Định hướng nghề nghiệp cho con trong gia đình công nhân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài học làm mẹ 07/02/2023 10:34

Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số cha mẹ công nhân đều mong muốn con cái có nghề nghiệp ổn định và mong muốn về việc làm cho con gái và con trai trong gia đình cũng có sự khác biệt.

Tóm tắt: Định hướng nghề nghiệp cho con cái không phải là một vấn đề nghiên cứu mới. Tuy nhiên, nghiên cứu về định hướng nghề cho con trong gia đình công nhân đặt trong bối cảnh thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên rộng rãi trên thế giới và đang khởi đầu ở Việt Nam.

Nội dung bài viết này sử dụng dữ liệu của Đề tài “Định hướng về nghề cho con trong các gia đình công nhân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội) do Khoa Xã hội học, Trường Đại học Công đoàn thực hiện năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số cha mẹ công nhân đều mong muốn con cái có nghề nghiệp ổn định và mong muốn về việc làm cho con gái và con trai trong gia đình cũng có sự khác biệt.

Tỷ lệ cha mẹ mong con sau này làm công nhân chiếm tỷ lệ khá thấp. Những ngành nghề được nhận định là có khả năng kiếm việc làm tốt thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 lại ít được cha mẹ định hướng.

Cha mẹ công nhân đã có sự tìm hiểu thị trường lao động nhưng không nhiều. Đa số người mẹ là người dành nhiều thời gian quan tâm đến học hành của con, trong khi phần lớn người cha trong nghiên cứu này lại là người giúp con tìm hiểu thị trường lao động. 

1. Mở đầu

Định hướng nghề nghiệp cho con thể hiện vai trò làm cha mẹ trong từng gia đình. Chủ đề nghiên cứu không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho sẽ làm thu hẹp nhiều ngành nghề cũng như hình thành nhiều nghề mới phù hợp với sự phát triển của xã hội thì định hướng nghề nghiệp của cha mẹ về nghề nghiệp cho con cũng hết sức cần thiết. Định hướng nghề cho con không chỉ thể hiện tình yêu của cha mẹ cho con mà còn thể hiện kinh nghiệm làm việc của thế hệ đi trước dành cho thế hệ sau.

Chăm lo, yêu thương cho con cái là đặc điểm chung của tất cả các bậc cha mẹ, việc định hướng nghề nghiệp cho con cái cũng phụ thuộc vào điều kiện sống của mỗi gia đình. Nhất là đối với gia đình công nhân vốn là nhóm có điều kiện kinh tế khó khăn hơn vì thu nhập ở mức trung bình.

Theo Báo cáo khảo sát năm 2020 về tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân viên chức thì tổng thu nhập thực tế của người lao động là 7,4 triệu đồng/tháng, tiền lương tháng thực nhận phân theo vùng lương trung bình dao động từ 6,8-8,3 triệu đồng/tháng, cùng với đó họ cũng ít có thời gian chăm sóc con cái do bận rộn với công việc (Viện Công nhân và Công đoàn, 2020).

Như vậy, việc tìm hiểu sự đầu tư và hành động cha mẹ công nhân trong định hướng nghề nghiệp cho con là rất có ý nghĩa nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích vai trò của cha mẹ công nhân trong định hướng nghề nghiệp cho con thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 ở  hai khía cạnh: (1) Mong muốn của cha mẹ về nghề nghiệp của con cái; (2) Một số hành động cụ thể định hướng về ngành học; đầu tư chi phí cho học tập và hướng nghiệp cho con cái; thời gian cha mẹ đầu tư cho học tập và sự trợ giúp của cha mẹ dành cho con trong quá trình định hướng nghề nghiệp.

Bài viết sử dụng dữ liệu của Đề tài “Định hướng về nghề cho con trong các gia đình công nhân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội) do Khoa Xã hội học, Trường Đại học Công đoàn thực hiện năm 2020. Đề tài sử dụng phương pháp điều tra xã hội học gồm phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.

