Công viên Biển Sông biến mất, nhiều đại gia bị điều tra

Thị trường 23/12/2018 13:03

Công viên Biển Sông tại An Gia Riverside và cầu thang chung cư Bảo Sơn Complex biến mất; nhiều đại gia bất động sản bị điều tra tại Đồng Nai; tranh luận về condotel tiếp tục nóng là những thông tin nổi bật trong tuần qua.

Quảng cáo bất chấp để bán hàng

Dự án An Gia Riverside tại đường Đào Trí, quận 7, TP.HCM, do An Gia Investment là đơn vị phát triển, được mua lại từ chủ đầu tư trước đây là Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng. Sau khi mua lại An Gia Investment đã thay tên các block của dự án và vẽ thêm hàng loạt các tiện ích để hút khách.

Từ giữa năm 2015, khi tung ra thị trường, An Gia Riverside được giới đầu tư đánh giá rất “chịu chơi”, vì đưa vào những tiện ích “chưa từng có”. Trong đó, điển hình là: Công viên Biển Sông, sảnh đón thác nước và hàng loạt tiện ích cao cấp khác.

Công viên Biển Sông biến mất, nhiều đại gia bị điều tra - Ảnh 1

Công viên Biển Sông - tiện ích "bánh vẽ" của An Gia Investment 

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, vị trí được giới thiệu là công viên biển sông, hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống ven sông. Khu vực này thuộc hành lang an toàn sông Sài Gòn, không được phép xây dựng. Tiện ích “chưa từng có” này được vẽ ra lúc bán hàng, nhưng sau khi bàn giao thì trên website của An Gia Investment đã xóa thông tin này, trong phần giới thiệu dự án An Gia Riverside.

Công viên Biển Sông biến mất, nhiều đại gia bị điều tra - Ảnh 2

Công viên Biển Sông vẽ lung linh, nhưng thực tế chỉ là bờ sông cỏ mọc

Trong khi đó, dự án The Garden tại đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM, được quảng cáo có trung tâm thương mại cực kỳ hoành tráng, nhưng khi bàn giao thì tầng này bị chủ đầu tư “hô biến” thành officetel.

Cầu thang chung cư bỗng dưng biến mất

Cầu thang chung cư biến mất do… nhầm lẫn là cách lý giải của chủ đầu tư dự án Bảo Sơn Complex (tại số 126, đường Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), với cư dân, trong buổi đối thoại mới đây.

Cụ thể, trong hợp đồng mua bán căn hộ với các hộ dân, dự án có 2 tầng hầm, 4 cầu thang thoát hiểm, có bể bơi… Trong khi nhận căn hộ thực tế, tòa nhà chỉ có 1 tầng hầm và ½ tầng hầm, 2 cầu thang thoát hiểm.

Công viên Biển Sông biến mất, nhiều đại gia bị điều tra - Ảnh 3

Tranh chấp tại dự án Bảo Sơn Complex vẫn chưa hồi kết

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Sơn, cho rằng: “Do chủ đầu tư không bán trực tiếp mà thông qua 2 đơn vị là Đất Xanh và Cenland soạn thảo. Họ soạn xong chuyển về cho Tập đoàn Bảo Sơn và bộ phận pháp lý bên tôi kiểm tra.

Những hợp đồng này tôi ký, nhưng không thể kiểm tra hết được. Khi bán nhiều nhà copy từ hợp đồng này sang hợp đồng khác, nên có sự nhầm lẫn như vậy. Sau khi phát hiện, tôi đã yêu cầu bộ phận pháp lý của Tập đoàn Bảo Sơn rà soát lại các hợp đồng và sửa lại những cái gì chưa ký, những hợp đồng ký rồi phải làm lại với từng người dân một”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lâm Sơn - Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng, những vấn đề phát sinh dẫn đến tranh chấp như hiện nay xuất phát từ việc người dân không tìm hiểu kỹ dự án.

Cho rằng những câu trả lời và giải pháp của chủ đầu tư không thỏa đáng, nhiều cư dân đã bỏ về, buổi đối thoại cũng dừng lại khi không tìm được tiếng nói chung.

Điều tra các công ty địa ốc có dấu hiệu lừa đảo

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Công an tỉnh này đang phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công An) và Công an TP.HCM, điều tra nhiều công ty bất động sản có hành vi vi phạm các quy định pháp luật và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công An) điều tra, xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất đai đối với Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (địa chỉ 353 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh TP.HCM).

Cơ quan công an xác định, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã quảng cáo trên mạng nội bộ 19 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành. Được biết, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành chưa chấp thuận chủ trương đối với bất kỳ dự án nào của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.

Công an tỉnh Đồng Nai cũng đang phối hợp với Công an TP.HCM điều tra làm rõ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đối với các công ty môi giới bất động sản Việt Hưng Phát, Kim Phát có dấu hiệu lừa đảo, trong việc môi giới rao bán các dự án trên địa bàn Đồng Nai.

Nóng tranh luận condotel

Chia sẻ tại một hội thảo được tổ chức mới đây, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Nếu nhìn từ thị trường bất động sản năm 2017 thấy 2018 tốt hơn thì có thể đánh giá 2019 cũng tốt hơn. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không kip cầu, khỏi nghĩ đến chuyện “bong bóng”, chuyện cung vượt cầu, dư địa còn rất nhiều.

“Nhiều ý kiến đưa ra nơi này, này kia cấm condotel nhưng tôi nghĩ đó là viển vông gọi là lo xa nhưng lo xa không cần thiết” - ông Võ nói.

Trước ý kiến trên của vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng lại đánh giá: Nói về bất động sản du lịch trong đó có condotel sẽ có nhu cầu trong năm nay, năm sau nhưng theo tôi nhu cầu này không cao lắm.

“Nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào condotel nhưng khung pháp lý không có. Bên cạnh đó là vấn đề thương mại các nhà đầu sơ cấp hứa đầu tư vào thì sẽ trả lợi nhuận 10-12%. Tôi đã nhìn hợp đồng thì đó không phải là cam kết mà chỉ là lời hứa hẹn. Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà đầu tư, họ không dám nhảy vào condotel.  Hiện nay ai là người nhảy vào mua condotel?” - ông Hiếu thẳng thắn đặt vấn đề.  

Cũng theo vị chuyên gia này hãy cẩn thận với condotel. “Chúng ta không nên đưa ra một hình ảnh quá đẹp, vẽ một màu hồng để mọi người nhảy vào đó cuối cùng vỡ mộng hết cả nhà đầu tư sơ cấp lẫn nhà đầu tư thứ cấp” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo thị trường quý III/2018 của DKRA Việt Nam, cũng cho thấy tỷ lệ tiêu thụ condotel chỉ đạt 32 căn (khoảng 76%), bằng 4% so với quý trước.

TIN MỚI NHẤT