốc gia cao nhất trên thế giới với chiều cao trung bình của người dân là 175,62cm, chiều cao trung bình của nam giới là 183cm, trong khi của nữ giới là 170cm. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2020), chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 168,1cm, còn nữ là 156,2cm, chênh lệch khoảng 12cm.

Trên thực tế, trẻ em trai và gái có chiều cao trung bình tương tự nhau cho đến khoảng 12 hoặc 13 tuổi. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn dậy thì, cơ thể của mỗi giới bắt đầu phát triển theo những cách khác nhau.

Vì sao nam giới thường cao hơn nữ? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Thời gian và cường độ tăng trưởng

Các bé gái thường bước vào tuổi dậy thì sớm hơn bé trai khoảng một năm và cũng kết thúc giai đoạn này sớm hơn. Quá trình dậy thì ở nữ giới thường bắt đầu khoảng từ 8 đến 13 tuổi. Giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất xảy ra trước khi có kinh nguyệt, thường từ 6 đến 12 tháng trước khi hành kinh bắt đầu. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao có thể đạt khoảng 8cm mỗi năm. Tuy nhiên, sau khi có kinh nguyệt, tốc độ tăng trưởng giảm nhanh chóng và kết thúc sớm.

Ngược lại, nam giới có xu hướng tăng trưởng bứt phá vào cuối tuổi dậy thì, giúp chiều cao vượt trội hơn. Giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất xảy ra khoảng 2 năm sau khi dậy thì bắt đầu, với tốc độ tăng chiều cao có thể đạt khoảng 9cm mỗi năm. Sự khác biệt về thời điểm dậy thì, tốc độ phát triển và độ dài giai đoạn này chính là yếu tố giúp nam giới có thêm thời gian để tăng chiều cao.

Hormone và sự phát triển xương

Một lý do quan trọng khác là ảnh hưởng của nội tiết tố nam hormone testosterone đến quá trình tăng trưởng thể chất. Khi bước vào tuổi trưởng thành, tinh hoàn bắt đầu sản xuất lượng testosterone cao hơn, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì. Trung bình, lượng testosterone ở bé trai tăng gấp 10 lần trong thời kỳ này. Hormone này đóng vai trò chủ chốt trong việc kích thích tế bào phát triển khắp cơ thể, bao gồm cả hệ xương và cơ bắp. Trong khi đó, ở nữ giới, estrogen thúc đẩy sự phát triển xương và sự đóng kín của các đầu xương (epiphysis), dẫn đến việc ngừng tăng chiều cao sớm.

Khung xương của nam giới cũng trải qua quá trình phát triển tương tự như ở nữ, tuy nhiên có những điểm khác biệt rõ rệt. Cụ thể, xương nam giới thường dày hơn, nặng hơn và tiếp tục phát triển về chiều rộng ở vùng ngực và vai cho đến khoảng 20 tuổi. Bên cạnh đó, nhờ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hormone testosterone, cơ bắp ở nam giới cũng phát triển vượt trội. Trong thời kỳ dậy thì, dù số lượng sợi cơ không tăng, nhưng các sợi này lại kéo dài ra và dày lên đáng kể.

Vì sao nam giới thường cao hơn nữ? - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Không dừng lại ở đó, testosterone còn kích thích tăng lượng hemoglobin trong hồng cầu – thành phần chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong máu. Nhờ vậy, nam giới có khả năng hấp thụ và sử dụng oxy hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản sinh năng lượng và thúc đẩy cơ bắp phát triển nhanh chóng.

Tuy nam giới thường cao hơn nữ do đặc điểm sinh học, nhưng điều này không mang tính tuyệt đối. Chiều cao phần lớn được quyết định bởi gen di truyền. Nếu cha hoặc mẹ (hoặc cả hai) có chiều cao nổi bật, thì con cái dù là nam hay nữ đều có khả năng cao lớn hơn mặt bằng chung. Trong một số trường hợp, nữ giới thừa hưởng gen trội về chiều cao từ bên nội hoặc ngoại, điều này giúp họ cao vượt chuẩn.

Thêm vào đó, ngày nay, điều kiện sống của nhiều bạn trẻ đã được cải thiện rõ rệt thông qua chế độ dinh dưỡng, tiếp cận thông tin sớm, ý thức chăm sóc sức khỏe và ngoại hình tăng cao… Điều này góp phần làm cho chiều cao trung bình của cả hai giới tăng dần theo từng thế hệ. Do đó, những bạn nữ cao lớn hiện nay sẽ ngày càng phổ biến hơn so với trước đây.

Không phải điện thoại, màn hình máy tính mới là nguyên nhân gây ra cận thị

Đây là kết quả từ nghiên cứu của Tiến sĩ Samantha Lee (Australia), nghiên cứu đã chỉ ra tiếp xúc với màn hình máy tính ảnh hưởng đến khả năng cận thị hơn so với màn hình điện thoại di động.

TIN MỚI NHẤT