Phân biệt rò rỉ nước ối và són tiểu, mẹ bầu cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe thai nhi

Mẹ bầu 25/09/2019 00:00

Rỉ ối vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ đều khiến bạn lo lắng. Nhưng biết rõ các dấu hiệu và cách thức kiểm soát hiện tượng này có thể giúp bạn duy trì trạng thái cảnh giác và ngăn ngừa bất cứ biến chứng nào.

Dịch ối bao bọc và bảo vệ thai nhi trong túi ối đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thai kỳ. Thông thường, dịch ối sẽ trào ra khi bạn chuyển dạ. Nhưng đôi khi, nó có thể chảy một chút qua âm đạo, khiến bạn băn khoăn không biết đó là rỉ ối, là són tiểu hay dịch tiết âm đạo. Biết cách phân biệt chính xác ba trạng thái trên có thể giúp bạn cần làm gì tiếp theo.

Hiện tượng rỉ ối thường xảy ra vào giai đoạn nào?

Thông thường, phụ nữ có khoảng 500-1000ml dịch ối, mặc dù thế nào là lượng ối bình thường có thể khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi thai nhi. Quá ít hay quá nhiều dịch ối có thể gây rắc rối cho thai kỳ. Bác sĩ thường kiểm tra lượng ối nhờ siêu âm.

Lượng ối trung bình của sản phụ ở tuần thai thứ 12 là 60ml. Nó tăng lên 175ml trước tuần thai thứ 16. Lượng ối đạt mức cao nhất khi thai phụ ở tuần thai 34-38, khoảng 400-1.200ml. Lượng ối giảm sau tuần thai thứ 38 và trước tuần thai 40, xuống mức 800ml.

Giai đoạn chuyển dạ có thể bắt đầu khi lượng ối giảm và hiện tượng rỉ ối thường xảy ra ở giai đoạn này. Nhưng để đánh giá xem đó thực sự là dịch ối rỉ ra hay chỉ là són tiểu, bạn nên kiểm tra các dấu hiệu khác.

Phân biệt rò rỉ nước ối và són tiểu, mẹ bầu cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe thai nhi - Ảnh 1

Quá ít hay quá nhiều dịch ối có thể gây rắc rối cho thai kỳ. Bác sĩ thường kiểm tra lượng ối nhờ siêu âm (Ảnh minh họa).

Phân biệt rỉ ối và són tiểu

- Dịch ối trong và không màu. Nước tiểu thì có màu vàng nhạt.

- Dịch ối có mùi riêng biệt. Còn nước tiểu hoặc dịch tiết âm đạo có thể có mùi khai hoặc tanh.

- Dòng chảy của dịch ối bị rò rỉ ra không ngừng lại nhanh như nước tiểu.

Bạn có thể dùng băng vệ sinh hoặc băng vệ sinh hàng ngày để kiểm tra những yếu tố trên. Một cách khác để nhận biết liệu bạn có bị rỉ ối hay không là siết chặt cơ khung chậu trong vòng vài giây. Nếu là nước tiểu thì việc rỉ ra sẽ ngừng lại. Nếu nó không ngừng lại, có thể đó là dịch ối.

Thông thường, dịch ối rỉ ra khi màng ối bị rách. Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện khi thai nhi đã đủ ngày đủ tháng hoặc bạn đang trong quá trình chuyển dạ mà nguyên nhân chính là các cơn gò tử cung hoặc màng ối bị yếu đi. Đôi khi, bác sĩ chọc thủng màng ối. Thủ thuật này được thực hiện trong giai đoạn chuyển dạ chủ động khi cổ tử cung mở 4cm. Nó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dạ và cho phép bác sĩ kiểm tra xem em bé có thải ra ít phân xu nào không.

Chuyện gì xảy ra khi sản phụ bị rỉ ối?

Nhiều sản phụ chuyển dạ trong khoảng 24 giờ khi dịch ối trào ra hoặc bị rò rỉ. Nếu quá trình chuyển dạ không bắt đầu trong vòng 24 giờ, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp để kích thích chuyển dạ nhằm phòng ngừa bất cứ biến chứng nào. Rỉ ối quá sớm có thể dẫn tới những nguy cơ dưới đây:

- Nhiễm trùng (cả mẹ và bé)

- Nhau thai bị chia tách khỏi tử cung

- Các vấn đề liên quan tới dây rốn

- Phải mổ sinh

Phân biệt rò rỉ nước ối và són tiểu, mẹ bầu cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe thai nhi - Ảnh 2

Nhiều sản phụ chuyển dạ trong khoảng 24 giờ khi dịch ối trào ra hoặc bị rò rỉ (Ảnh minh họa).

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Khi bạn phát hiện dịch rò rỉ từ âm đạo không phải nước tiểu hay dịch tiết âm đạo mà là dịch ối, hãy tới gặp bác sĩ ngay. Bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ:

- Khi phát hiện dịch ối có màu xanh lá hoặc nâu hoặc có mùi khó chịu.

- Khi bạn bị sốt hoặc nhịp tim tăng.

- Nếu bạn bị đau bụng.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng của bạn dựa trên tuổi thai và cũng sẽ tiến hành khám nội khoa cho bạn trước khi tiếp tục với biện pháp điều trị.

Trong lúc chờ đợi kết luận, bạn cố gắng giữ bình tĩnh và không cho bất cứ thứ gì, ví dụ tampon hay mảnh vải, vào âm đạo để ngăn tình trạng rỉ nước. Chỉ cần để ý xem lượng dịch rỉ ra là bao nhiêu và màu sắc của nó để thông báo cho bác sĩ biết.

Phân biệt rò rỉ nước ối và són tiểu, mẹ bầu cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe thai nhi - Ảnh 3

Nguy cơ bà bầu phải đối mặt khi lượng nước ối thấp

Điều trị khi bị rỉ ối hay vỡ ối sớm như thế nào?

Biện pháp điều trị sẽ khác nhau theo từng sản phụ bởi nó phải dựa trên tuổi thai. Nếu rỉ ối xảy ra trước hoặc ở tuần thai thứ 34, bạn có thể được chỉ định thuốc corticosteroid trước sinh để đẩy nhanh quá trình trưởng thành của phổi thai nhi. Sau khi quan sát, các bước tiếp theo có thể bao gồm:

- Kê đơn kháng sinh nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.

- Thuốc để ngừa hiện tượng chuyển dạ sớm, nếu có thể.

- Chuẩn bị cho việc sinh nở sớm trong trường hợp bác sĩ cho rằng cần thiết.

- Nhập viện để được quan sát và chuyển tới bệnh viện có cơ sở vật chất tốt phục vụ cho việc chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh phòng trường hợp em bé chào đời sớm.

Rỉ ối có đồng nghĩa với sảy thai?

Rỉ ối không phải là một trong những nguyên nhân phổ biến của sảy thai. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc đi kèm các triệu chứng khác như đau bụng, nó có thể là dấu hiệu cho thấy nguy cơ sảy thai. Dù vậy, bạn nên đi khám bác sĩ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Xử trí bất thường hay gặp ở bầu vú sau sinh

Sau khi sinh, thai phụ thường có hiện tượng bầu vú căng và đau, sữa không chảy ra được do ống tuyến sữa bị tắc, nứt núm vú và tụt đầu vú...

TIN MỚI NHẤT