Định hướng nghề nghiệp cho con trong gia đình công nhân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1

Phương pháp định tính gồm phỏng vấn sâu 10 công nhân (5 nam và 5 nữ), tìm hiểu về định hướng của cha, mẹ công nhân về nghề nghiệp cho con cái. Phương pháp chọn mẫu phi xác suất được sử dụng để lựa chọn mẫu định lượng, cụ thể nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu quả bóng tuyết (Snowball sample) để lựa chọn một số công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long với tiêu chí là những công nhân đã kết hôn và có con học từ cấp Trung học cơ sở trở lên. Tổng số mẫu định lượng là 200 công nhân, trong đó nam chiếm 33% và nữ chiếm 67%.

2. Mong muốn của cha mẹ công nhân về nghề nghiệp cho con

Lựa chọn nghề nghiệp là vấn đề quan trọng bởi tương lai con em chúng ta phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn nghề nghiệp của ngày hôm nay. Đây là một quá trình bao gồm các hoạt động tìm hiểu bản thân, tìm hiểu thị trường lao động và các tác động ảnh hưởng tới bản thân để xác định mục tiêu, ra quyết định nghề nghiệp và thực hiện.

Vì tầm quan trọng này, mà hầu hết các bậc cha mẹ luôn dành sự quan tâm nhất định đến việc định hướng nghề nghiệp cho con với nhiều gửi gắm và kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp, thành đạt của con cái mình.

Từ trước đến nay, nhà trường luôn được coi là tác nhân chính, đóng vai trò quan trọng trong công tác hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cha mẹ mới là tác nhân quan trọng nhất vì cha mẹ là người gần gũi và hiểu con cái của mình rõ nhất. Hạnh phúc và sự thành đạt của con cái là niềm mong ước lớn nhất của người làm cha mẹ.

Hơn nữa, theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, con cái trong gia đình thường nghe lời cha mẹ, tin tưởng và muốn làm vui lòng cha mẹ, ngay cả trong việc chọn ngành, nghề cho bản thân. Phân tích dữ liệu khảo sát cho thấy, đa số các bậc cha, mẹ công nhân hiện nay cho rằng việc định hướng nghề nghiệp cho con cái hiện nay là quan trọng, trong số những người được hỏi thì có tới (32%) người trả lời định hướng nghề nghiệp cho con là rất quan trọng.

Đối với các bậc làm cha mẹ ở Việt Nam, việc định hướng nghề nghiệp luôn được tính toán với nhiều mục tiêu khác nhau như theo loại hình nghề nghiệp, tính chất của công việc, mức thu nhập, môi trường, điều kiện làm việc. Tuy nhiên, giới tính của con là một yếu tố quan trọng làm cho việc định hướng nghề nghiệp của cha mẹ có sự khác biệt. Với quan niệm thông thường cho rằng con gái và con trai có những loại hình nghề nghiệp, công việc riêng, phù hợp với giới tính và sau này là quá trình thực hiện vai trò giới trong gia đình.

Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, con trai phải gánh các trách nhiệm là người “chủ” gia đình trong tương lai, là trụ cột chính về kinh tế nên việc có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo là tiêu chí quan trọng bậc nhất trong quá trình trưởng thành. Chính điều này đã làm cho định hướng hoạt động hướng nghiệp của cha mẹ trở nên đặc biệt quan trọng đối với những đứa con trai trong gia đình. Phân tích số liệu ở Bảng 1 cho thấy sự khác nhau trong mong muốn của cha, mẹ về nghề nghiệp của con trai và con gái trong tương lai.

Thứ nhất, đối với con trai, tỷ lệ mong muốn con được làm viên chức nhà nước là 37% và buôn bán tự do là 32%. Đáng chú ý, các bậc cha, mẹ công nhân mong con sau này làm công nhân có tỷ lệ tương đối ít, chỉ chiếm 15%. Như vậy, có thể thấy những bậc cha, mẹ đã là công nhân họ không có xu hướng mong cho con cái theo nghề nghiệp của mình. Bởi cha mẹ luôn mong muốn con cái có nghề nghiệp ổn định, tốt hơn nghề nghiệp của cha mẹ (Đặng Thanh Nhàn, 2009).

