Những điều mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ sinh non

Bài học làm mẹ 20/08/2019 17:29

Việc chăm sóc trẻ sinh non sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn so với những em bé sinh đủ tháng. Do đó, để bé có cơ hội phát triển khỏe mạnh và bình thường trong tương lai, khi nuôi con mẹ cần lưu ý một số điều sau. 

Vì một lý do nào đó mà thiên thần nhỏ của bạn sẽ chào đời sớm hơn dự kiến. Khi chào đời sớm, trẻ có nguy cơ đối mặt với các vấn đề sức khỏe càng cao. Tùy vào mức độ sinh non và thể trạng của trẻ sau sinh, những vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp phải sẽ khác nhau. Do đó, mẹ cần phải lập kế hoạch chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng một cách cụ thể. Bởi sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc và điều kiện môi trường xung quanh. Vì vậy, đến khi được đón về nhà, mẹ cần lắng nghe nhân viên y tế hướng dẫn tận tình về cách chăm sóc trẻ sinh non an toàn, hiệu quả.

Giữ ấm cho trẻ đúng cách

Trẻ sinh non khi ra đời trước 37 tuần tuổi, khả năng điều khiển thân nhiệt sẽ rất kém, bởi não bộ chưa phát triển đầy đủ. Lúc này, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt ngay cả trong những ngày nhiệt độ bình thường. Vì thế, bố mẹ nên đảm bảo giữ ấm tuyệt đối cho trẻ. 

Mẹ cần giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách
Mẹ cần giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Trẻ sinh non cần được ủ ấm, nằm trong phòng có nhiệt độ 28-35 độ C, độ ẩm ở mức 60-70%. Nếu có điều kiện mẹ hãy ủ ấm cho trẻ theo phương pháp chuột túi, đặt áp trẻ vào ngực mẹ để da kề da, như vậy sẽ tốt hơn, trẻ được giữ ấm bằng chính thân nhiệt của mẹ. 

Nếu tắm cho bé, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng khăn tắm và quần áo đã được sấy ấm để mặc cho bé. Điều này giúp nhiệt độ cơ thể trẻ không bị giảm xuống đột ngột sau khi tắm xong. Hơn nữa, vì trẻ sinh non rất yếu, do đó, bố mẹ không được bế ra ngoài, lúc nào cũng phải mang tất tay tất chân và đội mũ cho con. 

Tuy nhiên, bố mẹ đừng cho rằng vì đẻ non con yếu ớt mà suốt ngày đóng cửa kín mít, để tránh gió, giữ ấm cho con. Điều này vô tình khiến cho vi khuẩn gây bệnh càng có cơ hội phát triển, con dễ ốm đau hơn. Thay vào đó, phòng của bé cần sạch sẽ, không khí trong lành và thoáng mát. Chính vì vậy, mẹ hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để biết cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà tốt nhất, phát triển ổn định và khỏe mạnh. 

Cách cho trẻ sinh non bú mẹ

Sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh thiếu tháng
Sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh thiếu tháng

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ sinh non, thiếu tháng. Sữa mẹ cung cấp các enzym hoạt tính giúp bé tiêu hóa và giúp hoàn thiện chức năng đường ruột, các yếu tố kháng thể và miễn dịch, các chất kháng viêm, chống oxy hóa, các yếu tố tăng trưởng và các hoocmon. Đồng thời, giúp bộ não và hệ xương phát triển tối ưu, bên cạnh đó bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh nhiễm trùng và các bệnh khác.

Do đó, sau khi sinh, cách tính lượng sữa cho trẻ sinh non mỗi ngày luôn được bác sĩ hướng dẫn cụ thể để trẻ sớm tăng cân và phát triển toàn diện như trẻ sinh thường. Theo đó, ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh cần được bú 60-70 ml/kg. Sau đó tăng 10ml mỗi ngày cho 1kg cân nặng, chỉ tăng tối đa đến 200ml, không tăng thêm nữa. Đa phần các bé sinh non cần bú mẹ từ 8-10 lần mỗi ngày. Mẹ không được để bé bị đói quá 4 giờ vì sẽ gây ra tình trạng mất nước. Đặc biệt, nếu bé giảm hoặc ngừng tăng cân thì mẹ cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức.

Khi trẻ được 8 ngày tuổi, khoảng cách giữa 2 cữ ăn là 2 giờ, lúc này lượng sữa tăng thêm là 70ml/kg. Nếu cho trẻ uống sữa bột thì lượng sữa chỉ nên cho khoảng 1/3 nhu cầu hàng ngày của trẻ và giảm dần đến khi mẹ đủ sữa hoàn toàn. Có nghĩa là trẻ ăn 150ml sữa mẹ chỉ nên cho 50ml sữa bột.

Sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng chậm hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Vì thế, mẹ cần cải thiện chất lượng sữa để giúp trẻ được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn. Hàng ngày, mẹ hãy uống đủ nước và tăng cường bổ sung dưỡng chất theo khẩu vị là được. Cụ thể, trong bữa cơm phải có đủ tinh bột từ cơm, protein từ thịt, cá, trứng và vitamin từ các loại rau củ. 

