Hà Nội: Ghi nhận thêm nữ bệnh nhân 17 tuổi suýt tử vong vì sốc sốt xuất huyết

Tin y tế 13/09/2023 18:53

Sau ba ngày sốt cao bị đau mỏi toàn thân, buồn nôn, choáng ngã do tụt huyết áp được bác sĩ cấp cứu chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.

Thông tin từ Báo Công Luận theo Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội mới đây cho biết, bệnh nhân Linh (17 tuổi, tên bệnh nhân đã được thay đổi), sau ba ngày sốt cao bị đau mỏi toàn thân, buồn nôn, choáng ngã do tụt huyết áp được bác sĩ cấp cứu chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.

ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhập viện còn tỉnh nhưng mệt, mạch yếu, đầu chi lạnh, không có nước tiểu trong 6 giờ.

Hà Nội: Ghi nhận thêm nữ bệnh nhân 17 tuổi suýt tử vong vì sốc sốt xuất huyết - Ảnh 1

Tình trạng bệnh nhân dần ổn định sau 4 ngày điều trị. Ảnh: Công Luận

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc do sốt xuất huyết Dengue, mạch máu của bệnh nhân bị tổn thương, giãn mạch gây thoát huyết tương nặng, dẫn đến tụt huyết áp. Tình trạng này làm giảm tưới máu các cơ quan gây sốc, khiến bệnh nhân choáng ngã.

Sốc là biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Người bị sốc sốt xuất huyết trong 24-48 giờ có thể nguy kịch do suy đa tạng, tử vong nếu không được chữa trị. Người bệnh may mắn vì đến viện kịp thời được bác sĩ điều trị bằng phác đồ bù lượng dịch theo tốc độ 15 ml/kg/giờ trong giờ đầu, giảm xuống trong các giờ tiếp theo, duy trì 1,5 ml/kg/giờ trong 10-12 giờ.

Bác sĩ Hậu khuyến cáo người bị sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân cần được làm các xét nghiệm loại trừ sốt xuất huyết. Người bệnh sốt kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, nhức người, đau cơ khớp, nhức mắt là dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần khám ngay.

Người bệnh cần truyền dịch đúng đủ về liều lượng và tốc độ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Truyền quá nhiều dịch có thể gây phù phổi, suy hô hấp. Nếu có dấu hiệu cô đặc máu không truyền dịch đúng, đủ có thể tụt huyết áp, giảm tưới máu đến các cơ quan, gây sốc.

Bác sĩ Hậu lưu ý giai đoạn nguy hiểm thường diễn ra ngày 3-7, thông thường người bệnh giảm sốt nên chủ quan. Lúc này tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm nhiều và xuất hiện cô đặc máu, cần được theo dõi sát.

Chia sẻ từ Báo VnExpress trước đó, CDC Hà Nội tuần qua ghi nhận thêm 1.669 ca sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nôi ghi nhận 8.362 ca sốt xuất huyết, 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần, số tử vong tương đương.

Hà Nội: Ghi nhận thêm nữ bệnh nhân 17 tuổi suýt tử vong vì sốc sốt xuất huyết - Ảnh 2

Bệnh nhân sốt xuất huyết với bàn tay đỏ au, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VnExpress

200 ổ dịch đang hoạt động tại 27 quận, huyện. Lãnh đạo CDC Hà Nội đánh giá số ca sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng so với tuần trước. Thêm vào đó, một số ổ dịch diễn biến kéo dài và xuất hiện thêm bệnh nhân. "Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới", đại diện CDC cho hay.

Bộ Y tế cũng ghi nhận số ca sốt xuất huyết ở miền Bắc trong 8 tháng đầu năm tăng 125% so với cùng kỳ, khuyến cáo dịch diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Số ca mắc mới tập trung tại Hà Nội, tăng cao từ tháng 6 và cao nhất trong ba tuần gần đây.

Lý giải số ca ở miền Bắc tăng, Bộ Y tế cho biết khu vực này đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm tăng nguy cơ dịch lan rộng.

Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh. Ý thức người dân trong phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.

Sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng..., đặc biệt là với những người có bệnh nền. Do vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

 

Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng: Đã có hơn 90 người, 3 người phải điều trị hồi sức

Tổng số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại hiệu bánh mì Phượng (địa chỉ 02-Phan Chu Trinh, TP Hội An, Quảng Nam là 91 ca.

TIN MỚI NHẤT