Vì sao lại cho trẻ da kề da mẹ sau sinh?

Chăm sóc con 10/01/2023 10:17

Không chỉ mang đến những lợi ích tuyệt vời cho bé như ổn định thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, việc tiếp xúc da kề da còn giúp mẹ giảm đau, bớt lo lắng và ổn định tâm lý sau sinh.

Tiếp xúc da kề da sau sinh hiện đang là phương pháp được các chuyên gia áp dụng bởi rất nhiều lợi ích lớn lao cho sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ huynh chia sẻ rằng tiếp xúc da kề da ngay lúc bé mới sinh là khoảnh khắc kỳ diệu nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Vì sao lại cho trẻ da kề da mẹ sau sinh? - Ảnh 1

Da kề da” mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho mẹ và trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về chủ đề này, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, xúc giác là giác quan phát triển đầu tiên ở trẻ sơ sinh. Xúc giác hình thành ngay từ những tuần đầu của thai kỳ, khi bé còn trong bụng mẹ.

Sau khi sản phụ sinh con xong, ngay lập tức bé sẽ được cho tiếp xúc da kề da với mẹ (phương pháp Kangaroo). Phương pháp này còn là một phương pháp để chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân. Sau đó, trong suốt các giai đoạn tiếp theo, các nhà khoa học đều khuyến khích tiếp xúc qua da giữa mẹ và trẻ bằng những cử chỉ ôm ấp, vuốt ve.

Theo BS Thành, việc tiếp xúc da kề da ngay sau khi sinh có rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con:

Thứ nhất, hình thành sự gắn kết đầu tiên sau khi bé chào đời.

Thứ 2, bé bớt quấy khóc, thân nhiệt người mẹ cộng với sự di động nhịp nhàng lên xuống của lồng ngực mẹ tạo nên một chiếc “nôi” dỗ trẻ nghỉ ngơi, thư giãn.

Thứ 3, điều hòa thân nhiệt, nhịp thở và nhịp tim của trẻ.

“Sự khác biệt giữa môi trường bên trong tử cung và môi trường ngoài cơ thể khiến trẻ dễ bị “shock”. Khi đó, vùng ngực ấm áp của mẹ sẽ giúp ủ ấm trẻ, giảm việc tiêu hao năng lượng để giữ ấm cơ thể, giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường bên ngoài”, vị bác sĩ chia sẻ.

Thứ 4, kích thích tiêu hóa, tiếp xúc da kề da kích hoạt dây thần kinh phế vị, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.

Thứ 5, tăng cường hệ miễn dịch. Da trẻ tiếp xúc với da mẹ sẽ tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc với vi hệ ở khu vực này, giúp hình thành kháng thể trong máu trẻ. Lượng kháng thể này cùng với kháng thể trẻ nhận từ mẹ khi còn trong tử cung và kháng thể có trong sữa mẹ sẽ giúp tạo nên một hàng rào bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của những tác nhân có hại trong môi trường.

Thứ 6, kích thích tiết sữa. Người mẹ áp dụng tiếp xúc da kề da càng lâu thì cơ thể càng tiết nhiều oxytocin. Hormone này điều hòa sự tiết sữa, giúp mẹ bầu sớm tiết sữa sau sinh, đồng thời duy trì nguồn sữa mẹ trong thời kỳ cho con bú.

Thứ 7, tạo điều kiện cho sự phát triển hệ thần kinh. Sự tiếp xúc đầu đời này của trẻ đòi hỏi sự tham gia của bộ phận nhận cảm, các đường dẫn truyền thần kinh, do đó đóng vai trò quan trọng trong phát triển các giác quan của trẻ.

Thứ 8, hỗ trợ quá trình hồi phục của mẹ. Oxytocin còn có tác dụng kích thích co hồi tử cung, ngăn ngừa băng huyết sau sinh.

“Da kề da còn như một liều thuốc “an thần”, giảm đau cho mẹ bầu sau khi vượt cạn. Vỗ về sinh linh bé nhỏ vừa mới chào đời, huyết áp của mẹ dần dần ổn định, cảm giác hạnh phúc trào dâng sẽ giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh - nỗi lo của rất nhiều chị em khi mang bầu”, vị chuyên gia nói.

Vì sao lại cho trẻ da kề da mẹ sau sinh? - Ảnh 2

Việc da kề da sau sinh giúp mẹ cảm thấy được thư giãn, bớt lo âu và gần gũi với con nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Thứ 9, kích thích sự phát triển của trẻ. Theo bác sĩ Thành, nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ được tiếp xúc qua da nhiều sẽ ăn ngủ tốt hơn, ít quấy khóc, quá trình tăng trưởng, phát triển về tâm thần, thể chất diễn ra thuận lợi hơn.

Thứ 10, giảm căng thẳng, lo âu. Sự ôm ấp, vuốt ve có thể làm giảm sự sản xuất cortisol (hormone căng thẳng), vậy nên đây có thể coi là một liệu pháp “chữa lành” cho cả mẹ và bé.

Thứ 11, thắt chặt tình cảm gắn bó giữa mẹ và con.

“Phương pháp tiếp xúc da kề da sau sinh không những mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé mà đây còn là một khoảnh khắc thiêng liêng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mỗi bậc làm cha làm mẹ”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.

Trẻ cáu kỉnh, ăn vạ: Mắng hay làm ngơ để con tự xử lý?

Trẻ em rất hay cáu kỉnh, chỉ cần không đáp ứng yêu cầu là chúng dễ dàng khóc lóc, ăn vạ, ném đồ đạc. Việc dỗ dành một đứa trẻ mất bình tĩnh khó khăn như thế nào, có lẽ chỉ người từng trải qua mới biết.

TIN MỚI NHẤT