Bộ phim truyền hình Hoài Thủy Trúc Đình bất ngờ leo vọt trên bảng xếp hạng của một nền tảng video, chạm mốc 9.000 điểm phổ biến chỉ trong vài giờ. Nhưng thay vì nhận được những tràng pháo tay, lối diễn xuất của Lưu Thi Thi lại nhận về làn sóng tranh cãi chưa từng có trong sự nghiệp của cô.
- Lưu Thi Thi thất bại liên tiếp ở 3 bộ phim, liệu có khả năng 'gánh phim' trong Cbiz?
- Nhan sắc U40 của Lưu Thi Thi 'gây sốt' trong buổi tuyên truyền phim 'Hoài Thủy Trúc Đình'
Chỉ sau hai giờ phát sóng trên nền tảng iQiyi, bộ phim Hoài Thủy Trúc Đình đã nhanh chóng ghi nhận chỉ số phổ biến vượt mốc 5.700, và chạm ngưỡng 8.500 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ – một kỷ lục mới trong dòng phim truyền hình năm nay.
Bề ngoài, đây là màn khởi đầu không thể mơ ước hơn cho một tác phẩm chuyển thể từ anime nổi tiếng. Tuy nhiên, ngay khi dư âm của những con số thống kê còn chưa lắng xuống, sóng gió từ cộng đồng mạng đã ập đến dữ dội, dấy lên một cuộc tranh luận nảy lửa về chất lượng thực sự của bộ phim.
Hoài Thủy Trúc Đình từng được kỳ vọng là cú hích mới cho dòng phim cổ trang huyền huyễn, khi hội tụ đủ yếu tố: cốt truyện nổi tiếng, dàn diễn viên đình đám, kỹ xảo hiện đại. Nhưng kỳ vọng càng cao, thất vọng càng sâu. Anime gốc chỉ gồm 12 tập súc tích, giàu cảm xúc và mang đậm chiều sâu nhân vật. Vậy mà trong bản chuyển thể dài 36 tập, khán giả lại bị dẫn dắt qua một mê cung cốt truyện rối rắm, dài dòng và thiếu tập trung.
Lưu Thi Thi – một tên tuổi lớn trong làng phim cổ trang lại không thể hiện được khí chất hào hùng của nhân vật Đông Phương Hoài Trúc. Diễn xuất thiếu cảm xúc, đôi mắt mệt mỏi, biểu cảm đơn điệu khiến nhân vật của cô trở nên nhạt nhòa.
Trong khi đó, Trương Vân Long lại bị cho là quá già để đóng một Vương Quyền Bá Nguyệt trẻ trung, nhiệt huyết. Cả hai nhân vật chính đều không khắc họa được nội tâm phức tạp như kỳ vọng.
Chưa dừng ở đó, bộ phim còn vướng phải ý kiến trái chiều về kỹ thuật hậu kỳ. Hiệu ứng đặc biệt dù được đầu tư hoành tráng lại thiếu điểm nhấn, thiếu liên kết với hành động thực tế. Những cảnh chiến đấu lẽ ra phải là cao trào cảm xúc thì lại trở thành màn trình diễn màu mè, thiếu sinh khí.
Cư dân mạng nhanh chóng lột trần những lỗi kỹ thuật cẩu thả: váy của Lưu Thi Thi mắc vào thân tre được “chữa cháy” bằng photoshop kém chất lượng, đèn đường hiện đại vô tình lọt vào khung cảnh cổ trang, hay trang phục đạo cụ bị nghi là hàng lỗi của các đoàn phim cũ. Khán giả chia thành hai phái rõ rệt: một bên xem phim với tốc độ 2x để “tiêu hóa” cho nhanh, bên còn lại soi từng khung hình để vạch lỗi. Họ không còn xem để thưởng thức mà để chỉ trích.
Điều đáng buồn hơn cả là cuộc chiến nội bộ giữa người yêu truyện gốc và người say mê vẻ ngoài của diễn viên. Một bên giận dữ vì thế giới quan sâu sắc bị biến thành chuyện yêu đương hài hước, nhân vật bi kịch thành công cụ phụ họa cho cặp đôi chính.
Từ một nữ diễn viên từng được ca tụng vì khí chất thanh cao, Lưu Thi Thi nay bị gắn với một tác phẩm bị gọi là “thảm họa truyền hình”. Dù có nỗ lực trình diễn, cô vẫn không thể cứu được một kịch bản méo mó, một dự án thiếu tôn trọng nguyên tác và khán giả.