Bảng 1. Mong muốn của cha, mẹ công nhân về nghề nghiệp của con trai và con gái trong tương lai

Lĩnh vực nghề nghiệp

Con trai

 

Con gái

 
 

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Buôn bán tự do

    

Công nhân

30

15,0

22

11,5

Viên chức nhà nước

74

37,0

131

68,2

Khác

32

16,0

31

16,1

Tổng

200

100

192

100

Nguồn: Kết quả khảo sát của Đề tài tháng 2/2020.

Thứ hai, đối với cha, mẹ công nhân họ có định hướng nhóm nghề nghiệp cho con gái rất khác với con trai. Dữ liệu cho thấy có sự tập trung hơn trong lựa chọn công việc là viên chức nhà nước của cha mẹ dành cho con gái với tỷ lệ là 68,2%, trong khi công việc kinh doanh buôn bán có tỷ lệ lựa chọn rất thấp, chỉ chiếm 4,2%. Đối với người Việt Nam, việc lựa chọn ngành nghề cho phụ nữ có sự khác biệt khi tính đến vai trò giới trong gia đình.

Nếu người con trai được coi là người chủ, trụ cột gia đình, thì người phụ nữ là người xây dựng, vun vén cho tổ ấm gia đình, chăm sóc con cái, nội trợ… Vì vậy, các giá trị trong định hướng nghề nghiệp cho con gái thường hướng đến sự ổn định, bền vững, ít va chạm, ít nặng nhọc, vất vả để có thời gian chăm lo chuyện gia đình, chồng con. Chính vì lẽ đó mà trong định hướng nghề nghiệp của cha mẹ đối với con gái thường hướng đến những công việc ổn định như viên chức nhà nước là chủ yếu.

Nhìn chung, quan điểm của cha mẹ trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho con cái ở các bậc cha mẹ tương đối đồng nhất, khi cho rằng con gái phù hợp hơn cả ở những công việc mang tính hành chính nhà nước, với quan niệm ăn sâu tiềm thức là chỉ có công việc trong khu vực nhà nước mới là những công việc ổn định nhất (Hà Thúc Dũng, Nguyễn Ngọc Anh, 2012).

Đặt trong mối tương quan về thu nhập, trình độ học vấn và xuất thân của những người trả lời, có thể thấy không có sự khác biệt giữa các bậc cha, mẹ công nhân ở Hà Nội và các tỉnh khác trong quan niệm về nghề nghiệp của con gái trong tương lai, nhìn chung đều thống nhất với mô hình công việc là viên chức nhà nước là chủ yếu.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thu nhập của cha, mẹ với mong muốn con gái làm viên chức có sự khác biệt, thu nhập của cha, mẹ càng cao thì tỷ lệ lựa chọn công việc cho con gái là viên chức càng cao (lần lượt là 62,3%, 67,2% và 75,4%). Những cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn như đại học, sau đại học dễ chấp nhận việc con gái làm ăn kinh doanh buôn bán trong tương lai hơn những người có trình độ học vấn thấp hơn (Bảng 2).

Bảng 2. Mối liên hệ giữa những đặc điểm của cha, mẹ công nhân với mong muốn về nghề nghiệp cho con gái trong tương lai (%)

Đặc điểm của cha/mẹ công nhân

Mong muốn nghề nghiệp cho con gái

Buôn bán tự do

Công nhân

Viên chức nhà nước

Khác

Quê quán (N=200)

Hà Nội (n=126)

    
 

Tỉnh khác (n=74)

5,7

5,7

68,6

20,0

Mức thu nhập***

Từ 8 triệu trở xuống (n=77)

 

14,5

62,3

23,2

(N=200)

Từ >8 đến 11 triệu (n=58)

6,9

20,7

67,2

5,2

 

>11 triệu (n=65)

6,2

 

75,4

18.5

 

Tiểu học (n=3)

 

100

  

Trình độ học vấn***

Trung học cơ sở (n=67)

 

6,3

69,8

23,8

 

Trung học phổ thông (n=92)

4,5

13,6

72,7

9,1

(N=200)

Trung cấp, cao đẳng (n=26)

 

11,5

88,5

 
 

Đại học, sau đại học (n=12)

33,3

  

66,7

Mức ý nghĩa thống kê: *** p< 0,001

Nguồn: Kết quả khảo sát của Đề tài tháng 2/2020.

Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với một số nghiên cứu trước đó về định hướng nghề nghiệp của con cái, cha mẹ có trình độ học vấn ở cấp nào, làm nghề gì, mức sống nào cũng đều mong muốn con cái làm cán bộ viên chức nhà nước, và tiêu chí “nghề nghiệp ổn định” là một trong những tiêu chí các bậc cha mẹ mong đợi hơn cả (Lê Mạnh Năm, 2000; Lỗ Việt Phương, 2008; Đặng Bích Thủy, 2008).

Tóm lại, cha, mẹ công nhân có quan niệm tương đối thống nhất về mong muốn nghề nghiệp dành cho con gái trong tương lai, đó là vị trí công việc trong nhà nước được kỳ vọng là một công việc ổn định đảm bảo cho việc thực hiện vai trò giới là chăm sóc gia đình trong tương lai. Lý giải dưới cách tiếp cận của lý thuyết xã hội hóa và giới cho thấy hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận thấy khác biệt về giới của con, và nó đã tác động đến cách giáo dục của họ, trong đó định hướng cho con trai với các nghề mang tính “cứng rắn” và với con gái là “mềm mại”.

Sự khác nhau trong định hướng nghề nghiệp cho con trai và con gái còn được cho là vì các bậc cha, mẹ thường khuyến khích con trai của họ độc lập hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn và đạt được nhiều thử thách hơn, trong khi đó không khuyến khích những hành vi tương tự ở con gái (Clutter, 2010). Rất ít cha, mẹ công nhân trong nghiên cứu này mong muốn con mình tiếp tục trở thành công nhân như nghề nghiệp hiện tại của họ, đa phần họ muốn con cái có nghề nghiệp mang lại thu nhập hoặc ổn định hơn công nhân.

3.   Một số hành động thực tiễn định hướng nghề nghiệp cho con của cha mẹ

3.1. Định hướng của cha mẹ về ngành học

Định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm quan trọng của các bậc làm cha làm mẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy cha, mẹ công nhân cũng quan tâm trong việc định hướng nghề cho con của họ. Số liệu Bảng 3 cho thấy có sự khác biệt trong định hướng về ngành học cho con trai và con gái của cha mẹ.

Đối với con trai, nhóm ngành được cha mẹ công nhân mong muốn định hướng nhiều nhất cho con trai là ở nhóm ngành kinh doanh (49,5%), tiếp đến nhóm ngành kiến trúc và xây dựng (34%), nhóm ngành công nghệ thông tin (22,5%), nhóm ngành sản xuất chế biến (15%). Nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành luật - nhân văn, nghệ thuật, thẩm mỹ nhóm ngành nông lâm - ngư nghiệp là những nhóm ngành mà cha, mẹ công nhân ít muốn con trai theo đuổi.

Bảng 3. Định hướng nhóm ngành học cho con trong gia đình công nhân (%)

 

Nhóm ngành

Giới tính con

Con trai

Con gái

 

Nhóm ngành sản xuất và chế biến

  
 

Nhóm ngành kiến trúc và xây dựng

34

1,6

 

Nhóm ngành kinh doanh

49,5

13

 

Nhóm các ngành công nghệ - thông tin

22,5

7,8

 

Nhóm ngành công nghệ sinh học

12

3,6

 

Nhóm ngành Luật - nhân văn

 

41,7

 

Nhóm ngành nghệ thuật - thẩm mỹ - đồ họa

 

34,9

 

Nhóm ngành báo chí - khoa học và xã hội

 

15,6

 

Nhóm ngành khoa học cơ bản

 

1,6

10

Nhóm ngành Sư phạm

10

40,1

11

Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp

 

4,2

Nguồn: Kết quả khảo sát của Đề tài tháng 2/2020.