Trẻ sinh non cần được duy trì dinh dưỡng cao năng lượng cho đến khi được ít nhất 9 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 12 tháng. Do đó, nguồn sữa mẹ mà giàu dinh dưỡng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cho con khỏe mạnh và phát triển toàn diện. 

Phòng chống nhiễm trùng cho trẻ sinh non 

Để phòng chống nhiễm trùng cho trẻ sinh non mẹ cần phải vệ sinh cho trẻ thật sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, dùng xà phòng dành riêng cho bé, tắm nhanh, lau khô. Đặc biệt, trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về sức khỏe, do hệ miễn dịch yếu, vì thế cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Tuy nhiên, thời điểm tiêm phòng của bé sinh non cũng giống như đối với trẻ đủ tháng, cần đạt cân nặng chuẩn cho phép thì mới có thể tiêm. Vì thế, nếu con chưa đủ tiêu chuẩn để tiêm phòng, khi chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, mẹ cần phải lưu ý: 

Tiêm phòng cho trẻ theo chủng tiêm phòng Quốc gia
Tiêm phòng cho trẻ theo chủng tiêm phòng Quốc gia

+ Cần phải cách ly trẻ khỏi những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng.

+ Rửa tay bằng nước rửa chuyên dụng trước khi tiếp xúc với trẻ để ngăn ngừa lây truyền bệnh. Hạn chế đụng vào người trẻ là tốt nhất. 

+ Giữ nhà cửa, không gian sạch sẽ, thoáng mát.

+ Không nên cho trẻ ra những nơi công cộng, đông đúc, nhiều trẻ nhỏ.

Massage cho bé yêu mỗi ngày 

Massage cho bé yêu mỗi ngày
Massage cho bé yêu mỗi ngày

Nếu chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non trong việc massage cho làn da của bé thì các mẹ nên tìm hiểu trên mạng hoặc hoặc hỏi bác sĩ. Tác dụng của massage đối với trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh cứng cáp, giúp bộ máy hô hấp hoạt động tốt hơn, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thải những độc tố qua da. Hơn nữa, massage cho bé yêu mỗi ngày cũng làm tăng cường sự kết nối tình mẫu tử, giúp bé gần gũi với mẹ hơn. Trước khi massage mẹ cần rửa tay sạch để tránh lây bệnh cho trẻ. 

Những lưu ý khi sinh non

Trẻ em sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định, thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bại não, khiếm khuyết về nhận thức… Nhìn chung, trẻ sinh non có tốc độ chuyển hóa chậm khiến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị cản trở, dễ sản sinh ra các hormon bất thường. Chính vì vậy, mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng của bé. 

Hãy nhờ chồng giúp đỡ để việc chăm sóc trẻ sinh non đỡ vất vả hơn
Hãy nhờ chồng giúp đỡ để việc chăm sóc trẻ sinh non đỡ vất vả hơn

Do đó, để hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khi sinh non mẹ cần lưu ý một số điều sau đây: 

  • Không nên quá lo lắng, hãy cố gắng thư giãn, chấp nhận thực tế về việc mình đang chăm sóc trẻ sinh non. Dù sinh non nhưng chỉ cần con được chăm sóc tốt thì cũng sẽ lớn lên như mọi trẻ em bình thường khác.
  • Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng là một công việc vô cùng vất vả và khó khăn. Vì thế, mẹ hãy nhờ chồng giúp đỡ. 
  • Trẻ sinh non ngủ nhiều giờ mỗi ngày hơn bé sinh đủ tháng nhưng thời gian ngủ lại ngắn hơn. Do đó, mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ ngủ nhiều. Mẹ hãy cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, không phải nằm sấp, nằm nệm cứng và không có gối, để tránh mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. 

Trẻ sơ sinh thiếu tháng không được trang bị đầy đủ để đối phó với cuộc sống mới vì cơ thể bé nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh các bộ phận bao gồm phổi, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và da. Vì vậy, trẻ cần được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Hàng ngày mẹ hãy luôn thực hiện các hành động sau đây để trẻ sớm phát triển: Trò chuyện và chơi với bé thường xuyên; massage cho bé sau mỗi lần tắm; cho bé nghe những bản nhạc êm dịu; thường xuyên tắm nắng cho con như trẻ sinh đủ tháng để tránh còi xương…

Hy vọng với những thông tin trên đây, đã giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non. Để công việc nuôi dưỡng con trở nên đơn giản và nhẹ nhàng. Con phát triển khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác.

Chủ quan khi mang thai tháng thứ 5 dẫn đến sinh non

Đừng vội chủ quan trong thai kỳ tháng thứ 5, các mẹ cần hết sức thận trọng vì giai đoạn này khả năng sinh non vô cùng nguy hiểm.

TIN MỚI NHẤT