Phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội: Cần sự quan tâm từ gia đình

Chăm sóc con 01/05/2025 08:28

Từ đầu năm đến nay, số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn cả nước tăng cao và diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, gia đình được xem như là xã hội thu nhỏ và là nơi trẻ vị thành niên tiếp xúc đầu tiên, vì vậy, môi trường giáo dục gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của các em.

Gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết đã thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ tiếp tục điều tra đối với Huỳnh Tấn Tài (16 tuổi, thường trú tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để điều tra về hành vi "Giết người" xảy ra tại thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, vào sáng 31/3, cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo về việc có 2 người chết xảy ra trong một ngôi nhà thuộc khóm Mỹ Phú 5, thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình. Nạn nhân được xác định là bà N.T.T.H (sinh năm 1960) và con trai ruột là ông T.Q (sinh năm 1978), ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Ban giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, truy bắt đối tượng phạm tội. Qua triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định được đối tượng nghi vấn là Huỳnh Tấn Tài.

Phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội: Cần sự quan tâm từ gia đình - Ảnh 1
Thiếu niên 16 tuổi giết 2 mẹ con ở Vĩnh Long bị bắt giữ (Ảnh: VOV)

Đến trưa cùng ngày 31/3 cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ được Huỳnh Tấn Tài tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Quá trình khai thác nhanh, đối tượng Huỳnh Tấn Tài đã thừa nhận hành vi giết bà H và ông Q vào khoảng 1 giờ sáng 31/3, sau đó bỏ trốn. Tài là người quen biết với ông Q và đến nhà ông Q chơi đến khi xảy ra vụ việc. Tại thời điểm làm việc, cơ quan điều tra kiểm tra và thu giữ trên người Huỳnh Tấn Tài số tiền trên 40 triệu đồng và 1 điện thoại di động.

Trên thực tế, đây chỉ là một trong những trường hợp về trẻ vị thành niên phạm tội. Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn.

Theo một số chuyên gia pháp luật nhận định, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ. Trong khi đó, công tác quản lý mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, thông tin xấu, độc còn xuất hiện nhiều; hành vi bạo lực diễn ra phổ biến, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội làm lệch lạc nhận thức, sai lầm trong hành động, đã khiến không ít thanh thiếu niên có những hành vi phạm pháp.

Cần phòng ngừa từ gia đình

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, trong nhiều trường hợp, sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quan tâm, dạy bảo của gia đình dẫn đến trẻ vị thành niên sa ngã, rơi vào con đường phạm tội. Không ít bậc cha mẹ không quan tâm đến đời sống tinh thần của con, phó mặc cho nhà trường, thậm chí có trường hợp còn dung túng, bao che vi phạm của con em mình…

Theo bà An, việc ngăn chặn nguy cơ và hạn chế sự gia tăng của tội phạm vị thành niên là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể, cũng như là trách nhiệm của toàn xã hội. Cần tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, từng bước đẩy mạnh sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt nền tảng gia đình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

“Gia đình là môi trường giáo dục tốt nhất và quan trọng nhất cho trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, do vậy để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em ngay từ chính mỗi gia đình.

Môi trường sống trong gia đình chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến nhân cách sống và hành xử của người trẻ, nếu môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu. Cha mẹ trước hết phải là tấm gương mẫu mực cho trẻ học tập và noi theo”, bà An nhấn mạnh.

Phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội: Cần sự quan tâm từ gia đình - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Một vấn đề nữa là, cha mẹ cần giành nhiều thời gian hơn nữa cho con em mình, tìm hiểu kiến thức về tâm sinh lý của trẻ trong từng giai đoạn để lựa chọn những hình thức động viên giáo dục, răn đe phù hợp, không chiều chuộng, nhưng cũng không bạo hành đối với con cái, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và chia sẻ với con bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc những sai lầm không đáng có.

Cùng với đó gia đình cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của con em và phối hợp giáo dục, định hướng cho trẻ lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo các chuyên gia, để giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của tình trạng người chưa thành niên phạm tội, trước hết phải bắt đầu từ môi trường gia đình. Các bậc cha mẹ hãy dành thời gian cho con nhiều hơn; quan tâm, quan sát, giáo dục, chia sẻ bởi các con đang ở lứa tuổi diễn biến tâm lý bất thường và có nhiều thay đổi. Các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho những trẻ từng lầm lỡ có cơ hội được giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng.

Nâng cao kỹ năng tự học nhờ siết chặt dạy thêm, học thêm

Tự học được xác định là phương pháp sống còn để tồn tại trong một thế giới đầy biến động. Với thế hệ Y, Z hiện nay, điều này càng thuận lợi hơn bao giờ hết với sự tiếp sức của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo.

TIN MỚI NHẤT