Mặc dù Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay đổi việc làm của người lao động, khi đó Robot sẽ thay thế lao động chân tay. Nhưng theo ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia hàng đầu của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) thì nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghệ không thể hoàn toàn thay thế con người mà chỉ hỗ trợ con người. Ví dụ hoạt động giao dịch ngân hàng online một mặt giảm bớt nhân lực của ngành, nhưng mặt khác tạo ra rất nhiều việc làm kinh doanh offline (Vân Anh, 2017). Nhóm ngành kinh doanh hay lĩnh vực tài chính - đầu tư được cho là nhóm ngành cần nhiều nhân lực.

Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực kinh doanh được cho là có sự chuyển mình mạnh mẽ. Mặc dù cơ hội việc làm cho những vị trí cần xử lý máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính là rất lớn, nhưng không phải robot hay trí tuệ nhân tạo có thể xử lý được các tình huống trong kinh doanh, đầu tư một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng không thể thay thế con người lập kế hoạch, sáng tạo hay đánh giá tình huống thực tế trong thương trường kinh doanh. Vì vậy, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và là nghề hấp dẫn, thu hút nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những bậc cha, mẹ công nhân trong nghiên cứu này mong muốn con trai của mình có thể tự kinh doanh hoặc là có thể tham gia hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp nào đó. Bởi họ cho rằng con trai là nhóm đối tượng có khả năng xốc vác, nhanh nhẹn, đồng thời kinh doanh thường được cho là lĩnh vực có thể kiếm được tiền nhiều hơn là làm công nhân hay viên chức nhà nước.

Nhóm ngành công nghệ sinh học - được cho là nhóm thúc đẩy sự phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra nhiều việc làm trong thời kỳ này. Máy móc, robot không thể thay thế con người trong lĩnh vực công nghệ sinh học bởi con người chính là hạt nhân điều khiển, định hướng nghiên cứu và sản xuất sản phẩm sinh học.

Và khi theo đuổi ngành này, người lao động sẽ có nhiều cơ hội, việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, dữ liệu cho thấy có rất ít công nhân được hỏi trả lời muốn con trai của mình theo nghề này, tỷ lệ chỉ bằng ¼ nhóm ngành kinh doanh, chiếm (12%). Những bậc cha, mẹ công nhân ít định hướng nghề này cho con có thể vì họ không có nhiều thông tin về ngành học hoặc vì do năng lực học tập của con cái…

Dữ liệu nghiên cứu ở Bảng 3 còn cho thấy rất ít công nhân được hỏi mong muốn con trai của mình theo đuổi ngành sư phạm. Điều này tương ứng với mong muốn là con trai của họ sẽ theo đuổi ngành kinh doanh có khả năng kiếm được nhiều tiền, lo cho tương lai tốt hơn hoặc phù hợp hơn với năng lực của con.

Nếu đa số những công nhân được hỏi trả lời định hướng cho con trai của mình sẽ theo đuổi ngành kinh doanh thì đối với con gái, đa số họ lại muốn con mình theo ngành luật - nhân văn (41,7%) hoặc nhóm ngành sư phạm (40,1%), nghệ thuật - thẩm mỹ - đồ họa (34,9%). Tương tự nhóm ngành công nghệ sinh học, nhóm ngành công nghệ thông tin được cho là nhóm ngành có lợi thế trong tìm kiếm việc làm trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng rất ít công nhân lựa chọn hay mong muốn con gái theo lĩnh vực này (7,8%). Như vậy, những công nhân trong nghiên cứu này có xu hướng định hướng cho con gái mình làm những công việc ổn định, ít thay đổi.

