Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhắm vào các chủ nhà hàng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu vì tin lời "thượng đế"

Đời sống 02/05/2023 06:25

Bằng hành vi giả đặt tiệc số lượng lớn rồi yêu cầu nhà hàng mua thực phẩm tại địa chỉ chỉ định, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo rất tinh vi rồi chiếm đoạt tài sản.

Hình thức lừa đảo mới

Cả nước đang trong kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, đây cũng là thời điểm mở đầu cho cao điểm mùa du lịch. Bên cạnh hoạt động sôi nổi của ngành vận tải hành khách và du lịch lữ hành cũng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực như lừa đảo bán vé máy bay, lừa đảo đặt phòng hay chiếm đoạt tài sản... 

Mới đây, cơ quan công an tiếp tục đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới bằng chiêu trò lừa đảo công nghệ cao thông qua hình thức... đặt tiệc. Nạn nhân mà các đối tượng xấu nhắm đến là các chủ nhà hàng, quán ăn,... Trong bối cảnh cao điểm mùa du lịch đang đến gần, các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề này cần hết sức lưu ý.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhắm vào các chủ nhà hàng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu vì tin lời 'thượng đế' - Ảnh 1

Gọi điện thoại đặt tiệc rồi thông qua những chiêu trò tinh vi, các đối tượng xấu đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo. Ảnh minh họa.

Theo đơn trình báo của chị L.T.H, chủ nhà hàng D.B.M ở thị trấn huyện Trảng Bom, vào chiều 16/4, chị H. nhận được cuộc gọi điện thoại của một người đàn ông tự xưng tên V, giáo viên của một Trường THCS trên địa bàn huyện Trảng Bom liên hệ đặt 10 bàn tiệc và 40 thùng rượu vang (ngoại) để tiếp khách.

Do khách đặt số lượng lớn nên chị H yêu cầu người này chuyển tiền trước. Chỉ sau khoảng 10 phút, đối tượng trên đã gửi một bản giao dịch giả thể hiện đã chuyển tiền thành công số tiền hơn 422 triệu đồng đến tài khoản của chồng chị H. Đồng thời, yêu cầu chị H mua rượu vang tại một địa chỉ vì đã uống quen loại rượu ở đây.

Tin tưởng đối tượng đã chuyển khoản, chị H đã liên hệ với chủ tài khoản Zalo rượu vang đặt mua 40 thùng rượu vang và đã chuyển khoản 2 lần vào tài khoản của đối tượng với số tiền hơn 300 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị H đặt mua thêm 50 thùng rượu vang và đối tượng cho biết đã chuyển tiếp vào tài khoản cho chị H số tiền 515 triệu đồng. Lúc này, chị H mới biết mình đã bị kẻ gian lừa đảo nên trình báo cơ quan công an.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhắm vào các chủ nhà hàng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu vì tin lời 'thượng đế' - Ảnh 2

Zalo bán rượu vang do đối tượng V yêu cầu chị H đặt rượu. Ảnh: Trang thông tin điện tử CA tỉnh Đồng Nai

Với thủ đoạn trên, cũng trong chiều 16/4, chị H.T.T.H, chủ quán nhậu P.Đ ở xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom bị một người phụ nữ gọi điện, giới thiệu là Giáo viên của một Trường Tiểu học trên địa bàn huyện, yêu cầu đạt 4 bàn tiệc và rượu vang để phục vụ liên hoan.

Để tạo lòng tin, vị khách nữ đã gửi cho chị T.H phiếu chuyển tiền thành công 103 triệu đồng. Sau đó đối tượng nhắn tin số điện thoại của chủ rượu vang để chị T.H đặt mua. Tổng cộng số tiền chị T.H đã chuyển khoản 2 lần cho đối tượng là 113 triệu đồng.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhắm vào các chủ nhà hàng, nhiều người đã mất hàng trăm triệu vì tin lời 'thượng đế' - Ảnh 3

Các đối tượng nhắn tin qua zalo lừa đảo chị T.H. Ảnh: Trang thông tin điện tử CA tỉnh Đồng Nai

Chị T.H cho biết, do buôn bán ế ẩm, khi có khách liên hệ đặt bàn tự xưng là giáo viên của trường trên địa bàn huyện nên chủ quan, tin tưởng làm theo. Sau khi đã chuyển khoản 2 lần thì bên bán rượu vang yêu cầu chuyển khoản lần 3 mới giao rượu nhưng do tài khoản hết tiền nên chị T.H đã chạy đến trường để ứng trước tiền chuyển khoản cho chỗ bán rượu thì được biết không có cán bộ, giáo viên có tên như trên và nhà trường cũng không có đặt tiệc liên hoan.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Cơ quan Công an, các đối tượng này xây dựng kịch bản lừa đảo rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic và thuyết phục. Các đối tượng sử dụng sim “rác” cùng nhiều tài khoản Zalo ảo với ảnh đại diện và tên tài khoản phù hợp nên rất khó phát hiện. Sau đó liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo kịch bản của chúng giăng ra. 

Các đối tượng này còn làm giả thông tin lệnh chuyển tiền thành công để bị hại tin tưởng. Do đó, các cơ sở kinh doanh ăn uống cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo này, nhất là những yêu cầu đặt tiệc qua mạng viễn thông, mạng xã hội.

Đặc biệt, thủ đoạn lừa đảo như trên mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên đã "nở rộ" tại nhiều địa phương khác trên cả nước như Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh... Nhiều chủ nhà hàng đã bị lừa với với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. 

Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi có vị khách lạ yêu cầu đặt tiệc qua mạng xã hội, điện thoại, thì các "chiêu trò" lừa đảo sẽ không có điều kiện để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Quy định mới về nâng bậc lương của cán bộ, công chức, viên chức

Công chức chỉ được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.

TIN MỚI NHẤT