Cũng có thể từ kinh nghiệm của bản thân và gia đình nên họ mong muốn con gái có việc ổn định, từ đó còn dành thời gian chăm sóc gia đình. Có lẽ mong muốn này cũng giống như đa phần các gia đình khác, đều mong muốn con gái có nghề nghiệp ổn định, ít thay đổi. Và nghề nghiệp ổn định có lẽ là phải bắt nguồn từ sự theo đuổi ngành học là nhóm ngành luật, ngành sư phạm. Đối với nhóm ngành công nghệ sinh học được cho là nhóm ngành “có ưu thế” tiềm năng để phát triển và có thu nhập tốt thì đều không phải là lựa chọn tối ưu trong định hướng nghề nghiệp cho con của công nhân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tóm lại, cha, mẹ công nhân đều chung mong muốn con cái có nghề nghiệp hơn cha mẹ, con gái có nghề nghiệp ổn định, nhưng lại ít quan tâm định hướng tới các ngành nghề triển vọng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

3.2. Đầu tư chi phí cho học tập và hướng nghiệp cho con cái

Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ nên cha mẹ luôn mong con cái có trở thành người thông minh, giỏi giang, luôn được tiếp cận những điều kiện tốt đẹp nhất trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Để có được những điều này, cha mẹ không những dành cho con tình yêu thương vô hạn mà còn dành cho những đứa con của mình thời gian và tiền bạc. Tương lai sau này của những đứa con phụ thuộc nhiều vào những gì mà cha mẹ đầu tư cho giáo dục.

Khảo sát về thu nhập của công nhân trong nghiên cứu này cho thấy thu nhập trung bình mỗi tháng của họ là khoảng 10 triệu đồng. Số tiền họ dành cho con cái học hành trong một năm trung bình là 10 triệu đồng, tất nhiên trong mẫu nghiên cứu thì trong các gia đình công nhân có thể có từ 1 đến 2 hoặc 3 con. Nhưng về cơ bản, điều này cho thấy số tiền trung bình trong một năm của một gia đình công nhân dành cho con cái học tập cũng không phải là nhỏ.

Dữ liệu nghiên cứu còn cho thấy đa phần cha, mẹ không có dự trữ và tích lũy tài chính để đầu tư lâu dài cho con trong việc học tập và hướng nghiệp, với tỷ lệ là 63%. Dù những bậc cha mẹ là công nhân đều cho rằng định hướng nghề nghiệp cho con cái là quan trọng, nhưng thực tế với mức thu nhập và chi tiêu hiện thời, họ không có khả năng để dành riêng một khoản kinh phí dự trù đầu tư cho học tập và hướng nghiệp của con.

Định hướng nghề nghiệp cho con trong gia đình công nhân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2

Chỉ có khoảng hơn 1/3 người được hỏi đã trả lời rằng họ có dự trù kinh phí đầu tư học tập và hướng nghiệp cho con (37%). Trên thực tế, những người làm cha làm mẹ cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Những gia đình có điều kiện thì mong muốn con mình được đi du học, có tương lai nghề nghiệp tốt, phù hợp xu hướng thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 như những ngành thuộc về công nghệ thông tin, kinh doanh, nhưng chi phí cho những ngành đó khá tốn kém.

Không chỉ tìm hiểu về khoản kinh phí mà cha mẹ dành đầu tư cho học tập và hướng nghiệp cho con, nghiên cứu này còn tìm hiểu nguồn kinh phí dự trù để hướng nghiệp cho con trong các gia đình công nhân hiện nay. Với câu hỏi “Nếu anh/chị có khoản kinh phí dự trù để hướng nghiệp cho con thì vui lòng cho biết anh/chị sử dụng hình thức nào?”, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy hầu hết cha, mẹ công nhân sử dụng hình thức tự tiết kiệm (chiếm 57,7%), gửi tiền bảo hiểm (30,6%), 11,7% là hình thức khác.

Như vậy, tự tiết kiệm là hình thức phổ biến được các cha, mẹ công nhân dành cho việc định hướng nghề nghiệp cho con cái của họ. Với mức thu nhập trung bình kể trên, ngoài những khoản chi tiêu cơ bản hàng tháng như sinh hoạt, ăn uống, thì những công nhân trong nghiên cứu này đã có sự quan tâm đến việc đầu tư giáo dục cho con cái họ trong tương lai thông qua các khoản kinh phí dự trù khác nhau.

3.3. Thời gian cha mẹ đầu tư cho học tập và hướng nghiệp cho con cái

Không chỉ tiết kiệm tiền bạc để đầu tư học tập và hướng nghiệp cho con cái, những bậc cha mẹ trong nghiên cứu này cũng dành quỹ thời gian trong ngày để quan tâm đến việc học và hướng nghiệp cho con của mình. Cha mẹ là người đi trước có nhiều kinh nghiệm thực tế, vì vậy các con có sự ảnh hưởng và niềm tin rất lớn từ cha mẹ trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Khi được hỏi về thời gian trong ngày cha mẹ dành để đầu tư, quản lý việc học tập của con cái, dữ liệu nghiên cứu cho thấy có 59% các bậc cha, mẹ cho biết họ đã dành từ 1-2 giờ mỗi ngày để chăm lo việc học của con, bao gồm xem xét bài vở, kèm con học bài, nhắc nhở đôn đốc, liên lạc với thầy cô. Đây là tỷ lệ khá cao cho thấy những bậc cha mẹ là công nhân đã rất quan tâm đến con cái. Những gia đình công nhân thường là những người làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.

Thời gian lao động phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt, thậm chí có nhiều công nhân làm theo ca kíp. Do đó, để có thời gian thường xuyên quan tâm đến việc học của con là một sự sắp xếp rất khó, thậm chí không có thời gian. Số liệu có thấy có 13,5% các bậc cha mẹ cho biết họ dành dưới 1 giờ đồng hồ/ngày và 16% không có thời gian để quan tâm đến việc học của con. Đây cũng là con số phản ánh thực tế những thách thức, khó khăn của cha mẹ trong việc quan tâm đến con cái, nhất là việc học hành (Bảng 4).

Bảng 4. Thời gian trong ngày cha mẹ dành quan tâm đến học tập và hướng nghiệp cho con cái (%)

Thời gian

Số lượng

Tỉ lệ (%)

< 1 giờ/

27

13,5

Từ 1- 2 giờ

118

59,0

Trên 2 giờ

19

9,5

Không có thời gian

32

16,0

Khác

 

2,0

Tổng

200

100

Nguồn: Kết quả khảo sát của Đề tài tháng 2/2020.

3.4. Trợ giúp của cha mẹ dành cho con trong quá trình định hướng nghề nghiệp

Ngoài dành thời gian quan tâm đến học tập của con, có một mối quan tâm khác vừa thiết thực vừa thể hiện tầm nhìn cũng như nhận thức của cha mẹ trong việc định hướng nghề nghiệp cho con đó là sự quan tâm đến thị trường lao động, tức là những nhu cầu của xã hội về các lĩnh vực ngành nghề, thể hiện cung - cầu lao động.

Thị trường lao động đang phát triển các ngành gì, nghề nào đang cần nhiều lao động, ngành nghề nào đã bão hoà hoặc dư thừa lao động, đó là mối quan tâm của các bậc cha mẹ khi định hướng nghề nghiệp cho con. Trong số các cha mẹ công nhân được hỏi có 46,5% trả lời có quan tâm đến thị trường lao động, cho thấy còn khá nhiều người chưa thực sự để ý đến những nhu cầu cung - cầu, sự biến động của thị trường lao động để căn cứ vào đó cân nhắc, định hướng nghề nghiệp cho con.

Định hướng nghề nghiệp cho con cái là một quá trình lâu dài, trong quá trình đó việc cha mẹ giúp con tìm hiểu thị trường lao động là một khâu quan trọng. Đặc biệt, khi con đã học đến cấp trung học phổ thông, nhất là vào giai đoạn lớp 12 là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò của người bố và người mẹ trong gia đình công nhân có sự khác biệt trong thực hiện định hướng nghề nghiệp cho con cái, nhất là trong việc giúp con tìm hiểu thị trường lao động.

Ví dụ, có 38% người trả lời cho biết trong gia đình họ người bố là người giúp con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp so với 24,5% là người mẹ; 61% người bố giúp con tìm hiểu sở thích nghề nghiệp của bản thân so với 32% là người mẹ; tương tự, 41,5% người bố trong gia đình giúp con tìm hiểu thị trường lao động so với 20% người mẹ.

\Có thể là do nam giới thường là người cập nhật thông tin thị trường lao động, họ có sự đánh giá và phân tích thông tin nhanh nhạy hơn nên khả năng giúp con tìm hiểu về thị trường lao động nhiều hơn những người mẹ. Dữ liệu nghiên cứu này có sự khác biệt với quan điểm của Jungen (2008) khi cho rằng trong thực tế, các bà mẹ ngày nay có khả năng đóng góp cho kinh tế xã hội gia đình và có trình độ giáo dục cao, khiến địa vị của họ gần bằng nam giới.

Phụ nữ gia nhập lực lượng lao động với trình độ học vấn cao hơn, họ tăng khả năng kiếm tiền và tài chính đóng góp cho gia đình, vì vậy cha mẹ có ảnh hưởng đến con cái với mức độ tương đương (Jungen, 2008). Tuy nhiên, trong nghiên cứu này các nữ công nhân cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, có thể họ thường bận rộn trong công việc và chăm sóc gia đình, điều đó dẫn đến quỹ thời gian của phụ nữ trở nên hạn hẹp và hạn chế việc cập nhật thông tin thị trường lao động để có thể định hướng cho con cái của mình.

4. Kết luận

Trong bài viết này, kết quả phân tích cho thấy những mong muốn của cha mẹ là công nhân về nghề nghiệp của con cái trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 là có nghề nghiệp ổn định, nhất là được làm việc trong khu vực nhà nước. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ cha mẹ mong con sau này làm công nhân chiếm tỷ lệ khá ít ỏi, có thể nói rằng nhiều cha, mẹ là công nhân không mong muốn con cái trở theo nghề nghiệp của mình.

Những người công nhân được hỏi trong nghiên cứu này cũng không quan tâm nhiều đến những nghề nghiệp được cho là “hot” trong thời kỳ này. Mặc dù đa số cha, mẹ là công nhân không có điều kiện về kinh tế dư dả nhưng cũng có tỷ lệ nhất định những bậc cha, mẹ đã có sự tích lũy tài chính dành cho định hướng nghề nghiệp cho con và có bộ phận nhỏ trong số họ cũng có tìm hiểu thị trường lao động thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đa số người mẹ làm công nhân là người dành nhiều thời gian quan tâm đến học hành của con, trong khi phần lớn người cha lại là người giúp con tìm hiểu thị trường lao động. Đối với con trai, những bậc cha, mẹ công nhân lại mong muốn con họ có thể tham gia vào lĩnh vực kinh doanh và đối với con gái thì họ mong muốn con có việc làm ổn định trong nhà nước.

Những dữ liệu nghiên cứu thể hiện trên đây chưa bao quát toàn bộ gia đình công nhân ở Việt Nam, nhưng cũng cho thấy một cái nhìn tương đối về mối quan tâm của cha, mẹ công nhân đối với việc học tập và tương lai nghề nghiệp của con cái. Tuy rằng họ chưa thật sự quan tâm tới những xu hướng ngành nghề trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 để có những định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con của mình trong tương lai, nhưng dù ở địa vị kinh tế, xã hội như thế nào thì hầu hết các bậc cha, mẹ công nhân cũng đã có sự đầu tư hướng nghiệp và mong muốn con cái có được nghề nghiệp ổn định và phù hợp nhất.

Tác giả: 

Vũ Thị Bích Ngọ

Làm mẹ ở các quốc gia khắp thế giới khác nhau như thế nào: Mỗi nơi lại có truyền thống đặc sắc riêng

Sinh con là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ và ở mỗi nơi, người ta có cách khác nhau để làm mẹ và tôn vinh người mẹ.

TIN MỚI NHẤT